Các nhân tố từ phía Ngân hàng

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng tín dụng trung, dài hạn đối với doanh nghiệp xây lắp tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Tp Hà Nội.doc (Trang 27 - 30)

* Chính sách tín dụng của ngân hàng

Chính sách tín dụng của một ngân hàng là hệ thống các văn bản về định hướng, biện pháp liên quan đến việc mở rộng hay hạn chế cho vay để đạt được mục tiêu đã được hoạch định, hạn chế rủi ro và bảo đảm an toàn trong hoạt động tín dụng.

Một chính sách tín dụng đúng đắn và linh hoạt phù hợp với từng thời kỳ sẽ có tác dụng nâng cao chất lượng tín dụng, thu hút thêm khách hàng, phân tán rủi ro, đảm bảo khả năng sinh lời cho ngân hàng.

Chính sách này tác động đến chất lượng tín dụng trung, dài hạn qua các mặt sau :

- Quy mô và giới hạn tín dụng : các ngân hàng có quy định riêng về quy mô và giới hạn tín dụng đối với từng ngành nghề, lĩnh vực và đối với thời hạn tín dụng cụ thể. Chính sách này nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, tránh những khoản vay có mức độ rủi ro cao, nâng cao chất lượng tín dụng cho ngân hàng.

- Chính sách khách hàng : ngân hàng tiến hành phân loại thành nhiều nhóm khách hàng như khách hàng truyền thống, khách hàng quan trọng và khách hàng khác. Trên cơ sở đó, những khách hàng truyền thống và khách hàng quan trọng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi của ngân hàng. Qua đó, ngân hàng có thể thu hút thêm nhiều khách hàng, tăng lợi nhuận, giảm chi phí, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng nói chung và chất lượng tín dụng trung, dài hạn nói riêng cho ngân hàng.

Ngoài ra, các chính sách về lãi suất, phí suất tín dụng, thời hạn tín dụng hay chính sách về bảo đảm tiền vay cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng trung, dài hạn của ngân hàng. Những chính sách hợp lý sẽ giúp cho ngân hàng hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng đặc biệt là tín dụng trung, dài hạn, mở rộng khách hàng, tăng trưởng dư nợ tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng.

* Chất lượng thông tin

Thông tin rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng trước khi cấp tín dụng phải tiến hành thu thập và xử lý các thông tin liên quan như năng lực sử dụng vốn vay, khả năng tạo ra lợi nhuận, nguồn ngân quỹ và các điều kiện kinh tế khác liên quan đến người vay. Số lượng và chất lượng các thông tin thu thập được liên quan trực tiếp đến mức độ chính xác trong việc phân tích, nhận định thị trường, khách hàng… để đưa ra các quyết định đúng đắn.

Các khoản tín dụng trung, dài hạn chủ yếu để tài trợ cho các dự án đầu tư, mua sắm máy móc thiết bị. Các khoản vay này thường có giá trị lớn, thời hạn dài nên việc thu thập thông tin là rất quan trọng. Ngân hàng cần thu thập các thông tin liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực, thị trường để đánh giá khả năng thực hiện của dự án.

Cho vay đối với DNXL thường gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin về năng lực tài chính, năng lực quản lý kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến việc đánh giá sai về khách hàng hoặc bị khách hàng lừa đảo, lợi dụng. Nếu thông tin về khách hàng bị sai lệch, ngân hàng phải đối mặt với rủi ro tín dụng cao, có khả năng bị mất vốn, chất lượng tín dụng thấp.

* Trình độ cán bộ tín dụng

Yếu tố con người luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động ngân hàng, quyết định sự thành bại của hoạt động ngân hàng. Trong

nghiệp vụ tín dụng, cán bộ tín dụng là người trực tiếp liên quan đến các khâu của quy trình tín dụng như tiếp nhận hồ sơ, thẩm định đến khi tất toán khoản vay, thanh lý hợp đồng. Vì vậy, trình độ năng lực, phẩm chất của cán bộ tín dụng là một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo chất lượng tín dụng ngân hàng.

Cán bộ tín dụng có kiến thức vững vàng về nghiệp vụ, am hiểu về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của khách hàng có khả năng đưa ra những nhận định sát với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực tài chính của khách hàng cũng như hiệu quả và tính khả thi của dự án. Ngược lại, sự hạn chế về trình độ của cán bộ tín dụng sẽ gây ra hàng loạt những sai lầm và có thể gây thiệt hại lớn cho ngân hàng, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.

Khi cho vay đối với DNXL, cán bộ tín dụng không những phải nắm vững về nghiệp vụ mà còn phải am hiểu về những đặc điểm riêng biệt của ngành xây dựng, có thể thẩm định phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư xây dựng, biết chọn lọc những thông tin liên quan đến công trình xây dựng. Có như vậy, quyết định cho vay hay từ chối cho vay mới hợp lý và đúng đắn.

Bên cạnh đó, phẩm chất đạo đức của cán bộ tín dụng cũng là nhân tố quan trọng tác động đến chất lượng tín dụng. Nếu đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng không tốt sẽ dễ nảy sinh những tiêu cực, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng khoản vay và khả năng thu hồi nợ của ngân hàng.

Chính vì vậy, việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như phẩm chất đạo đức của cán bộ tín dụng luôn là yêu cầu đặt ra đối với ngân hàng.

* Trang thiết bị, công nghệ ngân hàng

Trang thiết bị, công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Nó giúp giảm khối lượng công việc của cán bộ tín dụng,

giảm thời gian xét duyệt, thẩm định dự án, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Đồng thời, trang thiết bị hiện đại cũng giúp cho ngân hàng quản lý khách hàng chặt chẽ hơn, kịp thời phát hiện ra sai sót, giảm chi phí ngân hàng.

Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, vấn đề công nghệ là điều kiện tiên quyết để ngân hàng nâng cao sức mạnh của mình. Hơn nữa, đối với hoạt động tín dụng thì việc chuẩn hóa các thao tác, quy trình, tránh rủi ro do yếu tố chủ quan nhằm hạn chế rủi ro tác nghiệp ngày càng cần thiết.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng tín dụng trung, dài hạn đối với doanh nghiệp xây lắp tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Tp Hà Nội.doc (Trang 27 - 30)