Không gian thiên nhiên

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết nguyễn trí huân (LV01377) (Trang 53 - 64)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.2.1.Không gian thiên nhiên

Không gian thiên nhiên bao gồm những hiện tượng như trời đất, mây núi, cỏ cây, dòng sông, cánh đồng, con đường... tạo nên một khung cảnh rộng lớn đa dạng, làm nền cho sự xuất hiện của nhân vật và các sự kiện trong tác phẩm. Nguyễn Thái Hòa trong Những vấn đề thi pháp của truyện cho rằng: Thiên nhiên thay đổi theo bốn mùa khác nhau ở từng địa phương, khác nhau trong từng giây phút. Thiên nhiên, một mặt gắn với nhân vật và hành động của nhân vật, mặt khác gắn với tâm trạng của người kể. Có thể thấy, thiên nhiên là đối tượng miêu tả trong văn học từ cổ chí kim. Nó trở thành bộ phận

cấu thành không thể thiếu của hình tượng không gian. Ở mỗi giai đoạn văn học khác nhau, tùy thuộc vào đặc trưng thể loại và phong cách tác giả, sự tri giác về không gian thiên nhiên cũng có nét riêng biệt. Không gian thiên nhiên trong văn học trung đại khác với văn học hiện đại, không gian của văn xuôi lãng mạn không giống với văn xuôi hiện thực. Với tư cách là tiểu thuyết sử thi, không gian thiên nhiên trong tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân đã được cảm nhận và diễn tả bằng ý thức lịch sử.

Trong tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân, không gian thiên nhiên được miêu tả bằng bút pháp hiện thực. Ở sự khốc liệt của chiến tranh, thiên nhiên cũng nhạt màu sự sống. “Tháng 2, đi dọc bên bờ sông Côn, trên buôn người Thượng thấy thấp thoáng những cây pơ – lang cao, gai góc và dạn dĩ đang lập lòe những bông hoa đỏ. Những cây pơ – lang nằm bên bờ sông hoa nở sớm hơn. Những bông hoa rơi trên mặt sông, lao vào những xoáy nước. Mặt sông thoáng chốc cũng đỏ rực lên một màu đỏ kì lạ. Những trung đoàn bộ binh bắt đầu xuất hiện, nặng nhọc và mệt mỏi. [36, tr.39]. Không gian thiên nhiên trong tiểu thuyết Năm 1975, họ đã sống như thế được tác giả miêu tả gắn liền với những trận chiến đấu ác liệt, gắn liền với mặt trận tại vùng bắc Bình Định “ con đường đỏ quạch, uốn lượn, đầy những cua gấp và dốc đứng”, “dòng sông vào mùa cạn, nước sôi réo len lỏi giữa những tảng đá lớn đầy rêu nằm chật lòng sông như một bầy voi đang phủ phục”, “bây giờ bầu trời đang tiết xuân, nhưng buổi trưa nắng đã gay gắt làm bụi đường vẩn lên dưới vó ngựa” [36, tr.38-39]. Thiên nhiên ở đây không còn cái thơ mộng của tiểu thuyết trước năm 1975, như Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, mà thay vào đó là sự khắc nghiệt của chiến tranh, thiên nhiên đi bên cạnh người lính như một minh chứng cho sự tàn phá ghê gớm của bom đạn.

Không gian thiên nhiên hiện ra như đánh dấu những bước chân người lính, để lại sự tàn phá của chiến tranh. Thiên nhiên trên đường hành quân đầy

gian khổ và khó nhọc “họ gặp một bầu trời rộng rãi và thoáng đãng. Những vạt cỏ dại dày, khô sạch như một tấm nệm xẹp xuống dưới bàn chân người. Đôi chỗ cỏ bị đốt, để lộ ra những nền nhà cũ, những bờ ruộng lởm chởm gốc cỏ tranh” [36, tr.79]. Không gian trong cuốn tiểu thuyết không chỉ bó hẹp ở trong những khu rừng già, không chỉ bó hẹp ở những căn hầm chỉ huy mà không gian còn được mở rộng ra những thành phố trong ngày giải phóng.

