a. Nhóm đồng việc (chung một công việc)
3.2. Định hướng đổi mới đánh giá học sinh theo tiếp cận năng lực
Chúng ta đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Muốn vậy, phải coi trọng khâu kiểm tra, đánh giá. Từ trước đến
nay chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm chưa thực sự coi trọng khâu này, nhất là về phương pháp kỹ thuật đánh giá. Trong thực tiễn giáo dục ở các nhà trường, việc đánh giá còn nhiều bất cập, thậm chí sai lầm. Hiện tượng tiêu cực trong thi cử, chạy theo thành tích, đánh giá theo kiểu hình thức hay nặng về điểm số… đang khá phổ biến làm cho việc đánh giá mất đi ý nghĩa chân chính của nó. Chính vì vậy, trong xu thế đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay, đồng thời với việc đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giáo dục thì việc đổi mới và hoàn thiện công tác kiểm tra, đánh giá có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.
Có thể điểm qua một số định hướng đổi mới đánh giá trong giáo dục sau đây: Theo các quan niệm truyền thống, việc đánh giá hoàn toàn do giáo viên độc quyền quyết định và học sinh là đối tượng được đánh giá. Ngày nay, trong các quan điểm dạy học và giáo dục hiện đại, người ta coi trọng vai trò chủ thể tích cực chủ động của người học. Việc rèn luyện phương pháp học để chuẩn bị khả năng tự học liên tục suốt đời trở thành một mục tiêu dạy học, được quan tâm ngay từ bậc tiểu học và càng lên bậc học cao hơn càng được chú ý. Theo tinh thần đó, giáo viên phải coi trọng đến việc phát triển kĩ năng tự đánh giá cho học sinh để điều chỉnh hoạt động học, chuyển việc đánh giá tập trung vào quyền uy của thầy sang tự đánh giá của trò.
Theo hướng phát triển các phương pháp dạy học tích cực để đào tạo những con người chủ động, sáng tạo, sớm thích ứng với xã hội đầy biến động, hòa nhập và góp phần phát triển cộng đồng, việc kiểm tra và đánh giá không chỉ dừng lại ở hai yêu cầu tái hiện các kiến thức, rèn luyện các kỹ năng đã học mà phải khuyến khích tư duy năng động sáng tạo, chuyển biến về thái độ và xu hướng hành vi tích cực của học sinh trước các vấn đề của đời sống gia đình và cộng đồng, rèn luyện khả năng phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong những tình huống thực tế. Muốn vậy, phải có những phương pháp và kĩ thuật đánh giá thích hợp.
Với sự trợ giúp của các thiết bị kĩ thuật đang dần dần được phổ biến trong nhà trường, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin, công tác kiểm tra, đánh giá ngày càng diễn ra nhanh chóng và đảm bảo tính chính xác, tính khách quan cao và làm cho công tác này có những sự thay đổi cơ bản. Nó đòi hỏi người GV cần phải có khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện kĩ thuật kiểm tra, đánh giá hiện đại. Với sự hỗ trợ của các phương tiện kĩ thuật, kiểm tra đánh giá không còn là một công việc nặng nhọc đối với GV mà ngược lại, GV lại có được nhiều thông tin hơn để linh hoạt điều chỉnh hoạt động dạy và chỉ đạo hoạt động học.
Trong nhà trường hiện nay, nhờ việc ứng dụng những lý thuyết khoa học hiện đại mà việc kiểm tra, đánh giá đang được tổ chức ngày càng khoa học hơn. Với lí
thuyết giáo dục theo mục tiêu, người ta thiết kế mục tiêu dạy học với từng cấp học, khóa học, môn học, từng chương, từng bài cụ thể để có thể căn cứ vào đó mà đánh giá việc thực hiện. Khâu đánh giá được xác định ngay khi xây dựng mục tiêu và khi đánh giá, người ta chú ý không chỉ những mặt đã đạt được mà cả những mặt chưa đạt được để có kế hoạch bổ khuyết trước khi bước vào một chương trình học tập mới. Người ta gọi đó là sự đánh giá dựa vào mục tiêu.
