Kiến nghị với Chính phủ

Một phần của tài liệu TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM - CHI NHÁNH HÀ NỘI.DOC (Trang 64 - 67)

Chương 3: Giải pháp tăng cường quản lý rủi ro tín dụng tại chi nhánh Eximbank Hà Nộ

3.3.2. Kiến nghị với Chính phủ

3.3.2.1. Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động của nền kinh tế

Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giảm hiệu quả sử dụng vốn dẫn đến khó khăn trong việc thanh toán nợ với ngân hàng là do chính sách quản lý kinh tế vĩ mô

của Chính phủ chưa hoàn thiện, thường xuyên có những thay đổi. Điều này khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động và nhiều trường hợp, sự điều chỉnh của doanh nghiệp không theo kịp sự thay đổi cơ chế chính sách, dẫn tới kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán. Vì vậy, trong quá trình điều chỉnh cơ chế chính sách, Chính Phủ nên có những bước đệm hoặc những biện pháp tháo gỡ khó khăn do thay đổi cơ chế chính sách gây ra cho doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng cùng với các văn bản luật khác được ban hành đã tạo ra hành lang pháp lý hết sức quan trọng, hướng dẫn hoạt động cho các ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động của các NHTM cũng gặp phải không ít khó khăn do những qui định pháp lý chưa đầy đủ, chặt chẽ, đặc biệt là các qui định trong việc xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng. Do đó, trong thời gian tới, Chính Phủ cần chỉ đạo việc ban hành, triển khai thực hiện các nghị định, thông tư hướng dẫn một cách nhanh chóng, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, tránh gây ách tắc và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các NHTM. Cụ thể:

+ Theo qui định của Chính phủ, “Việc xử lý tài sản đảm bảo là biện pháp để thu hồi nợ, không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của TCTD”. Vì vậy, Bộ tài chính cần phải hướng dẫn cụ thể các cơ quan thuế địa phương trong việc thực hiện chế độ miễn giảm thuế đối với các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc các NHTM.

+ Đối với các tài sản thế chấp là bất động sản mà công ty Quản lý nợ và Khai thác Tài sản của NHTM cần bán để thu hồi nợ nhưng không có đủ giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất thì Sở địa chính phải hợp thức hoá thủ tục giấy tờ này, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng bán để thu nợ.

3.3.2.2. Ban hành các qui định chặt chẽ hơn trong việc công bố thông tin của các doanh nghiệp

Tính chân thực của báo cáo tài chính có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đánh giá khách hàng của ngân hàng. Hiện nay, nhiều khách hàng doanh nghiệp còn chưa tôn trọng pháp lệnh kế toán thống kê gây ra tình trạng các báo cáo tài chính được lập ra rất muộn so với thời điểm báo cáo hoặc lập ra với mục đích đối phó, không phản ánh chính xác tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hiện nay tồn tại hai loại báo cáo: một báo cáo lãi để vay vốn ngân hàng, một báo cáo lỗ nhằm mục đích trốn thuế. Do đó, độ tin cậy của những thông tin mà khách hàng cung cấp là không cao.

Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần phải nâng cao chất lượng thông tin tín dụng, tạo cơ sở cho các ngân hàng ra quyết định tín dụng hợp lý. Muốn vậy, Chính phủ cần tăng cường hiệu lực pháp lý của pháp lệnh kế toán thống kê, cần đề ra những qui định chặt chẽ hơn nữa trong việc xử lý các doanh nghiệp cung cấp thông tin giả, làm sai lệch hồ sơ. Yêu cầu báo cáo tài chính phải được kiểm toán nên được đặt ra với tất cả các doanh nghiệp chứ không nên chỉ qui định đối với những doanh nghiệp niêm yết. Có như vậy, chất lượng nguồn thông tin mà khách hàng cung cấp cho ngân hàng mới được đảm bảo, mới có thể được sử dụng làm cơ sở để ngân hàng phân tích, đưa ra phán quyết tín dụng cuối cùng.

KẾT LUẬN

Trong kinh doanh ngân hàng, việc đương đầu với rủi ro tín dụng là điều không thể tránh khỏi trong khi ảnh hưởng của rủi ro tín dụng đến hoạt động của ngân hàng và cả nền kinh tế là rất nặng nề. Do đó, thừa nhận một tỷ lệ rủi ro tự nhiên trong hoạt động kinh doanh ngân hàng là yêu cầu khách quan hợp lý nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để hạn chế rủi ro này ở một tỷ lệ thấp nhất có thể chấp nhận được. Để làm được điều đó, các NHTM nói chung và chi nhánh ngân hàng xuất nhập khẩu Hà Nội nói riêng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý rủi ro tín dụng.

Trên cơ sở những nghiên cứu cơ bản về rủi ro tín dụng và qua quá trình tìm hiểu hoạt động tín dụng cũng như thực trạng quản lý rủi ro tín dụng tại chi nhánh ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Hà Nội trong những năm gần đây, chuyên đề đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm hạn chế phần nào rủi ro tín dụng tại chi nhánh. Mặc dù đã hết sức cố gắng để hoàn thành được đề tài, nhưng vì trình độ hiểu biết còn nhiều hạn chế nên không thể tránh khỏi những sai sót và khiếm khuyết. Do đó, em rất mong nhận được sự quan tâm và góp ý của thầy cô, anh chị và các bạn. Em xin chân thành cám ơn.

Một phần của tài liệu TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM - CHI NHÁNH HÀ NỘI.DOC (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(67 trang)
w