Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới. Việc gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế và kí kết các hiệp định, cam kết thương mại làm cho thị trường tài chính ngày càng được mở rộng, đem lại cơ hội đầu tư cho tất cả các thành phần kinh tế. Đồng thời cũng làm cho tính cạnh tranh giữa các tổ chức kinh tế trong nước và quốc tế gay gắt hơn.
Năm 2008, thị trường tài chính Việt Nam chịu ảnh hưởng tác động của khủng hoảng tài chính thế giới. Lạm phát và lãi suất tăng cao đã làm cho khả năng thanh khoản của thị trường giảm sút. Từ đó đã ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, ngành ngân hàng Hà Nội đã cùng toàn hệ thống tập trung thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng đề ra. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Mặc dù vậy, ngàng Ngân hàng đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, góp phần quan trọng trong kiềm chế lạm phát, hạn chế nhập siêu, duy trì tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, thị trường tiền tệ được bình ổn, lãi suất tỷ giá biến động ở mức hợp lý, khả năng thanh khoản của các TCTD được đảm bảo, tín dụng tăng trưởng ở mức phù hợp, đáp ứng vốn kịp thời cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế.
Bước sang năm 2009, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010. Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2009 đã được Quốc hội phê duyệt, NHNN đã xác định mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ hoạt động ngành Ngân hàng trong năm 2009. Cụ thể:
- Vốn huy động tăng từ 13% đến 15% so với năm 2008 - Tổng dư nợ tín dụng tăng từ 22% đến 23% so với năm 2008 - Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%
- Phát triển mạnh công nghệ ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội về các hoạt động dịch vụ ngân hàng.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng tài chính, tiền tệ.
Với phương châm vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững của khách hàng và ngân hàng, mục tiêu của NHNo&PTNT Hà Nội là tiếp tục giữ vững danh hiệu lá cờ đầu của toàn hệ thống Agribank. Chính vì vậy, ngân hàng luôn xây dựng cho mình chiến lược kinh doanh cho từng năm, từng quý và từng tháng để trên cơ sở đó các cán bộ nhân viên có phương hướng hoạt động sao cho hiệu quả nhất, mang lại thu nhập cao và ngày càng làm tăng uy tín của ngân hàng. Dựa trên phương hướng nhiệm vụ của ngành Ngân hàng 2009, Đề án phát triển giai doạn 2006 - 2010 và đặc điểm của mình, NHNo Hà Nội đã xây dựng chiến lược phát triển năm 2009 để từng bước xây dựng ngân hàng No thành ngân hàng thương mại chủ lực trong hệ thống NHNo Việt Nam nói riêng và trong toàn hệ thống NHTM Việt Nam nói chung. NHNo Hà Nội đã xây dựng định hướng phát triển và kế hoạch kinh doanh năm 2009 với những chỉ tiêu sau:
- Nguồn vốn có tốc độ tăng trưởng tối thiểu từ 15% đến 20% so với năm 2008, tập trung huy động nguồn vốn. Trong đó, chú trọng huy động nguồn vốn trung và dài hạn, cả nội tệ và ngoại tệ.
- Tập trung đầu tư và cho vay các dự án của các thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản xuất khẩu, hàng tiêu dùng và các mặt hàng thay thế nhập khẩu. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư cho vay các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tư nhân cá thể, Ngân hàng còn tiếp tục cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước, các Công ty cổ phần làm ăn kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời Ngân hàng tập trung nâng cao chất lượng công tác thẩm định cho vay, từng bước lành mạnh hóa chất lượng tín dụng, tập trung thu hồi nợ đã xử lý rủi ro…nhằm đạt được mục tiêu:
• Tổng dư nợ tín dụng tăng 16% đến 18% so với năm 2008.
- Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm cung cấp các loại hình dịch vụ tiện ích đến mọi đối tượng, mọi thành phần kinh tế. Phấn đấu tăng thu từ dịch vụ 25 – 30% so với năm 2008.
- Lợi nhuận tăng trưởng từ 10 - 15% so với năm 2008, đảm bảo quỹ thu nhập đủ để chi trả lương theo quy định của NHNo&PTNT Việt Nam.