7. Cấu trúc luận văn
3.3.2. Ngôn ngữ nhân vật
Ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết thể hiện chủ yếu qua ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại. Nếu như trong Năm 1975, họ đã sống như thế
các nhân vật xuất hiện thường xuyên qua đối thoại thì Chim én bay, nhân vật lại thể hiện chủ yếu qua độc thoại. Dù là đối thoại hay độc thoại thì một điểm dễ nhận thấy là ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân đã được đời thường hóa đến mức gần nhất.
Nhà văn đã đưa vào tiểu thuyết Năm 1975 họ đã sống như thế ngôn từ suồng sã, tự nhiên với nhiều khẩu ngữ, từ địa phương đặc trưng của người dân miền Trung. Kiểu ngôn ngữ này xuất hiện với độ đậm đặc trong mỗi lời đối thoại giữa các nhân vật, cả khi giữa trận mạc hay trong giây phút nghỉ ngơi giữa các trận đánh: " “Nó bốc phét đấy! Vừa buổi trưa, một tay lái tăng, đội mũ da rất hách, đến chìa tay xin thuốc mình. Tay ấy nói có lên giời vẫn cứ nhớ thuốc lào…”; “ Trung đoàn mới điện cho biết địch trên cầu có hai đại đội chứ đếch phải một”; “ Tôi là ai mới được chứ? Hình như anh Thiết. Ối giời,
anh về bao giờ thế?”. Thậm chí, những kiểu đối đáp bỗ bã, văng tục cũng thường xuyên được nhà văn ghi lại: “ Có bố mày cũng không nhìn thấy. Soi… ông thì cứ thả đèn”… (Năm 1975 họ đã sống như thế ); “ Đ.m thằng chó có thần bảo mạng không bằng” ( Chim én bay).
Ở tiểu thuyết Chim én bay, hầu hết ngôn ngữ đối thoại trong truyện đều sử dụng cách xưng hô, lời ăn, tiếng nói địa phương của người Bình Định nói riêng và người Nam Trung Bộ nói chung. Người đọc bắt gặp hàng loạt các từ như ổng, ni, nghe, tui… trong lời thoại của nhân vật “ mấy cái bóng đen nồng nặc mùi mồ hôi, mùi thuốc súng nhảy vào đường hào “ tử thủ này! Tử thủ này” - Tiếng một người nào đó đếm, Khê nặc”; “ - Mấy ổng ở trên cứ hối
thúc, mắc chi vẫn chưa diệt được nó. Nẫu đâu có thấu cái khó của tụi mình.”… Sự xuất hiện của ngôn ngữ đời thường, vừa lính tráng, vừa đậm tính địa phương góp phần đưa tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân lại gần với độc giả hơn và nó cũng tạo được tính chân thực cho tác phẩm. Ở đây, người lính hiện lên qua các tiểu thuyết không phải là hình tượng điển hình, tiêu biểu cho thế hệ với phẩm chất cao cả, vẻ đẹp hào hùng mà đó là những người lính bình dị, gần gũi khiến người đọc có cảm giác như đang được hòa mình vào cuộc sống của họ giữa chiến trường xưa. Chính ngôn ngữ đã đời thường hóa hình ảnh người lính trong chiến đấu cũng như khi trở thành anh hùng.
Có đoạn văn, tác giả còn ghi lại những câu chuyện chân thực, tếu táo của người lính:
“ Lát sau, một bóng đen, cao dong dỏng, lom khom đi về phía Thăng, ngồi xuống.
- Ông tên gì? – Cái bóng cao cao, còn rất trẻ hỏi. - Thăng.
- Tân binh phải không? - Vâng.
- Trận đầu ông ấy thế nào?
- Có hơi sợ - Thăng đáp thành thật, má nóng bừng vì ngượng.
- Có cậu ướt mèm cả quần – Anh chiến sĩ ở dưới hầm chui lên góp chuyện. Anh ta cười, hàm răng như bám đầy đất”. [36, tr.213].
Những lời hỏi – đáp rất ngắn, pha chút hài hước cho người đọc thấy được suy nghĩ, tâm trạng nhút nhát, run sợ của người lính lần đầu giáp mặt với kẻ thù. Phải chăng, quãng thời gian sống trong quân ngũ đã giúp Nguyễn Trí Huân trải nghiệm và góp nhặt lời ăn tiếng nói của người lính làm nguồn tư liệu phong phú cho ngôn ngữ tiểu thuyết của mình.
