Tăng cường các biện pháp hạn chế tổn thất khi rủi ro tín dụng xảy ra

Một phần của tài liệu TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM - CHI NHÁNH HÀ NỘI.DOC (Trang 60 - 62)

Chương 3: Giải pháp tăng cường quản lý rủi ro tín dụng tại chi nhánh Eximbank Hà Nộ

3.2.2.Tăng cường các biện pháp hạn chế tổn thất khi rủi ro tín dụng xảy ra

xảy ra

3.2.2.1. Áp dụng biện pháp khai thác đối với những khách hàng còn khả năng và ý chí trả nợ

Đối với những khách hàng gặp khó khăn tài chính tạm thời nhưng vẫn còn khả năng và thiện chí trả nợ thì ngân hàng cần áp dụng các biện pháp khai thác khác nhau tùy vào đánh giá của ngân hàng đối với khách hàng:

- Ngân hàng có thể đưa ra lời khuyên cho khách hàng trên nhiều chủ đề nhằm tác động đến khả năng tạo ra lợi tức của người vay như: bán bớt tài sản hay một phần doanh nghiệp; thực hiện một số chương trình định giá lại sản phẩm, thay đổi phương thức bán, tăng sản phẩm mới; loại bỏ một số hoạt động không sinh lời...

- Ngân hàng áp dụng chính sách gia hạn nợ, giảm lãi hoặc cho vay thêm để hỗ trợ phương án thu hồi tài sản. Phương án này gặp nhiều thách thức khi thực hiện nên ngân hàng cần phải cân nhắc kỹ, đảm bảo món vay bổ sung sẽ góp phần củng cố khả năng thanh toán toàn bộ các khoản vay nợ đồng thời phải được bổ sung thêm tài sản bảo đảm, thời hạn vay là chấp nhận được...

Việc thực hiện các biện pháp trên sẽ giúp cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt nhưng vướng phải những khó khăn tạm thời có thể tiếp tục kinh doanh, trả nợ cho ngân hàng. Việc ngân hàng giúp đỡ giải quyết khó khăn cho khách hàng cũng chính là việc ngân hàng giải quyết khó khăn cho chính mình.

Khi ngân hàng nhận thấy khả năng cải thiện tình hình của khách hàng là không thể, ngân hàng buộc phải áp dụng các biện pháp thanh lý tín dụng. Thanh lý tín dụng gồm có: phát mại tài sản đảm bảo, thanh lý doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp. Trong đó, phát mại tài sản bảo đảm là biện pháp được sử dụng đầu tiên. Khi cho vay, ngân hàng thường yêu cầu phải có tài sản đảm bảo để khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng sẽ sử dụng chúng như nguồn thứ cấp để trả nợ cho ngân hàng bằng cách phát mại chúng. Tuy nhiên, việc phát mại tài sản đảm bảo là khá phức tạp, đòi hỏi nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian và khá tốn kém. Đối với tài sản đảm bảo là nhà ở thì thủ tục còn phức tạp hơn nữa. Do vậy, trong thời gian tới, ngân hàng cần xem xét thành lập một bộ phận chuyên trách thực hiện công việc này nhằm giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí cho ngân hàng trong việc phát mại tài sản đảm bảo, thu hồi nợ vay.

Các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc NHTM được thành lập theo quyết định số 150/2001/QĐ-TTg của thủ tướng Chính Phủ có chức năng thay mặt ngân hàng giải quyết nợ quá hạn bằng cách phân công và qui trách nhiệm đòi nợ, liên kết các bên ngân hàng - khách hàng - chính quyền địa phương trong việc xử lý nợ, tiến hành phát mại tài sản đảm bảo tiền vay để thu hồi vốn vay cho ngân hàng... Hoạt động của các công ty này sẽ giúp cho ngân hàng tăng cường khả năng thu hồi nợ và giảm tổn thất cho ngân hàng do hoạt động của nó được qui định cụ thể và chuyên môn hoá rõ ràng.

Sau khi thực hiện các biện pháp thanh lý mà ngân hàng vẫn không bù đắp được tổn thất mà rủi ro tín dụng mang lại thì ngân hàng cần sử dụng quỹ dự phòng để xử lý rủi ro nhằm đảm bảo cho hoạt động của ngân hàng được bình thường và đảm bảo chấp hành các qui định của NHTW. Trong thực tế, quỹ dự phòng rủi ro được hình thành sau khi phân loại các khoản cho vay trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro và được hạch toán vào chi phí hoạt động của ngân hàng. Nếu giá trị tổn thất nhỏ hơn dự phòng rủi ro thì ngân hàng tiến hành thanh lý nợ bằng quĩ dự phòng. Tuỳ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro tổn thất mà có cách xử lý thích hợp, có thể sau khi sử dụng quĩ dự phòng rủi ro để bù đắp sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng tín dụng, cũng có thể chỉ xoá khoản tín dụng trong nội bảng và tiếp tục theo dõi ở ngoại bảng trong một thời gian nhất định để tiếp tuc truy đòi người đi vay và các bên có liên quan. Trong trường hợp giá trị tổn thất lớn hơn dự phòng rủi ro thì cần dùng các nguồn khác để thanh lý tín dụng như quĩ dự phòng tài chính, hạch toán vào chi phí bất thường...

3.3. Kiến nghị

Một phần của tài liệu TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM - CHI NHÁNH HÀ NỘI.DOC (Trang 60 - 62)