Chương 2: Thực trạng quản lý rủi ro tín dụng tại Eximbank Hà Nộ
2.2.2. Đánh giá tình hình quản lý rủi ro tín dụng tại chi nhánh
2.2.2.1. Những kết quả đạt được
Nhìn chung, công tác quản trị rủi ro tín dụng của chi nhánh trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với sự tăng trưởng về qui mô tín dụng, chất lượng tín dụng cũng được tăng cường. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm, ngân hàng tăng cường xử lý, thu hồi các khoản nợ tồn đọng từ các năm trước để lại. Thành công của chi nhánh trong quản lý rủi ro tín dụng đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của chi nhánh cũng như toàn ngân hàng trong suốt 4 năm chấn chỉnh củng cố vừa qua.
Có thể thấy kết quả quản lý rủi ro tín dụng của chi nhánh thông qua theo dõi chỉ tiêu nợ quá hạn và tỷ trọng nợ quá hạn trong tổng dư nợ trong những năm qua.
Bảng 5: Tình hình nợ quá hạn của chi nhánh Eximbank Hà Nội
Đơn vị: triệu đồng
Chỉ tiêu Năm 2003 Năm 2004 Năm 2005 Năm 2006
Nợ quá hạn (NQH) 24.683 21.232 12.938 11.061
NQH/tổng dư nợ (%) 5,2 3,2 1,8 1,5
Nguồn: Phòng tín dụng – Chi nhánh Eximbank Hà Nội
Biều đồ: Tỷ trọng nợ quá hạn trên tổng dư nợ qua các năm
5,2 3,2 3,2 1,8 1,5 0 1 2 3 4 5 6 2003 2004 2005 2006 năm %
Nhìn vào bảng số liệu trên, ta có thể thấy cùng với sự tăng liên tục của tổng dư nợ qua các năm thì nợ quá hạn cũng giảm tương ứng. Trong vòng 4 năm, nợ quá hạn của chi nhánh đã giảm được 13.622 triệu đồng (tức 55,2%) từ 24.683 triệu đồng năm 2003 xuống còn 11.061 triệu đồng năm 2006. Tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ của chi nhánh trong 2 năm qua đã có sự sụt giảm đáng kể, đạt tiêu chuẩn cho phép dưới 2%. Năm 2003 tỷ lệ này là 5,2%, đến năm 2006 giảm được 3,7% còn 1,5%. Đặc biệt, trong năm 2006 chi nhánh còn thu được 1.785 triệu đồng nợ quá hạn đã xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro. Như vậy, thành công trong việc quản lý rủi ro tín dụng của chi nhánh trong thời gian không chỉ là hạn chế được sự phát sinh mới của các khoản nợ quá hạn mà còn thực hiện tốt công tác thu hồi các khoản nợ đọng từ các năm trước để lại.
Cho vay phục vụ xuất nhập khẩu có rủi ro khá cao do khả năng hoàn trả món vay của khách hàng chịu tác động rất lớn bởi các nhân tố xuất phát từ môi trường bên ngoài. Bởi vậy, trong thời gian qua chi nhánh đã đa dạng hóa các khoản cho vay bằng cách mở rộng cho vay tiêu dùng, cho vay đồng tài trợ... để hạn chế rủi ro.
Để có được những kết quả trên, nguyên nhân chủ yếu là do chi nhánh đã thực hiện được những biện pháp hữu hiệu để quản lý rủi ro tín dụng:
- Cán bộ ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ qui trình tín dụng, từ khâu xét duyệt cho vay đến theo dõi khách hàng sau khi cho vay. Bên cạnh đó, việc chuyển những khoản vay phức tạp, nhu cầu vốn lớn sang hội đồng thẩm định xem xét, đánh giá cũng giúp nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro.