Dựa vào lí thuyết hệ thống, việc kiểm tra đánh giá được tiến hành ở nhiều tầng bậc, có sự phối hợp theo chủ định. Đối tượng đánh giá được đặt trong hệ thống, hệ thống còn được đặt trong hệ thống lớn hơn.Việc xử lý các thông tin thu được có tính đến những mối quan hệ trong hệ thống để đưa ra được những nhận định khách quan hơn và đề xuất những biện pháp điều chỉnh hơp lí hơn.
Lý thuyết hoạt động không chỉ được ứng dụng vào việc đổi mới phương pháp dạy học mà còn là cơ sở để tìm tòi những hình thức và phương pháp kiểm tra, đánh giá thích hợp. Thông qua hoạt động, mỗi học sinh có cơ hội bộc lộ được tiềm năng và trình độ thực về kiến thức, kĩ năng và thái độ trong những điều kiện thực của cuộc sống, làm cho việc đánh giá có tính xác thực và khách quan hơn. Đánh giá bằng hoạt động hay thông qua hoạt động cho phép đánh giá được năng lực thực của người học, phù hợp với mục tiêu giáo dục, dạy học hiện đại.
Trong những năm gần đây, giáo dục thế giới phát triển theo hướng tiếp cận năng lực (CBE- competancy based education), có nghĩa là giáo dục hay dạy học tập trung vào việc phát triển năng lực cho học sinh, nhắm tới những gì mà người học dự kiến phải làm được hơn là nhắm tới những gì họ cần phải học được.
CBE xuất hiện tại Hoa Kỳ trong những năm 1970 gắn với một phong trào giáo dục chủ trương xác định mục tiêu giáo dục bằng cách mô tả cụ thể để có thể đo lường được những kiến thức, kỹ năng và thái độ mà học sinh cần phải đạt được sau khi kết thúc khóa học. Tiếp cận năng lực trong giáo dục cũng có thể được định nghĩa là một chiến lược giảng dạy, trong đó quá trình học tập dựa trên năng lực thực hiện (performance-based learning). Người học chứng minh mức độ nắm kiến thức của mình bằng hành động cụ thể. Chương trình học được thiết kế dựa trên năng lực thực hiện sẽ giúp cho người học chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với quá trình học tập của mình.
Nhiều tác giả cho rằng, tiếp cận năng lực trong giáo dục là một cách tiếp cận chức năng giáo dục nhấn mạnh tới kỹ năng sống và đánh giá mức độ làm chủ những kỹ năng theo theo mức độ thực hiện hoạt động thực tế của người học. Theo Văn phòng Giáo dục Hoa Kỳ (U.S. Office of Education): “Đào tạo người học dựa trên năng lực thực hiện dẫn họ đến việc làm chủ được những kỹ năng cơ bản và kỹ năng sống cần
ĐG nhu cầu người học
ĐG năng lực đạt được Lựa chọn năng lực
Mục đích bài học
thiết của cá nhân và hòa nhập tốt vào hoạt động lao động ngoài xã hội ". Năng lực của người học đối với một môn khoa học nào đó được mô tả thành những kiến thức, kỹ năng, thái độ, thành hành vi cần thiết giúp người học thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ thực trong cuộc sống. Những năng lực được thiết kế trong khóa học có thể liên quan đến bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên nó thường liên quan đến các lĩnh vực của công việc và các kỹ năng giúp con người tồn tại trong một môi trường nhiều biến động của xã hội.
Chính vì sự quan tâm tới năng lực thực hiện công việc thực tế của người học nên khâu thiết kế chương trình theo tiếp cận năng lực cần phải thích nghi với những nhu cầu của người học, của giáo viên và của cộng đồng. Năng lực của người học được mô tả thành khả năng áp dụng các kiến thức, kỹ năng cơ bản mà người học đã học được vào giải quyết các các tình huống thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Nói các khác là CBE gắn với một tập hợp các kết quả học tập được thiết kế nhờ sự phân tích các nhiệm vụ thường phải thực hiện của người học trong các tình huống phù hợp với vai trò công việc của họ sau khi ra trường.