Cũng vẫn tâm lý của một tân binh lần đầu xông pha nơi trận mạc nhưng nhà văn còn để cho nhân vật độc thoại với chính mình “ Đồ hèn nhát! - Một tiếng quát khe khẽ trong đầu Thăng - Chết thì thôi chứ không được luống cuống”, “ Nhiều người biết đến chỗ đó thế nào cũng chết nhưng họ chẳng ngần ngại gì hết, tại sao thế nhỉ? Trong họ có cái gì khác với mình đâu?”, “ Thương mẹ quá, nhưng biết làm sao được. Mình phải trả thù cho bố” [36, tr.212-214]. Vừa như là thừa nhận, vửa tử nhủ lại vừa lo lắng, trăn trở…cứ rối bời trong tâm trí Thăng, lúc nó phát ra thành lời lúc nó lại là dòng chảy của suy nghĩ. Miêu tả nhân vật thông qua ngôn ngữ đối thoại, độc thoại hình ảnh người lính hiện lên vừa chân thực, sinh động lại vừa tạo được sự đồng cảm trong lòng độc giả.
Ngôn ngữ độc thoại còn xuất hiện nhiều lần trong tiểu thuyết Chim én bay khi miêu tả nhân vật Quy. Những lúc phân vân, do dự trước kẻ thù hay day dứt khi gặp lại vợ con kẻ thù mình đã giết là lúc dòng suy nghĩ trong tâm trí chị thoát ra thành tiếng độc thoại “ Một thoáng ngần ngại vụt đến với chị. Nhưng nó liền tan biến ngay khi chị nghĩ tới thằng giám Tuân. Hắn là một tên phản bội, cần phải giết chết hắn. Nếu không hắn sẽ giết chết chị, giết chết những người khác. Ý nghĩ này đến với chị vừa quyết liệt, vừa dứt khoát”. [33, tr.98]. Nhà văn không tách riêng dòng độc thoại của nhân vật mà đặt chúng xen giữa ngôn ngữ trần thuật. Do đó, tâm trạng của Quy một mặt được soi chiếu từ góc nhìn khách quan, mặt khác lại được thể hiện qua tiếng nói chủ quan của chính nhân vật. Trong lời độc thoại của Quy, người đọc còn bắt gặp nhiều từ mang ngữ điệu hỏi “ thế là chị chỉ còn lại một mình: Một mình với hai khẩu súng và Dũng đang nằm đó. Chị sẽ đi tiếp, làm cho kỳ xong nhiệm vụ mà Dũng chưa kịp làm hay trở về báo cáo với anh Cường, đành để Hai Đích sống thêm một vài ngày nữa? Sáng nay, lúc giao nhiệm vụ, anh Cường nói với chị và Dũng: “ Để một tên phản bội sống thêm ngày nào, bà con mình
sẽ chết nhiều thêm ngày ấy”. Không, chị phải đi tiếp, phải diệt cho được Hai Đích, cũng như phải diệt cho kỳ được thằng giám Tuân. Đó là món nợ của gia đình chị, của quê hương chị, của Dũng.” [33, tr.94]. Những câu hỏi chợt nổi lên trong đầu Quy với chứng kiến Dũng đã nằm xuống, ngực vỡ nát. Đó là sự hoảng sợ, lạnh lẽo trước cái chết của một người bạn thân thiết, trước sự đe dọa của kẻ thù. Nhưng rồi chính chị tự tìm được câu trả lời cho mình. Giữa lúc băn khoăn, run sợ nhất, lời nói của anh Cường đã tiếp thêm sức mạnh để chị quyết tâm phải “đi tiếp, phải tiêu diệt cho được Hai Đích”. Sau này, khi trở về với đời thường trong tư thế của người nữ anh hùng Chim én năm xưa, chị không bị rơi vào cảm giác chênh vênh giữa sự sống và cái chết như thế nhưng những trăn trở thì không lúc nào nguôi ngoai. Chị tìm gặp lại vợ con giám Tuân với ý định giúp đỡ họ nhưng mọi người trong xã đã không đứng về phía chị, điển hình là chú Tư, bí thư Đảng ủy xã cho rằng vợ giám Tuân chỉ giả vờ điên. Điều đó đã khiến chị thêm day dứt “ Ông bảo chị ta giả đò điên. Điều đó có đúng không? Tại sao chị ta lại giả đò? Chị nhớ tới lời nói xấc xược của thằng bé. Chị không sợ bị trả thù, nhưng phải tìm cách ngăn chặn khi điều đó hãy còn chưa muộn” [33, tr.146]. Thông qua ngôn ngữ độc thoại, người đọc cảm nhận nỗi đau, nỗi day dứt sau chiến tranh của người lính. Nỗi đau đó âm ỉ theo năm tháng, nó hiện diện hàng ngày hàng giờ, nó khiến người lính rơi vào trạng thái tự vấn lương tâm, nhận thức lại chân giá trị của chiến tranh.
Như vậy, qua ngôn ngữ đối thoại và độc thoại của nhân vật, tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân đã khắc họa và thể hiện rõ nét những trạng thái cảm xúc khác nhau và chiều sâu tính cách nhân vật.