7. Cấu trúc luận văn
3.1.2. Nghệ thuật diễn biến nội tâm
Trong các tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân, nhà văn không cố công xây dựng một hình tượng điển hình cho thời đại, cho thế hệ những người lính từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ vĩ đại của dân tộc. Nhân vật trong các sáng tác của ông là hình ảnh những người lính đang bị cuốn vào guồng quay khốc liệt của chiến tranh và đối mặt với muôn vàn khó khăn của cuộc sống thời bình. Có thể kể đến một loạt các nhân vật tiêu biểu như Thức, Nhã,
Phác, Mạc, Thiết… của Năm 1975, họ đã sống như thế và Cường, Dũng, Thêm, Quy của Chim én bay. Mặc dù tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân vẫn thiên về khuynh hướng sử thi nhưng hầu hết các nhân vật đều hiện lên không phải thông qua hành động mà đã để lại ấn tượng trong lòng độc giả qua thế giới nội tâm. Do đó, bút pháp chính được nhà văn sử dụng khi xây dựng các nhân vật này là miêu tả tâm lý nhân vật.
Xuyên suốt hành trình của tiểu thuyết, nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân đều tự bộc lộ những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình trên những trang văn và thế giới nội tâm đó đã được ngòi bút chân thực của nhà văn mặc áo lính này ghi lại rõ nét. Người đọc bắt gặp trong tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân những trạng thái tình cảm khác nhau của mỗi người lính, nhưng hầu hết họ đều trải qua tâm trạng hồi hộp, run sợ khi lần đầu tiên giết giặc; đau đớn, day dứt khi đối mặt với những khó khăn, thử thách và trong sáng, chân thành trong tình yêu. Nhà văn đã tập trung miêu tả diễn biến tình cảm, sự thay đổi trong suy nghĩ của mỗi nhân vật qua ba trạng thái tâm lý khác nhau trên.
Với những người lính trẻ như Dũng, Quy ( Chim én bay ), Thăng ( Năm 1975 họ đã sống như thế ), người đọc đặc biệt ấn tượng với xúc cảm của người lính khi lần đầu tiên đối mặt với kẻ thù, thực hiện sứ mệnh cao cả của một người lính trong chiến tranh là giết giặc. Điểm gặp gỡ chung của những người lính trong lần đầu ra trận ấy là sự run sợ rụt rè trong hành động. Trận đánh đầu tiên của Thăng khi được bổ sung về tiểu đoàn Mạc, anh đã sợ hãi tột cùng, lúc có lệnh xung phong, Thăng nhắm mắt xông lên và luôn chắc rằng thể nào cũng đến lượt mình ngã xuống. Tuy nhiên, lòng tự ái đã thúc vào lưng một sức mạnh khủng khiếp, hết hối hả xúc cuốc đất, Thăng lại nhảy lên miệng hầm thở. Những tâm tư không phát thành lời, không chia sẻ cùng ai nhưng luôn trỗi dậy mạnh mẽ trong tâm trí người lính trẻ tuổi này “ Mình hèn quá”. “ Họ bình tĩnh quá, không xem cái chết ra gì. Tại sao mình không thể sống
như họ được nhỉ?” [ 36, tr.212]. Hơn một lần Thăng tự nhủ với lòng mình về sự hèn nhát đó. Sợ hãi xen lẫn lòng tự ái cao độ khiến anh rơi vào trạng thái thấp thỏm, luống cuống. Thăng nắm chặt một hòn đất, bóp nát vụn trong tay mà không biết. Mỗi lúc trôi qua là mỗi lúc trong lòng Thăng thêm hồi hộp, vừa run sợ lại vừa tự cao, nghĩ đến người khác ai ai cũng làm được lại thấy mình không có gì đáng để chùn bước. Nhiều lúc, tim Thăng như cứng lại, không đập nữa. Nhà văn đã miêu tả những trạng thái cảm xúc rất thực, rất đời của một người lính lần đầu xông pha nơi trận mạc. Nếu như tâm trạng sợ hãi ở Thăng thể hiện rõ qua lời “tự thú” bằng độc thoại thì Nguyễn Trí Huân lại đứng từ xa quan sát và miêu tả trạng thái của Quy trong lần đầu cầm súng và lần đầu đối mặt với kẻ thù.
