Dựa trên những cơ sở lý luận về thẩm quyền theo lãnh thổ theo nơi có bất động sản đang tranh chấp, kinh nghiệm lập pháp của Việt Nam trong lịch sử và tham khảo pháp luật tố tụng dân sự của một số nước trên thế giới nhà lập pháp Việt Nam đã thiết lập quy tắc để phân định thẩm quyền đối với những tranh chấp về bất động sản. Theo đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bất động sản là Tòa án nơi có bất động sản (điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự).
Để xác định được như thế nào là tranh chấp về bất động sản thì trước tiên cần phải xác định bất động sản bao gồm những tài sản nào và tài sản đó có phải là đối tượng của việc tranh chấp hay không. Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật dân sự năm 2005 thì bất động sản là các tài sản, bao gồm: "Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với
nhà, công trình xây dựng đó; các tài sản khác gắn liền với đất đai; các tài sản khác do pháp luật quy định" [24]. Bất động sản là loại tài sản không dịch chuyển được, bên cạnh đó, các giấy tờ, tài liệu quan trọng liên quan tới bất động sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở do cơ quan địa phương cấp, quản lý. Do đó, việc quy định Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết là quy định phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho Tòa án có thể xác minh, thu thập các giấy tờ, tài liệu liên quan, hoàn thiện hồ sơ, giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, chính xác nhất.
Như vậy, đối với các tranh chấp về bất động sản thì khi thụ lý đơn khởi kiện, Tòa án cần xác định đúng địa điểm của bất động sản mà các đương sự đang tranh chấp có nằm trên địa giới hành chính của Tòa án mình hay không, nếu không thuộc địa giới hành chính của Tòa án mình thì phải chuyển đơn khởi kiện và hướng dẫn cho đương sự đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Ví dụ: Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng thụ lý vụ án dân sự số 05 ngày 03 tháng 02 năm 2010 về việc chia thừa kế, giữa nguyên đơn: chị Hà Thị Lưu, địa chỉ ở quận Hai Bà Trưng và bị đơn: bà Vũ Thị Luân, địa chỉ ở quận Hoàng Mai. Do tài sản tranh chấp trong vụ án chia thừa kế này là nhà đất tại quận Hai Bà Trưng nên vụ án này Tòa án quận Hai Bà Trưng thụ lý giải quyết là đúng quy định của pháp luật.
Quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành được hiểu là chỉ những quan hệ pháp luật có đối tượng tranh chấp là bất động sản thì mới thực hiện theo quy định là Tòa án nơi có bất động sản giải quyết. Vì vậy, đối với những trường hợp mà tranh chấp có loại tài sản là bất động sản nhưng tài sản này không phải là đối tượng của tranh chấp hoặc có tranh chấp nhưng không phải là quan hệ pháp luật chính cần giải quyết trong vụ việc thì không áp dụng quy định này.
Ví dụ: Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng thụ lý vụ án Hôn nhân gia đình số 85 ngày 01 tháng 3 năm 2011, giữa nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị
Bích Ngọc, địa chỉ ở quận Hoàn Kiếm và bị đơn: Anh Nguyễn Đình Vân, địa chỉ ở quận Hai Bà Trưng. Trong vụ án này chị Ngọc có đơn khởi kiện xin ly hôn đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết về việc chia tài sản chung của vợ chồng là diện tích nhà đất tại quận Hai Bà Trưng; quận Hoàn Kiếm và tại Bắc Ninh. Trong trường hợp này quan hệ pháp luật tranh chấp chính là quan hệ hôn nhân, do đó Tòa án nơi bị đơn cư trú là Tòa án quận Hai Bà Trưng sẽ có thẩm quyền giải quyết ly hôn và chia tài sản chung của vợ chồng.