1.4.1. Nhiệm vụ và chủ thể kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách cấp tỉnh cấp tỉnh
KTNN là một trong những công cụ kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước. Khoản 1- Điều 66 Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 quy định: “Cơ quan KTNN thực hiện việc kiểm toán xác định tính đúng đắn, hợp pháp của báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các cấp, cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy
định của pháp luật” [12].
Thông qua hoạt động kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các cấp, cơ quan, đơn vị, KTNN góp phần ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý tài chính nhà nước, bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tài chính và tài sản nhà nước.
Do đặc thù về thể chế chính trị và đặc điểm kinh tế xã hội, nên hiện nay ở
Việt Nam, KTNN là chủ thể duy nhất tiến hành kiểm toán báo cáo tổng quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương.
Để thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương, theo quy định của Luật KTNN, các KTNN khu vực đảm nhiệm nhiệm vụ này.
KTNN khu vực là đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp trong ngân sách chung của KTNN.
KTNN khu vực là đơn vị trực thuộc KTNN có chức năng giúp Tổng KTNN tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bản theo sự
phân công của Tổng KTNN. Mỗi KTNN khu vực sẽ thực hiện kiểm toán một số
tỉnh, thành phố nhất định.
Khách thể kiểm toán của KTNN khu vực bao gồm: các cấp chính quyền
địa phương trên địa bàn khu vực; các cơ quan, đơn vị, tổ chức của địa phương trên địa bàn khu vực có sử dụng ngân sách địa phương hoặc ngân sách trung
ương uỷ quyền; các công trình, dự án đầu tư do Uỷ ban nhân dân các cấp trên
địa bàn khu vực hoặc do các đơn vị thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp trên địa bàn khu vực quản lý làm chủđầu tư; các doanh nghiệp nhà nước do các cấp có thẩm quyền của chính quyền địa phương thành lập thuộc địa bàn khu vực; một số đối tượng khác do trung ương quản lý đóng trên địa bàn khu vực theo sự uỷ nhiệm của Tổng KTNN.
KTNN khu vực có nhiệm vụ:
(1) Nắm tình hình về tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp nhà nước của các địa phương trên địa bàn khu vực phục vụ cho công tác kiểm toán, xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm của đơn vị trình Tổng KTNN quyết định; đề xuất Tổng KTNN quyết định kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương sau khi Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách mà trước đó chưa kiểm toán; tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán được Tổng
KTNN giao;
(2) Thực hiện kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia thuộc phạm vi kiểm toán của đơn vị theo kế hoạch được duyệt và Tổng KTNN giao;
(3) Nghiên cứu sử dụng kết quả kiểm toán nội bộ của cơ quan, tổ chức nơi có hệ thống kiểm toán nội bộ và chịu trách nhiệm trước Tổng KTNN về việc sử
dụng kết quả kiểm toán nội bộ;
(4) Xét duyệt và chịu trách nhiệm trước Tổng KTNN và trước pháp luật về biên bản kiểm toán và báo cáo kiểm toán do các đoàn kiểm toán của đơn vị
thực hiện trước khi trình Tổng KTNN;
(5) Tổng hợp kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán hàng năm thuộc phạm vi kiểm toán của đơn vị
báo cáo Tổng KTNN;
(6) Tham gia với Vụ Tổng hợp và các đơn vị có liên quan chuẩn bị ý kiến về dự toán ngân sách, phương án bổ sung chi ngân sách các tỉnh thuộc phạm vi kiểm toán của mình và quyết toán ngân sách hàng năm;
(7) Trong trường hợp đã thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương nhưng báo cáo quyết toán ngân sách chưa được Hội đồng nhân dân phê chuẩn thì trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình, KTNN khu vực phải tiếp tục làm rõ những vấn đề Hội đồng nhân dân đề nghị.
Khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, KTNN khu vực có quyền hạn theo quy định của Luật KTNN.
Lãnh đạo KTNN khu vực gồm: Kiểm toán trưởng và các Phó kiểm toán trưởng. Kiểm toán trưởng ký báo cáo kiểm toán do đơn vị thực hiện. Tổ chức của KTNN khu vực gồm: Văn phòng, Phòng Tổng hợp và tối đa không quá 05 phòng nghiệp vụ.
Theo điều 4, Nghị Quyết số 916/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15/9/2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về cơ cấu tổ chức của KTNN, số lượng KTNN khu vực trong từng thời kỳ được xác định trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ
Kiểm toán Nhà nước trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Đến tháng 6/2009, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, KTNN đã thành lập 09 KTNN khu vực phân bố tại các vùng trên khắp cả nước, đó là: KTNN khu vực I có trụ sở tại Hà Nội; KTNN khu vực II có trụ sở tại Nghệ An; KTNN khu vực III có trụ sở tại Đà Nẵng; KTNN khu vực IV có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, KTNN khu vực V có trụ sở tại Cần Thơ, KTNN khu vực VI có trụ sở tại Quảng Ninh; KTNN khu vực VII có trụ sở tại Yên Bái; KTNN khu vực VIII có trụ sở tại Nha Trang; và KTNN khu vực IX có trụ sở tại Tiền Giang.