Không chỉ là một người lính lần đầu tiên tiếp xúc với súng đạn mà Quy còn là một đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên, một em gái nhỏ bé, nhút nhát. Vậy nên, lần đầu tiên cẩm khẩu K54, trước mặt chỉ là một chấm đen trêm vách hầm nhưng Quy cũng không dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ bắn thử. Mắt chị như nhòa đi, người lạnh toát toàn thân như “nhảy nhồi sau tiếng nổ”, rồi tim giật thót, tai ong ong. Tuy nhiên, khi Dũng chê trách Quy chỉ đáng ở nhà “ đuổi gà”, lòng tự ái trong Quy đã trào lên mạnh mẽ khiến chị giằng lấy khẩu súng và bắn liền ba viên. Mọi căng thẳng trong Quy như được giải thoát sau tiếng súng ấy. Cho đến khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giết Giám Tuân, người Quy vẫn run bắn lên, một sự run rẩy từ trong ý nghĩ khi thoáng thấy việc mình sắp làm trước mắt. Sự run sợ cùng với tình thương người đã khiến Quy không thể nổ súng khi trước mắt mình là đứa bé con của Giám Tuân. Đọc những trang văn miêu tả tâm trạng của Quy, Thăng trong lần đầu cầm súng có lẽ người lính nào cũng dễ dàng đồng cảm và chia sẻ với sự sợ hãi nhưng vẫn đầy lòng tự trọng ấy.
Ở một góc độ khác, nhà văn lại tập trung miêu tả tâm trạng đau đớn, dằn vặt của Phán, Nhã, Mạc, Quy… khi mất đi những người thân yêu nhất. Việc Phác – em trai Phán đi theo ngụy có lúc khiến anh day dứt, nhưng có lúc trong con người Phác chỉ còn lại một sự căm giận trần trụi “ Anh đã đi tìm xác nó với một vẻ nôn nóng mà không còn cái tâm trạng vừa lo sợ, vừa thất vọng như những trận đánh trước” [ 36, tr.138]. Cái xúc cảm chênh vênh giữa tình anh em, nghĩa ruột thịt và sự căm thù cứ lẫn lộn trong con người Phác và nó cũng là tâm trạng của Mạc khi biết vợ mình đi theo người khác. Trước mặt Thăng, Mạc cố tránh không nhắc đến Nhuần, cũng không hỏi han xem thực hư chuyện đó ra sao nhưng anh lại bồn chồn không yên “ Mạc ngồi gần như chết lặng trên võng. Anh thấy mình trở nên đơn độc và trơ chọi. Bao nhiêu niềm tin, bao nhiêu hi vọng long lanh như bọt xà phòng phút chốc tan biến đi trên mặt nước” [36, tr.147]. Phải chăng, chính những năm tháng lăn lộn nơi chiến trường, trải nghiệm cùng người lính nhà văn Nguyễn Trí Huân mới có thể thấu hiểu được mọi nỗi éo le ấy của người lính.
Khác với Phán và Mạc, Quy không phải đối mặt với sự phản bội của người thân nhưng sự ra đi của cha, anh chị Quy và cả Dũng mãi mãi gieo vào lòng chị nỗi đau đớn không bao giờ vơi bớt. Nếu như cái chết của những người thân trong gia đình Quy có sức ám ảnh lớn thì cái chết của Dũng lại gieo vào lòng chị sự sợ hãi “ Khắp người chị lạnh toát. Chị bỗng thấy hoảng sợ. Những tiếng đập trong đầu chị vang lên. Tưởng chừng như cái chết đang từ Dũng bò sát bên chị, đang gõ vào đầu chị. Không tự chủ được nữa, chị hét lên một tiếng rồi bỏ chạy lao xuống chân đồi. Vừa chạy vừa ngoái lại nhìn. Đến gốc một cây dừa cụt, chị đứng sững, nước mắt cứ thế chảy ra giàn giụa. Phải rất lâu sau, chị mới hoàn toàn tỉnh táo trở lại. Những tiếng đập trong đầu không còn nữa. Thay vào đó là một cảm giác trống rỗng, hoang vắng” [33, tr.93]. Mỗi tâm trạng, xúc cảm của Quy đều được Nguyễn Trí Huân miêu tả tỉ
mỉ, chi tiết như chính tác giả là người trong cuộc vừa chứng kiến và trải qua. Sợ hãi, hoang mang khi cảm nhận rõ cái chết đang tiệm cận đến mình, rồi tiếp đến là cô đơn khi đối mặt với thực tại khi mất đi một người bạn, một đồng đội thân thiết. Lật giở từng trang tiểu thuyết Chim én bay, người đọc không chỉ dõi theo những biến cố trong suốt cuộc đời Quy mà còn cảm nhận rõ những xúc cảm chân thật của người nữ anh hùng Chim én khi trải qua các biến cố đó.