Sơ đồ 2 (trang 41) cho thấy, trong thiết kế chương trình, căn cứ vào nhu cầu người học mà chúng ta xác định những năng lực cần có của người học sau khi kết thúc khóa học. Đây lại chính là cơ sở để xác định mục đích khóa học và mục tiêu của những bài học cụ thể trong chương trình. Mục đích, bản thân nó lại là cơ sở cho hoạt động đánh giá kết quả học tập của người học cuối khóa học. Đối chiếu những năng lực của người học sau khóa học với yêu cầu đầu ra sẽ là một bước cần thiết cho việc phát triển chương trình ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu người học và nhu cầu xã hội. Những mũi tên hai chiều cho thấy sự tương tác giữa các thành tố trong mô hình.
Sơ đồ 2: Tiếp cận năng lực trong giáo dục (Weddel, K. S. 2006)
Theo tiếp cận năng lực thì mọi quá trình sư phạm phải thay đổi lại cách thiết kế mục tiêu, chương trình giảng dạy, tổ chức các quá trình sư phạm và kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục. Cách tiếp cận đó được thể hiện trong các công việc cụ thể của người dạy trong các khâu của quá trình đánh giá như xác lập mục tiêu đánh giá, nội dung, hình thức, phương pháp đánh giá; thiết kế hệ thống câu hỏi, đề thi, thang đánh giá; xử lý những thông tin định tính và định lượng thu thập được, báo cáo kết quả đánh giá hay sử dụng những kết quả đánh giá đó. Tất cả đều phải hướng vào mục đích cuối cùng là để đánh giá được năng lực thực của học sinh sau mỗi khóa học và đảm bảo chắc chắn rằng những kết quả đánh giá đó là trung thực và có độ tin cậy đối với xã hội.
Tiếp cận năng lực trong đánh giá cũng đồng nghĩa với việc đánh giá năng lực của người học trong hoàn cảnh thực của đời sống xã hội hay nghề nghiệp với những hành động và thao tác cụ thể trong tình huống cụ thể và hoàn toàn có thể quan sát được, đo đạc được. Người ta gọi đó là đánh giá thực (authentic assessment). Đánh giá thực có xu hướng tập trung vào các nhiệm vụ phức tạp hoặc gắn với bối cảnh cụ thể. Nó cho phép người học chứng minh năng lực của họ trong một bối cảnh giả định. Ví dụ đánh giá thực trong chuyên đề “Đánh giá giáo dục” có thể bao gồm việc thực hiện các kỹ năng hoặc minh họa sử dụng một kiến thức cụ thể như lập kế hoạch đánh giá cho một bài học, xác lập ma trận nội dung kiểm tra, thiết kế đề thi, phân tích kết quả thu được… Giáo viên có thể mô phỏng tình huống đặt câu hỏi, nhận xét câu trả lời của học sinh, đóng vai để xử lý tình huống liên quan tới đánh giá trong lớp học; đưa ra những sáng kiến, ý tưởng, chiến lược đối với hoạt động đánh giá trong giáo dục….
Tóm lại, cần tiếp cận các quan điểm và các xu hướng phát triển hiện đại của giáo dục thế giới trong đo lường và đánh giá giáo dục để từng bước đổi mới kiểm tra, đánh giá trong nhà trường Việt Nam, coi đó như là một khâu hết sức cơ bản trong quá trình đổi mới giáo dục.
GỢI Ý CÁC NỘI DUNG THẢO LUẬN
1. Phương pháp dạy học là gì? Các đặc điểm đặc trưng của phương pháp dạy học? 2. Hệ thống phương pháp dạy học theo quan diểm của một số tác giả?
3. Phương pháp dạy học tích cực là gì? Những đặc trưng cơ bản của PPDHTC?
4. Các phương pháp dạy học tích cực phổ biến: Làm việc nhóm; Đóng vai; Tình huống; 5. Khái niệm đánh giá trong giáo dục? Mục đích, ý nghĩa và những yêu cầu sư phạm của việc đánh giá trong giáo dục?
6. Những định hướng đổi mới trong đánh giá giáo dục? Những nội dung cơ bản của đánh giá học sinh theo tiếp cận năng lực?