Quy Nhơn trong những ngày được giải phóng, địch vừa rút vừa chống trả một cách yếu ớt “Địch bỏ chạy ồ ạt khỏi các cứ điểm, xéo đè lên nhau trên bãi biển Quy Nhơn” [36, tr.179]. Ở thành phố này nạn cướp bóc diễn ra dữ dội ngụy quân, ngụy quyền dẫm đạp lên nhau để chạy trốn. Lúc này dân chúng đang đổ ra hai bên đường để chào đón các anh bộ đội miền Bắc. Phác “ngạc nhiên thấy trên nhiều tầng lầu dọc hai bên đường xuất hiện rất nhanh những lá cờ hai màu, cờ đỏ sao vàng và đôi nhà thấy treo cả chân dung Hồ Chủ Tịch” [36, tr.180]. Đây là quê hương của Phác, sau những năm chiến đấu bây giờ, anh ngơ ngác không tìm ra lối về nhà mình và cuối cùng anh phải hỏi một thằng bé. Anh hồi hộp và xúc động vì anh sắp được trở về với ngôi nhà và người mẹ của mình “Ở anh tràn ngập một cảm xúc hồi hộp, luống cuống ở đầu bàn chân”. Nhưng khi anh về thì thấy ngôi nhà chỉ là một cảnh hoang tàn, người mẹ của anh đã theo Phán bỏ đi. Quê hương anh hồi sinh một cách nhanh chóng, từng người đang lần lượt trở về xây dựng lại quê hương sau những năm tháng bị bom đạn tàn phá. Trong lúc đó Phác “thấy những người mẹ, người vợ đang lặng lẽ đi tìm xác chồng, xác con. Họ đi trong ánh chiều đang tắt dần, lẻ loi và cô đơn” [36, tr.184].

Không gian trong cuốn tiểu thuyết cũng thay đổi theo tâm trạng của con người. Khi yêu, con người cũng trở nên đẹp hơn và cảnh vật xung quanh cũng nhuộm màu sắc của tình yêu. Đó là Thư, khi cô yêu mọi cảnh vật xung quanh cô như sáng hơn, cánh đồng cỏ như xanh hơn. Còn đối với Mạc, anh tính rằng

khi giải phóng sẽ đưa Nhuần lên nông trường nơi đó có Thức, Thư và có rất nhiều những người mà anh yêu mến khác, nghĩ đến đây anh mỉm cười và “Chỉ có tiếng chim hót trong bãi sú, tiếng cá quẫy. Tiếng một người nào đó hát khe khẽ. Mạc có cảm giác chưa khi nào cảnh vật ở xung quanh, những tiếng động xung quanh, đối với anh lại đằm thắm và yên tĩnh như buổi sáng ngày hôm ấy” [36, tr.349].

Khi đọc Năm 1975, họ đã sống như thế, không gian thiên nhiên chủ yếu là không gian nơi chiến trường với những nét bút phác qua của tác giả, thiên nhiên ở đây vẫn mang máu sắc sử thi, không gian trong tiểu thuyết rất rộng được trải dài từ vùng rừng núi, những con sông và những thành phố lớn của miền Nam. Trong không khí sôi sục của những ngày kháng chiến chuẩn bị kết thúc người đọc dường như cũng bắt gặp không gian như cũng đang gấp gáp hơn theo thời gian.

Đến với Chim én bay, người đọc bắt gặp cảnh thiên nhiên tàn khốc của chiến tranh và thiên nhiên trong cuốn tiểu thuyết dường như gắn liền với cái chết. Khi hai cha con Quy đưa xác của chị Hảo từ chân chốt cầu Voi trở về “quãng đường ngắn hàng ngày cha chị và chị vẫn đi mà sao dài lê thê. Chị vừa đi vừa khóc. Còn cha chị ôm chị Hảo trên tay, đờ đẫn như hóa dại” [33, tr.16]. Từ cái chết của anh Dương, chị Hảo đã làm cuộc đời chị thay đổi, cha chị đưa chị ra nhập đội Chim én trong buổi lễ truy điệu của chị Hảo. Từ đây cuộc đời chi gắn liền với súng đạn, với những cái chết của đồng đội, cái chết của kẻ thù. Thiên nhiên trong cái chết của Dũng cũng thật thê lương, khi Dũng nằm trên vai chị “Những quả đèn sáng từ căn cứ núi Voi, từ chốt Mồng Gà thỉnh thoảng lại vọt lên khiến con đường hiện ra dài hun hút, lởm chởm đá gan gà để vài phút sau, lại chìm sâu vào bóng tối. Rồi trời đổ mưa, một cơn mưa độc ác, dữ dội hiếm thấy trong cuộc đời chị” [33, tr.24]. Sau này, chị cũng gặp một cơn mưa dữ dội và độc ác khác vào một hoàn cảnh cay đắng

khác. Đó là vào đêm trước khi anh Cường lấy vợ, anh đã đến thăm chị và vào cái giây phút “Chị kéo anh lại phía chiếc giường đơn ở góc phòng điên cuồng và mạnh mẽ”, thì chính anh đã gỡ tay chị ra rồi chạy lao ra ngoài.

