sơ thẩm dân sự giữa Tòa án các cấp
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 và đã được sửa đổi bổ sung năm 2011 về thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp huyện đã có nhiều thay đổi so với các văn bản pháp luật trước đây. Theo xu hướng cải cách tư pháp và trên cơ sở kế thừa các quy định của ba pháp lệnh trước đó về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động thì Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định về thẩm quyền của Tòa án mở rộng hơn những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và tăng thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất của quy định pháp luật tố tụng với pháp luật nội dung.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu thực tiễn thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về phân định thẩm quyền sơ thẩm dân sự giữa các Tòa án đã cho thấy những bất cập sau.
- Quy định về một số những yêu cầu về kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền của Tòa cấp tỉnh là chưa thực sự phù hợp với thực tế
Thực tiễn thực hiện các quy định về xác định thẩm quyền sơ thẩm giữa các cấp Tòa án trong Bộ luật tố tụng dân sự hiện nay cho thấy đã nảy sinh những bất cập. Đó là, trên thực tế có những tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động… là những vụ án có nhiều khó khăn, phức tạp
(ví dụ như những vụ án về nhà ở, các tranh chấp về quyền sử dụng đất, những vụ án có giá ngạch lớn…) lại thuộc thẩm quyền của Tòa cấp huyện. Ngược lại, một số những yêu cầu về kinh doanh, thương mại, lao động lại thuộc thẩm quyền của Tòa cấp tỉnh. Trong khi đó, thì trong số các việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án có những việc trong lĩnh vực thương mại, lao động có bản chất là những việc không có tranh chấp nên tính chất đơn giản hơn, việc giải quyết không khó khăn phức tạp.
- Một số quy định về không thay đổi thẩm quyền của Tòa án là chưa thực sự hợp lý
Hiện nay, nhiều trường hợp sau khi thụ lý Tòa án mới xác định được vụ án cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam hoặc cho Tòa án nước ngoài. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì vụ việc mà Tòa án cấp huyện đã thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết mới có sự thay đổi, như có tài sản hoặc có đương sự ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài; cho Tòa án nước ngoài thì theo quy định tại Điều 412 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó. Ngoài ra, đối với vụ việc có tài sản hoặc có đương sự ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài mà Tòa án cấp tỉnh đã thụ lý đúng thẩm quyền nếu trong quá trình giải quyết mới có sự thay đổi, như không còn đương sự, tài sản ở nước ngoài hoặc không cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài thì theo quy định tại Điều 412 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó.
Quy định trên dẫn tới bất hợp lý là trên thực tế những vụ việc có cùng bản chất là cần phải ủy thác cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài,
cho Tòa án nước ngoài nhưng thời điểm phát hiện ra sự việc cần phải ủy thác tư pháp lại có ý nghĩa quyết định vụ việc sẽ thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh hay cấp huyện.
Chúng tôi cho rằng, việc hướng dẫn theo hướng Tòa án cấp tỉnh vẫn tiếp tục giải quyết vụ án mặc dù không còn đương sự, tài sản ở nước ngoài hoặc không cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài là một quy định linh hoạt và phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, việc hướng dẫn áp dụng theo hướng Tòa án cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết với vụ việc có tài sản hoặc có đương sự ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài là không phù hợp với cơ sở lý luận đã được phân tích ở Chương 1 theo tiêu chí về điều kiện cơ sở vật chất, đòi hỏi về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao của cán bộ Tòa án.
Ví dụ: Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã thụ lý giải quyết vụ án dân sự về việc đòi nhà giữa; Nguyên đơn là Công ty cổ phần Cơ Kim Khí Hà Nội và bị đơn là ông Lê Văn Phất. Sau khi thụ lý vụ án giải quyết, Tòa án thu thập chứng cứ và biết được ông Lê Văn Phất có con gái là Lý Thị Thu Huyền, hiện nay chị Huyền đang định cư ở Úc. Quá trình sống ở Việt Nam chị Huyền đã bỏ khoản tiền 150.000.000 đồng để xây sửa lại ngôi nhà đó. Xét thấy vụ án trên cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam tại Úc nên Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã chuyển vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để giải quyết. Về bản chất thì đây là trường hợp Toà án thụ lý sai ngay từ đầu do có một đương sự là chị Huyền ở nước ngoài ngay từ trước khi Tòa án thụ lý vụ án. Tuy nhiên, nếu giả thiết rằng vào thời điểm Tòa án quận Hai Bà Trưng thụ lý vụ án chị Huyền ở Việt Nam nhưng trong quá trình Tòa án quận đang giải quyết vụ án thì chị Huyền mới thay đổi nơi cư trú theo hướng định cư tại Úc thì theo quy định hiện hành Tòa án quận Hai Bà Trưng vẫn có quyền tiếp tục giải quyết vụ án.
- Sự thiếu cụ thể trong việc quy định các tiêu chí về vụ việc mà Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết dẫn tới sự tùy tiện trong áp dụng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án cấp tỉnh có quyền lấy những vụ việc thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án cấp huyện lên để giải quyết. Thực tế hiện nay, các văn bản hướng dẫn áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự thì hoàn toàn không có hướng dẫn là những trường hợp nào Tòa án cấp tỉnh được quyền lấy vụ việc thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án cấp huyện lên để giải quyết. Thực tế này dẫn đến hậu quả là việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất và sự tùy tiện của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong việc lấy vụ việc lên giải quyết.
Ví dụ: Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng thụ lý và giải quyết vụ án dân sự - đòi nhà cho ở nhờ, giữa: nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hạp và bà Nguyễn Thị Cua cùng ở tại quận Long Biên và bị đơn ông Đỗ Tri Kỷ ở tại quận Hai Bà Trưng, diện tích nhà đất nguyên đơn đòi hiện nay bị đơn đang ở. Sau khi thụ lý Tòa án quận Hai Bà Trưng đã giải quyết vụ án và sau đó các đương sự kháng cáo bản án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm và trả hồ sơ về Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng xét xử lại. Sau khi thụ lý lại vụ án Tòa án quận Hai Bà Trưng tiếp tục giải quyết thì Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có yêu cầu lấy hồ sơ lên để giải quyết do vụ án có tính chất phức tạp.