Nghĩa của việc đánh giá trong giáo dục

Một phần của tài liệu Phuong phap day hoc tic cuc (Trang 33 - 35)

a. Nhóm đồng việc (chung một công việc)

3.1.2. nghĩa của việc đánh giá trong giáo dục

3.1.2.1. Đối với học sinh

Đánh giá thực chất là quá trình thực hiện “mối liên hệ ngược trong” nhằm thu tín hiệu ngược trong, giúp cho học sinh có những cơ sở để tự điều chỉnh hoạt động học hay hoạt động rèn luyện của bản thân nhằm không ngừng đạt được sự tiến bộ.

Trong nhà trường, việc đánh giá đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ:

Nhiệm vụ giáo dưỡng: giúp cho học sinh thấy được những kết quả học tập và rèn luyện của mình đạt được đến đâu, trình độ phát triển của bản thân đến mức độ nào, những mặt mạnh và những yếu kém nào, những gì cần phải bổ khuyết, phải điều chỉnh trước khi bước vào một phần mới của chương trình học tập hay bước sang một giai đoạn mới trong quá trình học tập ở nhà trường. Việc kiểm tra, đánh giá có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp học sinh nắm chắc được kiến thức trong học tập, tránh được những lỗ hổng kiến thức hay kỹ năng và có thể đạt được những kết quả tốt trong các quá trình học tập tiếp theo.

Nhiệm vụ phát triển: Thông qua kiểm tra, đánh giá học sinh có điều kiện để tiến hành các hoạt động trí tuệ như: ghi nhớ, tái hiện, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, hệ thống hóa kiến thức, vận dụng tri thức vào thực tiễn... Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ chú trọng đến việc tái hiện kiến thức hay kỹ năng đã có mà còn có khả năng phát

huy được trí thông minh, năng lực tư duy sáng tạo, năng lực vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề, những tình huống trong thực tiễn hay trong đời sống. Kiểm tra, đánh giá trong nhà trường đang có xu hướng chuyển từ việc đánh giá tập trung vào kiến thức sang đánh giá tập trung vào kỹ năng và năng lực tư duy sáng tạo.

Nhiệm vụ giáo dục: Kiểm tra, đánh giá nếu được tổ chức nghiêm túc sẽ giúp cho học sinh thấy được trình độ thực của mình để từ đó nâng cao ý thức trong học tập, rèn luyện; tích cực, vượt khó để vươn lên đạt những kết quả học tập cao hơn, củng cố niềm tin vào khả năng của mình, nâng cao ý thức tự giác, khắc phục tính chủ quan tự mãn. Nhiều phẩm chất quan trọng được rèn luyện như lòng trung thực, tính tự chủ, lòng tự trọng, ý thức vươn lên, tính khẩn trương, tính cẩn thận…Tự đánh giá là một sự biểu hiện của tự giáo dục.

3.1.2.2. Đối với giáo viên

Việc kiểm tra, đánh giá HS thực chất là quá trình “thu tín hiệu ngược ngoài”, cung cấp cho GV những thông tin ngược phản ánh những kết quả học tập và rèn luyện của HS, những mặt mạnh và yếu kém của HS để có cơ sở đề xuất và thực hiện các biện pháp tác động phù hợp nhằm điều chỉnh học sinh.

Kiểm tra, đánh giá, kết hợp với theo dõi thường xuyên tạo điều kiện cho GV nắm được một cách cụ thể và chính xác năng lực và trình độ của mỗi HS để có biện pháp giúp đỡ riêng thích hợp, nhất là đối với những HS giỏi và HS kém, qua đó nâng cao chất lượng học tập chung của cả lớp.

Kiểm tra, đánh giá được tiến hành một cách công phu sẽ cung cấp cho GV không chỉ những thông tin về trình độ chung của cả lớp mà còn tạo điều kiện cho GV nắm được những HS có tiến bộ rõ rệt hoặc sút kém đột ngột để động viên hoặc giúp đỡ kịp thời. Người GV có trách nhiệm và kinh nghiệm thường xem kiểm tra, đánh giá như môt biện pháp cá thể hóa dạy học, giúp cho mỗi HS tự đánh giá để tự quyết định cách học phù hợp với mình.

Kiểm tra, đánh giá HS cũng giúp cho GV hiểu hơn về bản thân và hoạt động sư phạm của mình, nhận ra được những mặt mạnh và mặt yếu để kịp thời điều chỉnh; tạo cơ hội cho GV xem xét hiệu quả của những cải tiến nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học mà mình đang theo đuổi, nhất là đối với những GV tâm huyết muốn hoàn thiện hoạt động sư phạm của mình bằng con đường tìm tòi và sáng tạo trong việc vận dụng những lý luận sư phạm mới mẻ vào thực tiễn giáo dục.

3.1.2.3. Đối với các cấp quản lý giáo dục

Kiểm tra, đánh giá nhằm cung cấp cho các cấp quản lý giáo dục những thông tin cơ bản về đối tượng quản lý như giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất nhà trường, thực

trạng dạy học và giáo dục, phản ánh toàn diện về các mặt chất lượng cũng như số lượng, những diễn biến của các hoạt động giáo dục trong mỗi đơn vị giáo dục để kịp thời ra các quyết định quản lý nhằm chỉ đạo, điều chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, khuyến khích hỗ trợ những sáng kiến hay, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu giáo dục và không ngừng thúc đẩy nhà trường phát triển.

Kiểm tra và đánh giá là một chức năng cơ bản của quản lý giáo dục. Các giáo viên phải thường xuyên thực hiện kiểm tra, đánh giá để báo cáo thông tin cho các cấp quản lý. Các cấp quản lý cũng cần tăng cường quản lý công tác kiểm tra, đánh giá để vừa tạo động lực thúc đẩy hoạt động của giáo viên và học sinh, vừa thường xuyên thu thập thông tin quản lý phục vụ cho việc ra các quyết định quản lý của mình nhằm phát triển nhà trường.

3.1.2.4. Đối với xã hội

Kiểm tra, đánh giá nhằm cung cấp thông tin trung thực, khách quan phản ánh chất lượng giáo dục của nhà trường cho xã hội, thực hiện công khai hóa để toàn xã hội tham gia đánh giá nhà trường và góp phần phát triển nhà trường, thực hiện dân chủ hóa và xã hội hóa giáo dục.

Thông qua việc đánh giá học sinh mà nhà trường không ngừng nỗ lực phát triển để thực hiện những cam kết đối với xã hội; đồng thời cũng là cách tốt nhất để huy động toàn xã hội tham gia góp sức để phát triển nhà trường.

Nhà trường phải công khai hóa những kết quả học tập và rèn luyện của con em cho cha mẹ học sinh để họ được biết, để họ cùng tham gia đánh giá và có những biện pháp phối hợp cần thiết trong công tác giáo dục học sinh; nâng cao ý thức trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con em trong gia đình cũng như trong việc phối hợp với nhà trường để thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục của nhà trường.

Tóm lại, việc kiểm tra, đánh giá học sinh có ý nghĩa về nhiều mặt, đối với cả nhà trường, gia đình và xã hội; đối với các cấp quản lý, giáo viên và học sinh. Vì vậy, trong quản lý giáo dục và trong công tác giáo dục ở các nhà trường cần phải đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm tra và đánh giá.

Một phần của tài liệu Phuong phap day hoc tic cuc (Trang 33 - 35)

w