7. Cấu trúc luận văn
3.2. Nghệ thuật kết cấu
Bàn về vai trò của kết cấu, ngay trong tác phẩm lý luận được coi là sớm nhất của Việt Nam, tác giả Phạm Quỳnh đã chỉ rõ tiểu thuyết đã là một truyện bịa đặt ra thì phần cốt yếu trong phép làm tiểu thuyết là kết cấu và cái tài của nhà làm tiểu thuyết phần nhiều là ở tài kết cấu. Điều đó đủ thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của kết cấu đối với tiểu thuyết. Nói đến kết cấu là nói đến toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm, nó không chỉ dừng lại ở mặt hình thức, sự tương quan giữa các chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong, nó là nghệ thuật kiến tạo nội dung cụ thể của tác phẩm. Nói cách khác, đó là “ sự sắp xếp phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật”, “ gắn kết… và phối thuộc chúng với tư tưởng” nhằm “ phản ánh nhưng liên hệ bề sâu của thực tại” [6, tr.167]. Đối với tác phẩm văn xuôi, xét một cách cụ thể, kết cấu bao gồm “ việc phân bố các nhân vật ( tức là hệ thống các hình tượng, các sự kiện và hành động (kết cấu cốt truyện), các phương thức trần thuật (kết cấu trần thuật như là sự thay đổi những điểm nhìn đối với cái được miêu tả), chi tiết hóa các khung cảnh, hành vi, cảm xúc (kết cấu chi tiết), các thủ pháp văn phong (kết cấu ngôn từ), các truyện kể xen kẽ hoặc các đoạn trữ tình ngoại đề (kết cấu các yếu tố cốt truyện)” [6, tr.167].
Ưu thế về dung lượng tạo điều kiện cho tiểu thuyết phản ánh bức tranh hiện thực đời sống đa dạng theo nhiều dạng thức khác nhau. Tùy thuộc vào
vấn đề được phản ánh, mỗi tiểu thuyết có một cách sắp xếp, tổ chức tác phẩm riêng. Đối với tiểu thuyết chiến tranh đầy ắp các sự kiện, biến cố, kiểu kết cấu truyền thống dựa theo trật tự thời gian tuyến tính phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, khi đi sâu khám phá thế giới nội tâm phức tạp và đầy bí ẩn của con người, tiểu thuyết hậu chiến đã có những cách cấu trúc tác phẩm riêng.
3.2.1 Kết cấu theo thời gian tuyến tính
Tiểu thuyết Năm 1975, họ đã sống như thế thiên về dòng sự kiện, diễn biến các trận đánh nên phần chính của tác phẩm được kết cấu theo thời gian tuyến tính. Thời gian của truyện và thời gian trần thuật gần như hoàn toàn tương ứng, Trùng khít. Trong gần bốn trăm trang tiểu thuyết, nhà văn đã kể lại diễn biến của các trận đánh chủ yếu diễn ra ở vùng đất Bình Định khoảng từ đầu tháng 3 năm 1975 đến 30 tháng 4 năm 1975. Các sự kiện diễn ra tuần tự trước sau hầu như không có sự đảo lộn, đan xen hay ngắt quãng nào. Vì vây, Năm 1975, họ đã sống như thế là một cuốn tiểu thuyết dễ đọc, phù hợp với thói quen thưởng thức truyền thống.
Nhà văn tổ chức cốt truyện dựa trên sự phân chia rất rõ ràng trên văn bản tiểu thuyết. Nội dung chính của tác phẩm bao gồm hai phần lớn: Phần một – hướng thứ yếu của chiến dịch chia làm 7 chương; Phần hai – Giải phóng tiếp nối từ chương 8 cho đến chương 15 và một chương kết thúc. Về cơ bản, nhà văn đã tổ chức tác phẩm theo một tuần tự quen thuộc của tiểu thuyết và các chương, các phần cũng được phân chia khá đều nhau. Vấn đề trung tâm của Năm 1975, họ đã sống như thế rơi vào phần thứ hai với nhan đề “ Giải phóng”. Chiếm tới hơn một nửa dung lượng tác phẩm nhưng thời gian thực của cốt truyện ở phần này chỉ vẻn vẹn đúng một tháng, bắt đầu bằng không khí tấp nập trên khắp các mặt trận hành quân ở Sài Gòn vào đầu tháng 4 năm 1975 và kết thúc bằng ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975. So với phần một, không gian phần hai mở rộng hơn, không chỉ có ở Bình Định mà
lan sang Ninh Thuận, Nha Trang, Bà rịa – Vũng Tầu và cả Sài Gòn. Nếu như ở phần một, nhà văn dành nhiều trang viết khắc họa số phận các nhân vật như Phán, Nhã, Mạc, Thiết, Thức, Thư… thì ở phần hai là diễn biến các trận đánh, những cuộc hành quân, tập kết di chuyển lực lượng liên tục diễn ra khiến cho tiểu thuyết đầy ắp sự kiện. Với dung lượng lớn, sự kiện nhiều, không gian rộng, phần sau của tiểu thuyết Năm 1975, họ đã sống như thế mang đậm khuynh hướng sử thi của tiểu thuyết viết về chiến tranh trước năm 1975.