- Ngân hàng đã chú trọng hơn trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt, thường xuyên và chặt chẽ với các doanh nghiệp vay vốn theo phương châm khách hàng là bạn,cùng nhau phát triển. ngân hàng còn thường xuyên cung cấp cho khách hàng những thông tin có liên quan, những kinh nghiệm trong việc tháo gỡ khó khăn, giải thích và tư vấn cho khách hàng những qui định và thông lệ quốc tế... Nhờ đó, nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp vay vốn đã được nhanh chóng cùng thảo luận và tháo gỡ, hạn chế rủi ro cho khách hàng và cả ngân hàng.
- Các phòng ban trong chi nhánh đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, đặc biệt là giữa phòng tín dụng, thẩm định với phòng thanh toán quốc tế trong việc kiểm tra thông tin về khách hàng, tư vấn cho khách hàng, quản lý nợ vay và thu lãi.
2.2.2.2. Những vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, công tác quản lý rủi ro tín dụng của chi nhánh vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:
- Trải qua một thời gian dài ngân hàng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt vì nợ quá hạn cao và kinh doanh không có lãi, mặc dù thời gian qua chi nhánh đã đạt được những thành công nhất định trong kiểm soát nợ quá hạn nhưng đây vẫn luôn là một vấn đề cần được quan tâm. Năm 2006, chi nhánh thực hiện thắt chặt cho vay, doanh số cho vay giảm 12,65% nên tỷ lệ nợ quá hạn đã được kiểm soát ở mức 1,5%. Trong thời gian tới, với việc mở rộng qui mô tín dụng, chi nhánh cần phải tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro để không làm tăng tỷ lệ nợ quá hạn.
- Mặc dù tỷ trọng cho vay trung dài hạn của chi nhánh có chiều hướng tăng lên nhưng còn chậm và tỷ trọng này còn khá thấp so với mức trung bình toàn hệ thống. Năm 2006, tỷ trọng cho vay trung dài hạn chiếm 9,3% tổng dư nợ, thấp hơn so với toàn hệ thống Eximbank 15,2%. Như vậy, hoạt động chính đem lại lợi nhuận cho chi nhánh vẫn là tài trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Việc chậm đa dạng hóa các khoản cho vay theo thời hạn, ngành nghề... khiến cho nguy cơ rủi ro xảy ra đối với ngân hàng là khá cao, đặc biệt là khi rủi ro xuất phát từ môi trường bên ngoài xảy ra như rủi ro chính sách, chu kì kinh tế...
- Một số khoản cho vay chưa được đánh giá đúng mức độ rủi ro. Mặc dù những khoản vay này chưa thực sự làm phát sinh nợ quá hạn và phải trích lập dự phòng rủi ro nhưng nếu không kịp thời giải quyết sẽ làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng của chi nhánh. Do chưa đánh giá được tầm quan trọng của việc xếp hạng và cho điểm khách hàng theo một số tiêu chí được theo dõi thường xuyên nên việc theo dõi khách hàng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tính chủ động của cán bộ tín dụng.
Hạn chế trong quản lý rủi ro tín dụng ở chi nhánh bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
- Qui trình cấp tín dụng chưa có sự tách bạch giữa các khâu: Hiện nay tại chi nhánh, một cán bộ tín dụng vẫn thực hiện toàn bộ các khâu từ xét duyệt, quyết định cho vay đến kiểm tra, thu hồi vốn vay. Điều này dễ gây quá tải và gia tăng nguy cơ xảy ra rủi ro đạo đức ở các cán bộ tín dụng.
- Trình độ năng lực của cán bộ tín dụng chưa cao: Phần lớn cán bộ tín dụng tại chi nhánh đều là những nhân viên trẻ, có kiến thức nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm khách hàng, thẩm định cho vay. Trong khi đó, công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ còn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Điều này đã hạn chế rất lớn đến chất lượng các khoản cho vay, là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn.
- Chính sách đãi ngộ chưa hợp lý: Do ngân hàng chưa xây dựng được một cơ chế khoán tài chính nên không tạo được động lực thúc đẩy cán bộ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ với năng suất, chất lượng và hiệu quả. Cán bộ tín dụng là những người trực tiếp thực hiện các khoản cho vay và phải chịu trách nhiệm đối với các khoản cho vay có vấn đề,nhưng đối với những khoản cho vay có chất lượng tốt, đem lại lợi nhuận cho ngân hàng thì họ lại không được hưởng những chế độ đãi ngộ khác. Điều này làm giảm sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của cán bộ tín dụng, khiến họ không nỗ lực, phấn đấu hết sức vì ngân hàng.
