sự của Tòa án cấp tỉnh
Điều 34 BTTDS đã quy định cụ thể những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Về cơ bản thì quy định tại điều luật này là phù hợp với các cơ sở lý luận đã được phân tích tại Chương 1 của luận văn.
* Những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh do yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, bao gồm:
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận;
- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty;
- Các yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại;
- Các tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động đã được Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác; về việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; về quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn và các tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định.
* Các vụ việc dân sự mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài
Đây là trường hợp trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cần phải tiến hành một hoặc một số hoạt động tố tụng dân sự ở nước ngoài mà Tòa án Việt Nam không thể thực hiện được, cần phải yêu cầu cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoặc đề nghị Tòa án nước ngoài thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
* Các yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết
định về dân sự của Tòa án nước ngoài, trọng tài nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định đó, bao gồm:
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định lao động của trọng tài nước ngoài và các yêu cầu khác về lao động mà pháp luật có quy định.
* Những vụ việc dấn sự thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện nhưng Tòa án cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do sự phức tạp, khó khăn hoặc cần đảm bảo tính khách quan trong việc giải quyết
Đó là những trường hợp vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện quy định tại Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự nhưng việc áp dụng pháp luật gặp khó khăn, phức tạp, quá trình xác minh, thu thập chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ khó có thể hoàn thành với điều kiện của Tòa án cấp huyện; vụ việc có liên quan tới thẩm phán, chánh án, phó chánh án Tòa án cấp huyện; đương sự trong vụ việc là cán bộ chủ chốt ở địa phương mà xét thấy việc xét xử ở Tòa án cấp huyện sẽ gây ảnh hưởng về chính trị, ổn định khu vực v.v...
Việc xây dựng các quy định về phân định thẩm quyền sơ thẩm dân sự giữa Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh hiện nay chủ yếu dựa trên tiêu chí về yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ; điều kiện để thực hiện ủy thác tư pháp; sự phức tạp, khó khăn hoặc cần đảm bảo tính khách quan trong việc giải quyết. Bộ luật tố tụng dân sự không lấy các tiêu chí đương sự là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam ở nước ngoài mà lấy các tiêu chí tranh chấp, yêu cầu "có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho
cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài" để phân định thẩm quyền của Tòa án cấp huyện với Tòa án cấp tỉnh trong việc giải quyết. Việc quy định tiêu chí cụ thể này đã đảm bảo sự bình đẳng giữa các đương sự là cá nhân, tổ chức Việt Nam với các đương sự là người nước ngoài, tổ chức nước ngoài và phù hợp với thực tế mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế hiện nay của nước ta. So với các quy định về phân định thẩm quyền sơ thẩm trong các văn bản pháp luật trước đây thì tiêu chí "vụ việc có yếu tố nước ngoài" đã được giới hạn về phạm vi và cụ thể hóa hơn, giá trị của vụ tranh chấp không được coi là tiêu chí để phân định thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh nữa.
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án cấp tỉnh trong việc giải quyết nhanh chóng vụ việc dân sự nên Điều 412 Bộ luật tố tụng dân sự và tiểu mục 4.4 Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có những quy định về việc không thay đổi thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh. Cụ thể là đối với vụ việc dân sự được Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, trong quá trình giải quyết dù có sự thay đổi không còn đương sự, tài sản ở nước ngoài và không cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó.
Ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý vụ án hôn nhân gia đình số 33 ngày 06 tháng 5 năm 2009 về tranh chấp hôn nhân gia đình - chia
tài sản sau ly hôn, giữa nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Thu Lan và bị đơn là anh Trần Quốc Minh, cùng địa chỉ: quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị Thu Vân hiện ở Cộng hòa Liên Bang Đức. Sau thời điểm Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý vụ án, bà Vân về Việt Nam nhập quốc tịch Việt Nam, khi đó bà Vân không còn là "đương sự ở nước ngoài" nhưng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục giải quyết vụ án.
Như vậy, theo các quy định trên thì yếu tố đương sự, tài sản ở nước ngoài hay vấn đề ủy thác tư pháp được coi là căn cứ để phân định thẩm quyền sơ thẩm dân sự giữa Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, còn sau khi Tòa án đã thụ lý và đang giải quyết vụ việc thì những yếu tố này không làm thay đổi thẩm quyền giải quyết giữa các cấp Tòa án.
Việc nghiên cứu cho thấy, theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành thì việc xây dựng quy tắc phân định thẩm quyền theo cấp Tòa án hiện nay không còn dựa trên giá trị của tranh chấp như Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1994 nữa. Tuy nhiên, theo truyền thống pháp luật châu Âu lục địa mà điển hình là Pháp thì việc phân định thẩm quyền sơ thẩm dựa trên tính chất loại việc và giá trị tranh chấp vẫn được áp dụng. Ngoài ra, theo pháp luật Nhật Bản - một quốc gia châu Á có điều kiện tương đồng với Việt Nam thì giá trị việc kiện vẫn được xem như cơ sở để phân định thẩm quyền giữa Tòa rút gọn, Tòa án quận và Tòa án gia đình. Theo đó, Tòa rút gọn có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc dân sự mà giá ngạch của vụ việc dưới 900.000 yên (khoản 1 Điều 33 Luật tổ chức Tòa án). Tòa án gia đình có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hôn nhân và gia đình và người chưa thành niên. Tòa án quận có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc dân sự mà giá ngạch của vụ việc là trên 900.000 yên (khoản 2 Điều 8 Luật tổ chức Tòa án). Góc nhìn so sánh này giúp cho chúng ta có nhận thức sâu sắc hơn và cân nhắc thận trọng hơn khi xây dựng các quy định về phân định thẩm quyền sơ thẩm dân sự theo cấp Tòa án.