Bên cạnh những trang văn miêu tả sự đau đớn, day dứt đầy buồn thương của người lính, ngòi bút Nguyễn Trí Huân còn nắm bắt khá tinh tế những trạng thái cảm xúc tình yêu của Quy, Cường ( Chim én bay ), Thư, Thức, Thiết ( Năm 1975, họ đã sống như thế ). Những trang văn miêu tả tình yêu trong sáng của người lính giữa bộn bề bom đạn đã thổi một luồng sinh khí mới cho tiểu thuyết, đặc biệt là trong Năm 1975, họ đã sống như thế. Nhà văn dành nhiều trang viết miêu tả tình yêu giữa hai người lính chênh nhau ngót nghét gần hai chục tuổi giữa Thức và Thư. Đó là thứ tình yêu làm cho con người ta rụt rè thơ ngây, trái ngược hẳn với tình yêu sôi sục, thiêu đốt bên trong “năm nay, Thức đã bốn mươi ba tuổi, nhưng trong tình yêu đối với Thư, anh vẫn e ngại, luôn tự dày vò mình như một thanh niên mới lớn” [ 36, 108]. Sự e dè trong tình yêu của Thức thể hiện rõ qua từng cử chỉ nhỏ. Trong một lần đến đội phẫu của Thư với dự định sẽ nói hết với cô những điều từ bấy lâu nay vẫn ấp ủ trong lòng, vừa mới thấp thoáng thấy mái nhà đầu tiên của đội phẫu, tim Thức đã đập dồn dập. Anh dừng lại lén sửa quần áo trong lúc cậu chiến sĩ vệ binh vẫn bươn bả vượt lên trước. Nhưng khi thấy Thư đang gục đầu ngủ trong lán, Thức lại hối hận vì đã đến đây. Cuộc nói chuyện nghiêm trang giữa hai người không tạo cơ hội cho Thức thổ lộ tình cảm, bên cạnh đó sự lảng tránh của Thư còn gieo vào lòng Thức sự tự ái. Vậy là con người nghiêm nghị của một chính ủy trong Thức dường như đã trở thành một trở
ngại trong tình yêu. Cũng giống như Thức, tình yêu trong Thư lớn dần cùng tình đồng đội, đồng chí. Nó nhẹ nhàng, trong sáng nhưng cũng đủ làm cô trẻ lại. Mọi vật đối với cô như mang một màu sắc mới, đôi mắt cô nhìn bớt khô và lạnh hơn…
So với Năm 1975, họ đã sống như thế, tiểu thuyết Chim én bay đi sâu vào khai thác bi kịch tinh thần của số phận con người nên những trang văn miêu tả tình yêu của Quy – Cường xuất hiện nhiều hơn và cũng được nhà văn thể hiện tinh tế hơn. Tình yêu lớn dần trong Quy từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, ban đầu nó là sự kính trọng, tin tưởng xen lẫn rụt rè mang tính trẻ con nhưng càng ngày nó càng mãnh liệt, táo bạo hơn, nó gắn với những khát khao dục vọng của người phụ nữ vừa bước vào tuổi trưởng thành và sự day dứt của con người không còn khả năng làm vợ, làm mẹ. Nhà văn đã nắm bắt tường tận và miêu tả sâu sắc mỗi trạng thái khác nhau trong tình yêu của Quy dành cho Cường. Khắc họa tâm trạng người nữ anh hùng Chim én trong tình yêu cũng là một cách giúp nhà văn tô đậm thêm yếu tố bi kịch trong cuộc đời Quy, bởi ngay trong tình yêu, chiến tranh cũng để lại dấu ấn khó phai mờ, nó khiến cho tình yêu suốt cuộc đời Quy mãi là thứ tình yêu không trọn vẹn.
Ngoài việc miêu tả các trạng thái cảm xúc, diễn biến tâm lý của người lính, Nguyễn Trí Huân còn thể hiện con người trong mối quan hệ với đời sống tâm linh. Ở Chim én bay, cậu bé Dũng giống như đã thấy trước được cái chết của mình: đang trên đường thực thi một nhiệm vụ khó khăn, tự nhiên cậu lại muốn rẽ ngang xuống biển tắm và cậu giải thích với Quy phải tắm một cái kẻo chẳng bao giờ được tắm nữa. Chỉ thấy mấy phút sau Dũng chết. Sự bí ẩn của cuộc đời khiến nhân vật Quy cho đến khi đi trọn cuộc chiến tranh, nếm trải bao biến cố, trở nên dày dạn vẫn âm thầm tự hỏi liệu con người có khả năng biết trước chính những điều sắp xảy ra với mình không?