- Thông tin về khách hàng không đầy đủ: Nguồn thông tin mà chi nhánh sử dụng để phân tích và đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng còn thiếu và có chất lượng chưa cao do những thông tin này chủ yếu là do khách hàng cung cấp. Việc liên kết đồng bộ hệ thống ngân hàng để trao đổi thông tin chưa được chú trọng đúng mức nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, cán bộ tín dụng thường phải mất khá nhiều thời gian và công sức để tự đi điều tra trong khi chí phí cho hoạt động này lại hầu như không có.
Theo nguyên tắc, để hạn chế rủi ro thì trước khi quyết định cho vay, cán bộ tín dụng cần thâm nhập sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, phân tích khách hàng trên nhiều yếu tố nhưng thực tế công việc này chưa được thực hiện theo một hệ thống các chỉ tiêu được xây dựng đầy đủ và phù hợp. Chi nhánh nhìn chung còn ít tìm hiểu và không đủ thông tin về các yếu tố phi tài chính như đạo đức, ý muốn chủ quan của khách hàng trước và sau cho vay.
* Nguyên nhân thuộc về phía khách hàng
- Báo cáo tài chính không minh bạch: Trong phân tích khách hàng trước khi ra quyết định cho vay, cán bộ tín dụng thường tập trung vào phân tích tình hình tài chính của khách hàng thông qua các báo cáo tài chính mà khách hàng cung cấp. Tuy nhiên, nhiều báo cáo không được kiểm toán, độ chính xác của thông tin không cao khiến cán bộ tín dụng khó có thể đưa ra được những quyết định hợp lý, khiến cho rủi ro từ khoản cho vay sẽ tăng lên.
- Tư cách đạo đức và năng lực quản trị kém: Năng lực kinh doanh, khả năng quản lý của cán bộ lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Năng lực kém sẽ khiến cho nhà quản trị đưa ra những quyết định sai lầm trong chiến lược kinh doanh, lựa chọn ngành nghề không phù hợp... khiến doanh nghiệp thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng, làm phát sinh các khoản nợ quá hạn cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, một số khách hàng có tư cách, phẩm chất đạo đức kém, cố ý lừa đảo chiếm dụng vốn của ngân hàng. Đây cũng là một trong những lý do gây ra nợ quá hạn cho chi nhánh.
* Nguyên nhân xuất phát từ môi trường bên ngoài
- Rủi ro chính sách: Các chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ đang trong quá trình đổi mới và hoàn thiện khiến cho một số doanh nghiệp không theo kịp với những sự thay đổi đó rơi vào tình huống bất lợi. Việc thay đổi mức thuế suất, hạn ngạch khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu
không thực hiện được giao dịch, không thu được vốn để trả nợ ngân hàng. Đồng thời, sự thay đổi trong chính sách kinh tế của các nước cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời cũng ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của ngân hàng.
Khách hàng chủ yếu của chi nhánh là các doanh nghiệp kinh doanh XNK trong khi tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này lại chịu tác động rất lớn từ môi trường bên ngoài. Sự thay đổi chính sách, biểu thuế, sự biến động tỷ giá... là rất khó lường và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoàn trả nợ đúng hạn của khách hàng khiến cho nợ quá hạn của ngân hàng cũng tăng theo.
- Môi trường tài chính chưa minh bạch: Đây cũng là một yếu tố tác động tiêu cực tới hoạt động tín dụng của chi nhánh. Thị trường tài chính trong nước chưa phát triển, thị trường chứng khoán mới đi vào hoạt động chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia và phần lớn các doanh nghiệp ý thức được tầm quan trọng của việc minh bạch hóa tài chính. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho ngân hàng trong việc đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng, khiến ngân hàng thực hiện những món cho vay chất lượng kém, rủi ro cao.