Những yêu cầu sư phạm đối với đánh giá trong giáo dục

Một phần của tài liệu Phuong phap day hoc tic cuc (Trang 35 - 37)

a. Nhóm đồng việc (chung một công việc)

3.1.3. Những yêu cầu sư phạm đối với đánh giá trong giáo dục

Từ sự phân tích trên cho thấy trong giáo dục và dạy học, việc đánh giá thực hiện 3 chức năng cơ bản:

- Chức năng sư phạm: làm sáng tỏ thực trạng phát triển của học sinh về mặt giáo dưỡng hay giáo dục, từ đó định hướng điều chỉnh hoạt động dạy học hay giáo dục của giáo viên và học sinh.

- Chức năng xã hội: công khai hóa kết quả học tập của mỗi học sinh trong tập thể lớp, trường, báo cáo kết quả học tập, giảng dạy trước cha mẹ học sinh, trước các cấp quản lý giáo dục, thực hiện dân chủ hóa giáo dục.

- Chức năng khoa học: nhận định chính xác về một mặt nào đó trong thực trạng dạy và học, về hiệu quả thực nghiệm một sáng kiến hay đổi mới nào đó trong dạy học và công tác giáo dục. Trong nghiên cứu khoa học giáo dục, để có cơ sở khẳng định tính đúng đắn và tính ưu trội của cái mới thì tất yếu tiến hành thực nghiệm. Muốn khẳng định thực nghiệm đó thành công hay không thì kết quả thực nghiệm phải được đánh giá một cách khách quan.

Tùy vào mục đích đánh giá mà một hoặc một vài chức năng nào đó sẽ được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, dù thực hiện chức năng nào thì việc đánh giá cũng phải đảm bảo những yêu cầu cơ bản sau đây:

1. Đảm bảo tính khách quan: Việc đánh giá học sinh phải được thực hiện một cách nghiêm túc và khoa học để đảm bảo có khả năng đánh giá chính xác tới mức tối đa có thể. Kết quả đánh giá phản ánh được một cách trung thực trình độ phát triển của học sinh về các mặt của nhân cách. Phương pháp và hình thức đánh giá phải tạo điều kiện để mỗi học sinh bộc lộ thực khả năng và trình độ của mình, hạn chế mọi hành vi thiếu trung thực hay gian lận khi kiểm tra, như nhìn bài, nhắc bài, quay cóp…

Sự đánh giá của giáo viên đối với học sinh không lệ thuộc vào ý muốn chủ quan của người đánh giá hay các yếu tố nhiễu như mối quan hệ giữa người đánh giá với người được đánh giá, những tác động của các yếu tố môi trường. Tránh cách đánh giá chung chung về sự tiến bộ của toàn lớp hay của một nhóm thực hành, một tổ học tập. Tránh chạy theo thành tích hay chịu áp lực của các yếu tố khác. Việc đánh giá phải sát với hoàn cảnh, điều kiện dạy học, đặc điểm của học sinh, tránh những nhận định chủ quan, áp đặt thiếu căn cứ.

Đảm bảo tính khách quan phải thể hiện trong tất cả các khâu của quá trình đánh giá từ khâu ra đề, tổ chức kiểm tra/thi, chấm bài, xử lý kết quả, công bố kết quả, lưu trữ kết quả…Nếu một trong các khâu của quá trình đó mà thực hiện thiếu nghiêm túc hay khiếm khuyết thì sẽ dẫn đến tình trạng đánh giá thiếu khách quan, thậm chí sai lầm làm mất đi ý nghĩa của đánh giá trong giáo dục.

2. Đảm bảo tính toàn diện: Đánh giá về sự phát triển của học sinh trên tất cả các mặt thể chất, tâm lý và xã hội; mặt hạnh kiểm và học tập; mặt nhận thức, tư duy, kỹ năng và thái độ. Sự đánh giá về kết quả học tập phải phản ánh được mức độ lĩnh hội toàn bộ nội dung chương trình môn học. Tránh sự đánh giá mang tính phiến diện, chỉ đánh giá một mặt nào đó như học lực hay mặt tri thức lý thuyết, tập trung vào một số

chương hay một số nội dung có giới hạn để tránh tình trạng học sinh học lệch, học tủ, học đối phó hoặc chỉ nhằm mục đích thi cử (học để thi; thi thế nào thì học thế đó).

Một bài kiểm tra, một đợt đánh giá có thể nhằm vào một mục đích trọng tâm nào đó nhưng toàn bộ hệ thống kiểm tra, đánh giá phải đạt yêu cầu đánh giá toàn diện, không chỉ về mặt số lượng mà quan trọng là mặt chất lượng, không chỉ về mặt kiến thức mà cả kỹ năng, thái độ, tư duy.

3. Đảm bảo tính hệ thống: Việc đánh giá phải được tiến hành theo kế hoạch, có hệ thống. Đánh giá trước, trong và sau khi học một phần của chương trình. Đánh giá đầu vào, đánh giá quá trình, đánh giá đầu ra. Kết hợp đánh giá thường xuyên với đánh giá định kỳ và đánh giá tổng kết cuối học kỳ, cuối năm học, cuối khóa học. Số lần kiểm tra, đánh giá phải đủ mức để có thể đánh giá chính xác sự phát triển thực của học sinh. Tránh sự đánh giá tùy tiện, ngẫu hứng hay theo thời vụ, mang tính hình thức.

4. Đảm bảo tính công khai: Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá phải được tiến hành công khai. Kết quả đánh giá phải được công bố kịp thời để mọi học sinh được biết và trên cơ sở đó giúp học sinh tự đánh giá kết quả của mình để tạo động lực cho học sinh phát triển không ngừng, để học sinh tự sửa chữa, điều chỉnh những sai sót và tăng cường sự hiểu biết, học tập, giúp đỡ lẫn nhau trong tập thể học sinh.

Đảm bảo tính công khai còn nhằm để công khai hóa kết quả học tập, rèn luyện của học sinh và tập thể học sinh cho toàn lớp, toàn trường, cho cha mẹ học sinh và cho toàn xã hội được biết để thực hiện dân chủ hóa học đường, đảm bảo tính khách quan và thực hiện công bằng xã hội trong đánh giá. Tạo cơ hội cho cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội tham gia vào quá trình đánh giá giáo dục.

5. Đảm bảo tính phát triển: Đánh giá học sinh phải nhằm vào mục đích cuối cùng và đích thực là thúc đẩy sự phát triển của học sinh. Nó vừa nhằm khẳng định trình độ phát triển hiện có của học sinh, chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu kém, những sai lệch và những nguyên nhân cũng như xác lập những phương hướng để điều chỉnh học sinh cũng như giúp học sinh tự điều chỉnh và tự hoàn thiện, vừa tạo ra tạo động lực thúc đẩy học sinh nỗ lực để tiến bộ.

Trong giáo dục, sự đánh giá có thể vượt trước sự phát triển để tạo ra sự phát triển cho HS. Đó là sự đánh giá mang tính khích lệ để khẳng định sự tiến bộ hay sự nỗ lực của học sinh trong quá trình học tập hay rèn luyện. Chính vì vậy mà trong nhiều trường hợp cần thiết có thể đánh giá vượt trước mà không vi phạm tính khách quan.

Một phần của tài liệu Phuong phap day hoc tic cuc (Trang 35 - 37)