Một thủ pháp đắc dụng khác được Nguyễn Trí Huân sử dụng khi xây dựng nhân vật đó là đồng hiện quá khứ và hiện tại. Sau năm 1975, ký ức được nhiều nhà văn sử dụng khi khai thác thế giới nội tâm phức tạp của nhân vật. Theo đó, toàn bộ tiểu thuyết được coi là “một dòng chảy, một con sông, ở đó những tư tưởng, cảm xúc, liên tưởng bất chợt luôn luôn lấn át nhau và bện chặt vào nhau một cách kỳ quặc, “phi lô gíc” [6, tr.122]. Nếu đặt tiểu thuyết
Chim én bay bên cạnh Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh hay Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai sẽ thấy sự tương đồng khi ba nhà văn cùng để cho nhân vật của mình vừa sống trong hiện tại, vừa sống trong quá khứ thông qua mạch hồi tưởng và kí ức về một thời khói lửa đã đi qua trong cuộc đời. Trong các tiểu thuyết này, “nhà văn đã thừa nhận bản ngã như một chất liệu trọng yếu trong cảm hứng sáng tạo. Sự gặp gỡ ra chất liệu ấy với bút pháp hướng nội đã giúp người đọc cảm nhận được bằng chiều sâu tâm hồn những khoảnh khắc tự thức tỉnh, tự hoàn thiện nhân cách, tự điều tiết sự cân bằng giữa lương tâm và trách nhiệm, giữa con người và xã hội” [81,tr.26]. Đọc tiểu thuyết Chim én bay, người đọc vừa như thấy lại những năm tháng chiến tranh xưa với tất cả những sự khốc liệt của nó, lại vừa như được đứng trước những vấn đề thời sự của cuộc sống hôm nay như: vấn đề đổi mới cách nghĩ, cách sống, vấn đề tình người, lòng nhân đạo cũng như việc giải tỏa hận thù, ngăn chặn nọc độc của cuộc chiến tranh mới…
Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết với dung lượng khá khiêm tốn này, ít thấy các trận đánh bom đạn nảy lửa nơi chiến trường như thường gặp trong tiểu thuyết viết về chiến tranh. Mặc dù bối cảnh của câu chuyện diễn ra vào những năm tháng khó khăn sau cuộc tập kích chiến lược tết Mậu Thân trên mảnh đất Hoài Nhơn buộc người dân nơi đây phải thực hiện phương thức tác chiến diệt ác nhưng nhà văn đã dồn nén tính chất khốc liệt của cuộc chiến vào số phận nhân vật Quy, tất cả các chi tiết được tác giả cô đọng đến mức giản dị nhất và
thay vào đó là trăn trở, day dứt của chị trước cuộc sống hiện tại và những ký ức không nguôi về quá khứ. Ký ức đã trở thành xương sống để cho sự kiện bám rễ vào, trở thành chất keo dính kết nối quá khứ với hiện thực đắng chát của cuộc sống hậu chiến. Nó được khơi màn từ việc Quy tìm lại nhà những tên ác ôn bị chị giết hơn mười năm trước trong tâm trạng vừa băn khoăn, vừa dằn vặt “ liệu những người vợ, người con của những tên ác ôn ấy hiện đang sống ra sao? Những gì đang cản trở họ sống? Họ còn ở những ngôi nhà cũ hay đã bị tịch thu, đã chuyển đi nơi khác?” [33,tr.9]. Để từ đó, mạch chuyện giống như một cuốn băng quay chậm nhưng rối bời, Quy hiện hữu là một thành viên của đội Chim én với nỗi đau vô bờ bến về cái chết của cha, của anh Dương, chị Hảo, với lòng căm thù sâu sắc những kẻ đã đẩy chị vào cảnh bơ vơ không nơi nương tựa, với ý chí quyết tâm trả thù cho những mất mát mình phải chịu đựng. Ở một góc khác, Quy lại là một nữ anh hùng, một đại biểu trẻ của Quốc hội nhưng đang trải qua những ngày tháng đơn độc của người lính hậu chiến với chằng chịt nỗi đau về thể xác và tâm hồn. Sống trong dòng ký ức, con người của Quy được phơi bày trọn vẹn cả trong quá khứ và hiện tại. Sự xuất hiện của những hồi ức về quá khứ đau thương mà hào hùng luôn đồng hiện cùng tâm tư, trăn trở của Quy trước cuộc sống đang chảy trôi, “ những ý nghĩa của nhân vật anh hùng về quá khứ, về chiến tranh, về cuộc sống huy hoàng cứ được tác giả khơi lên, đào sâu xuống tự nhiên như vốn có khi thì là những đoạn độc thoại, lúc khác là một cuộc tranh luận, một cuộc đối thoại với những người xung quanh: một người đồng chí cũ, một cán bộ có chức có quyền ở địa phương, vài ba đứa trẻ ngây thơ. Cũng có khi là những dòng hồi