Trong Chim én bay người đọc còn bắt gặp không gian thơ mộng huyền ảo, là khi Quy đi dạo cùng với anh bộ đội nguyên là chiến sỹ của của sư đoàn Sao Vàng. Khi anh đến nhà khách tìm chị “hai người đi dạo trên con đường lớn dưới chân đồi. Bây giờ đang là mùa hoa hồi. Rừng Lạng Sơn tràn ngập một mùi hương thuần khiết của hoa hồi. Mùi hương lan tỏa trong ánh trăng bang bạc, tưởng chừng như nó được phát ra không phải từ những vòm cây đứng im lìm mà từ cái ánh sáng bang bạc đó” [33, tr.99]. Sau chuyến đi đó chị trở về và chị đã có thêm một cái gì đó.. Chính là sự thương nhớ, để đến cuối cuộc đời chị cũng thấy hạnh phúc với lời hứa tháng Giêng của anh.

Xuyên suốt hai cuốn tiểu thuyết, không gian thiên nhiên như để khẳng định thêm sự tàn khốc của chiến tranh. Chiến tranh đã để lại những di chứng mà không gì có thể bù đắp nổi. Chính những người lính đã vượt qua sự tàn phá ghê gớm ấy một cách phi thường. Tuy vậy, trong gian khổ con người vẫn hiên ngang đối mặt với nó và có lúc cái không gian chiến tranh ấy lại thơ mộng và đẹp đẽ trong con mắt của những người lính.

2.1.2.2 Không gian bối cảnh xã hội

Nguyễn Trí Huân không chỉ phản ánh không gian rộng lớn của chiến trường, mà ông còn tái hiện bức trang không gian chật hẹp của nhân vật Quy đang sống trong Chim én bay. Đó là không gian của căn hầm bí mật, của căn phòng tập thể, Trong thế giới nhỏ bé đó lại chứa đựng bao lớp sóng ngầm, gió xoáy mà con người phải lặng lẽ hứng chịu bên trong.

Quy trong Chim én bay, cuộc sống của trong những năm tháng chiến tranh là những căn hầm bí mật – nơi mà Quy, Cường, Dũng, Thêm sống những năm tháng trong đội Chim én. Ở hiện tại trong cuộc đời Quy là không

gian “sống lặng lẽ trong căn phòng vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ở của liên hiệp phụ nữ huyện”… “Buổi chiều khi những người cộng sự khóa của buồng dắt xe về với chồng con họ, chị còn lại một mình với khu nhà im ắng, rộng mênh mông” [33, tr.19]. Cuộc sống của chị cô đơn và dằn vặt trong căn phòng ấy. Hiện tại và quá khứ cứ đan xen vào nhau trong cái tâm hồn của người con gái bé nhỏ ấy. Cái quá khứ anh hùng mà chị đã trải qua trong suốt những năm tháng của một đứa bé gái giờ đây đang dằn vặt chị và nó đang hành hạ chị hằng đêm với những cơn ác mộng và sự khắc khoải muốn đi tìm lại nhà của những tên ác ôn mà chị đã từng giết trong chiến tranh.

Có lẽ những điều mà chị nhìn thấy và trải qua từ khi anh, chị và cha không còn nữa là những căn hầm, là nhà giam ở hội đồng xã nơi mà chị đã bị hai thằng dân vệ làm nhục và những đòn tra tấn dã man ở nhà tù Côn Đảo và hậu quả mà bây giờ mà chị phải chịu đựng là không còn khả năng làm vợ, làm mẹ. Chị đã mất tất cả trong những năm tháng chiến tranh ấy, gia đình, người thân và hiện tại là cô đơn mà chị đang phải gánh chịu. “Những năm sau này, khi trở về quê hương, sống đơn độc trong căn phòng rộng thênh thang của khu tập thể” [33, tr.93], chị luôn nhớ về Dũng người bạn chiến đấu năm xưa của mình, chị hình dung Dũng sẽ ở với chị bất chấp tất cả. “Chị tưởng tượng Dũng, lúc này là một sỹ quan quân đội. Điêu này không thể khác, vì vào bộ đội chủ lực luôn luôn là ước mơ cửa Dũng. Chị và Dũng sẽ vẫn ở căn nhà này. Mỗi lần Dũng về phép, khu tập thể lại náo động vì tiếng cười và những câu chuyện Dũng kể. Chị sẽ bỏ ra thật nhiều thời gian để chọn bột, gói bánh ít, thứ bánh mà chị tin lớn lên Dũng vẫn thích ăn như hồi nhỏ” [33, tr.109]. Tâm trạng của Quy Cũng là tâm trạng của bao người phụ nữ khi đi qua chiến tranh và phải chịu đựng cảnh đời côi cút, không chồng, không con trong thời bình. Chống chọi với nỗi bi kịch ấy Quy thường xuyên rơi vào mộng tưởng. Thế mới biết trong sâu thẳm con người chị, khát khao yêu đương, ước vọng

được làm vợ, làm mẹ luôn luôn mãnh liệt không bao giờ tắt. Những lúc cô đơn nhất cũng là lúc khát vọng trong con người Quy cháy bỏng hơn bao giờ hết. Những giấc mơ đó, những tưởng tượng đó đã khắc họa rõ nét sự thiếu thốn, thèm khát được sống trong tình yêu , được hưởng niềm hạnh phúc của con người mà chiến tranh đã cướp đi trong cuộc đời Quy.

