Đánh giá và mục đích của đánh giá trong giáo dục

Một phần của tài liệu Phuong phap day hoc tic cuc (Trang 31 - 33)

a. Nhóm đồng việc (chung một công việc)

3.1.1. Đánh giá và mục đích của đánh giá trong giáo dục

Trong bất kỳ một hoạt động nào của con người trong đời sống xã hội, đánh giá là một khâu cơ bản và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ, nhờ sự đánh giá một cách đúng đắn mà giúp chủ thể thấy được những kết quả của hoạt động, những mặt mạnh và những yếu kém, những nguyên nhân của chúng để có những biện pháp điều chỉnh hợp lý nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả của hoạt động. Đánh giá được coi như là một hoạt động phổ biến mang tính ý thức rất cao của con người.

Đánh giá được hiểu theo nghĩa chung nhất là quá trình hình thành những nhận định, phán đoán về kết quả của công việc, dựa vào sự phân tích những thông tin thu được, đối chiếu với những mục tiêu, tiêu chuẩn đã đề ra, nhằm đề xuất những quyết định thích hợp để cải thiện thực trạng, điều chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.

Như vậy, đánh giá không đơn thuần là sự ghi nhận thực trạng mà còn đề xuất những quyết định làm thay đổi thực trạng. Vì thế, đánh giá được xem là một khâu quan trọng, đan xen với các khâu lập kế hoạch và triển khai công việc như là một chu trình.

Sơ đồ 1: Chu trình đánh giá trong hoạt động

Định nghĩa chung về đánh giá đã nói trên cũng được áp dụng vào giáo dục, trong công tác quản lý hay tổ chức các quá trình sư phạm. Trong giáo dục, việc đánh giá được tiến hành ở nhiều cấp độ, trên những đối tượng, với những mục đích khác nhau. Ở đây, trong khuôn khổ của chuyên đề này chúng ta chú trọng đến việc đánh giá kết quả học tập của HS với tư cách là một hoạt động sư phạm cơ bản.

Trong nhà trường, học sinh là trung tâm của mọi quá trình giáo dục, vừa là đối tượng, vừa là chủ thể, vừa là mục đích cuối cùng của mọi quá trình sư phạm. Chất lượng giáo dục của nhà trường suy cho cùng là trình độ phát triển chung của học sinh, là mức độ đáp ứng yêu cầu xã hội đối với nhân cách người học sinh mà nhà trường đào tạo ra. Vì vậy, nhà trường phải đặc biệt coi trọng việc đánh giá học sinh.

Việc đánh giá học sinh phải được thực hiện một cách toàn diện. Chẳng hạn: đánh giá kết quả học tập của học sinh về các mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ…sau mỗi bài học, môn học, năm học hoặc một khóa học; đánh giá hạnh kiểm học sinh sau một học kỳ hay cuối năm học. Đánh giá thành quả học tập để xác nhận trình độ phát triển của học sinh sau mỗi quá trình giáo dục hay đào tạo, xác định mức độ đạt được so với chuẩn đầu ra hay so với mục tiêu để đề xuất những quyết định hợp lý trong công tác giáo dục học sinh.

Trong các quá trình giáo dục hay dạy học, việc đánh giá học sinh nhằm vào nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, có thể tập trung vào các mục đích sau:

1. Làm sáng tỏ mức độ đạt được và chưa đạt được về các mục tiêu giáo dục hay dạy học, tình trạng kiến thức, kĩ năng, thái độ hay hành vi của học sinh so với yêu cầu

của chương trình, phát hiện những nguyên nhân sai sót, từ đó có những biện pháp thích hợp để điều chỉnh học sinh, giúp học sinh tiến bộ ngày càng cao.

2. Công khai hóa các nhận định về năng lực và kết quả học tập, rèn luyện của mỗi học sinh và của tập thể lớp, tạo cơ hội cho học sinh phát triển năng lực tự đánh giá, giúp học sinh nhận ra sự tiến bộ của mình và tự điều chỉnh, khuyến khích động viên thúc đẩy việc học tập và rèn luyện.

3. Giúp cho giáo viên có cơ sở thực tế để tự đánh giá, nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình, tự điều chỉnh, tự hoàn thiện bản thân và hoạt động dạy để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học - giáo dục.

Trong nhà trường, việc đánh giá học sinh thường thể hiện trên hai mặt là kết quả học tập (học lực) và rèn luyện (hạnh kiểm), được thực hiện chủ yếu thông qua các hình thức kiểm tra và thi một cách có hệ thống, theo những quy định hết sức chặt chẽ và những tiêu chuẩn, tiêu chí khoa học. Kiểm tra và đánh giá là hai công việc khác nhau và thường đi liền nhau, gắn bó với nhau. Tuy nhiên, không phải mọi việc kiểm tra đều hướng tới mục đích đánh giá. Trong nhiều trường hợp, việc kiểm tra chỉ nhằm vào mục đích tạo sự kích thích hay động lực cho việc học tập và rèn luyện của học sinh.

Một phần của tài liệu Phuong phap day hoc tic cuc (Trang 31 - 33)

w