Trong Chim én bay, chúng ta bắt gặp cái không khí ngột ngạt của căn hầm bí mật mà đội Chim én sống và sinh hoạt trong những năm tháng chiến tranh. Trong căn hầm bí mật của anh Cường, khi chị và anh Cường nằm gần bên nhau chị đã nhận ra tình yêu của mình và câu hỏi như một sự bức bách “liệu hòa bình chúng mình có còn sống với nhau không anh?” [33, tr.114]. Trong chính cái không gian chật hẹp ấy Quy đã có cái rung động của một người con gái mà chính tình yêu đó đã giúp chị vượt qua được những đòn tra tấn khi ở trong tù. Cường là tất cả những gì đối với chị, là chồng, là người yêu, chị như bám vào đó để sống, khi biết anh còn sống chi đã vui mừng biết bao chị mong được về nước để gặp anh, để được sống bên anh. Nếu như chiến tranh đã tàn phá về vật chất, gây nên những mất mát đau thương trên thân thể và trong tâm hồn, làm ức chế, tước đoạt những nhu cầu tự nhiên nhất của bản năng con người thì chiến tranh cũng buộc con người phải sống nhanh hơn, gấp hơn những gì còn lâu họ mới có. Bao nhớ nhung dồn nén trong con người Quy có điều kiện để bộc lộ. Bình thường, Quy nhút nhát, trẻ con bao nhiêu thì giờ đây cô trở nên bạo dạn bấy nhiêu. Tình yêu đơm hoa kết trái trong tâm hồn Quy cũng chính từ những rung cảm về thể xác ấy. Để rồi sau này chị luôn sống như bám vào nó. Hình ảnh anh Cường hiện diện trong chị cả lúc tỉnh cũng như lúc mơ, cả khi chị lên cơn mê sảng thì đó vẫn là người yêu, là chồng chị. Không gian chật hẹp của căn hầm khiến cho không khí càng thêm nóng và tâm hồn hai người càng thêm rạo rực. Tuy nhiên, cái phút giây Quy bức bối vì “vái áo anh cà nhột trên khuôn ngực mới nhú của chị” lại không phải là

lúc Cường choàng tới ôm ghì lấy chị, áp khuôn mặt lởm chởm râu vào khuôn mặt non nớt của chị.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của Quy luôn gắn liền với không gian chật hẹp. Nhưng giây phút cuối cùng của cuộc đời chị đã khép lại bằng cái chết không bình yên. Quy ra đi khi tình yêu mới đã đến cho dù đó chỉ là một lời hẹn ước. Chị mang theo nỗi lòng ngổn ngang về quá khứ, về hiện tại vào cõi trường sinh với tâm trạng “thoát khỏi căn phòng chật hẹp của bệnh viện và đang bay lang thang như những đám mây màu trắng tinh khiết. Những đám mây báo trước những điềm lành dữ trên quê hương chị. Dường như chị đang hòa nhập vào bầy chim én không biết từ đâu bỗng ùa ra đen đặc trên bầu trời” [33, tr.198]. Cái chết đến với chị chậm chạp và tàn nhẫn bởi Quy chỉ mới sống được một phần cuộc đời mà lẽ ra chị có thể được sống. Thế là kết thúc một bi kịch cuộc đời – “bi kịch lòng thương yêu và sự trắc ẩn”, bi kịch của “những ánh hào quang quá khứ cùng với những tổn thương không thể bù đắp về tinh thần và thể xác đã vây kín mọi lối thoát cho cuộc đời chị” [25].

2.1.2.3 Không gian chiến trận

Viết về chiến tranh, như một tất yếu, mở ra trên những trang văn của tiểu thuyết là không gian chiến trận. Đây là kiểu không gian phổ biến trong tiểu thuyết viết về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Là tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh, tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân cũng duy trì kiểu không gian đó. Bởi lẽ, đó là nội dung cơ bản, là đặc điểm chủ đạo của kiểu không gian.

Với các nhà văn kinh qua một thời binh lửa như Nguyễn Trí Huân, họ

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết nguyễn trí huân (LV01377) (Trang 53 - 64)