Bên cạnh nội dung chính, Năm 1975, họ đã sống như thế còn có thêm phần phụ chương đặt ngay đầu tác phẩm. Về mặt hình thức, người đọc dễ dàng phân biệt phần này với phần chính của tiểu thuyết bởi nó được in nghiêng. Về nội dung, nó trích một đoạn trong nhật ký của người sĩ quan ngụy bị giết trước tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Nếu lược bỏ phần phụ chương này, nội dung tiểu thuyết vẫn hoàn chỉnh và không bị ảnh hưởng, nhưng tư tưởng chủ đề tác phẩm thì thay đổi rõ nét. Nhật ký ghi lại chân thực sự sụp đổ niềm tin, sự khủng hoảng về lối sống, suy thoái và thối nát bên phía quân đội ngụy quyền Sài Gòn. Mặc dù chỉ là những dòng nhật ký ngắn ngủi nhưng đặt ở đầu tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Trí Huân đã định hướng cách nhìn nhận khác về hiện thực chiến tranh và người lính mà trước đây tiểu thuyết chiến tranh chưa từng đề cập đến. Đó là hiện thực chiến tranh ở phía địch được đặt dưới con mắt của một lính ngụy. Nó được sắp xếp khéo léo đứng ngay đầu tác phẩm càng khẳng định mục đích chính nghĩa, lí tưởng sống cao đẹp của người lính ở phía ta. So với Chim én bay, Năm 1975, họ đã sống như thế thiên về khuynh hướng sử thi hơn, nhưng rõ ràng phần phụ chương đã góp phần thay đổi hình thức kết cấu của tác phẩm, thông qua đó thể hiện cách nhìn đa diện của nhà văn về chiến tranh và người lính.
Có thể nói, ở thời điểm sau chiến tranh, Nguyễn Trí Huân đã là người sớm thay đổi quan niệm về chiến tranh và nhận ra sự cần thiết của việc đổi
mới trong cách viết tiểu thuyết. Nếu như Chu Lai viết tác phẩm đầu tay Nắng đồng bằng với vốn chiến tranh đang ứ tràn, với tất cả sự nồng nàn, thoát xác và ngây thơ, vụng về thì ngay ở tiểu thuyết đầu tiên - Năm 1975 họ đã sống như thế, Nguyễn Trí Huân đã mang đến cho người đọc cách nhìn chiến tranh từ hai phía địch – ta. Và chính kết cấu tiểu thuyết này góp phần lớn trong việc xác lập tư tưởng của tác phẩm, thể hiện quan niệm đa chiều của tác giả về cuộc chiến tranh đã đi qua.
3.2.2 Kết cấu tâm lí
Sang đến tiểu thuyết Chim én bay, kết cấu tiểu thuyết đã hoàn toàn thoát li khỏi kiểu kết cấu truyền thống dựa theo thời gian tuyến tính. Nguyễn Trí Huân tổ chức cốt truyện theo diễn biến nội tâm của nhân vật chính – Quy. Theo đó, kết cấu tác phẩm là kết cấu tâm lí hay con gọi là theo dòng ký ức, “kết cấu của khoảnh khắc, các quãng nghỉ và những bước kế tiếp” [1, tr.68]. So với các tiểu thuyết hậu chiến vài năm trước đó như Miền cháy, Lửa từ những ngôi nhà, Nắng đồng bằng, Đất trắng,Năm 1975, họ đã sống như thế, Trong cơn lốc, Cửa gió… việc tái hiện lịch sử trên cơ sở cuộc đời một con người cụ thể đã là một bước tiến đáng kể so với việc tái hiện lịch sử qua cộng đồng, sự kiện. Tính chất đời tư như một đặc điểm của Chim én bay đã đẩy nó xa dần với tiểu thuyết sử thi để dần nhập cuộc vào phía tiểu thuyết hiện đại.
Trong Chim én bay, quá khứ đậm nhạt luôn luôn có mặt trong hiện tại, thời gian luôn luôn chuyển động, thay đổi theo dòng hồi ức, Zoltan Keneres trong tác phẩm Số phận của tiểu thuyết khái quát “kiểu tiểu thuyết này khẳng định rằng có thể nhận thức vẻ đa dạng của thế giới xung quanh không phải thông qua thời gian của hành động mà là thông qua quá trình hồi ức” [70,tr.189]. Tiểu thuyết Chim én bay được chia làm bốn chương, không kể phần mở đầu và một chương kết thúc nhưng cốt truyện không diễn ra theo trình tự thời gian từ lúc Quy mười một tuổi cho đến lúc chị từ biệt cuộc đời
trong cái chết chậm chạp mà đau đớn. Cả mạch truyện là dòng chảy đan xen của quá khứ và hiện tại. Quá khứ là “bốn năm trời chị đã bị cuốn vào một cuộc sống mà lẽ ra không nên có ở tuổi niên thiếu của chị. Nhưng chiến tranh là vậy, cái không bình thường trở nên bình thường”. Quá khứ ấy gắn liền với sinh mệnh, với sự mất còn của quê hương chị mà nếu được trở lại những ngày tháng ấy, chắc chắn chị cũng không làm khác. Còn hiện tại, hơn mười năm sau khi chiến tranh qua đi, biết bao đổi thay trên quê hương chị. Những tên lính Mĩ, những quả đạn pháo nổ bất chợt, những bộ đồ rằn ri của bọn biệt động, thủy quân lục chiến... vĩnh viễn bị đẩy lùi vào dĩ vãng. Đã có một thế hệ cắp sách đến trường không hề biết thế nào là tang tóc, là chiến tranh nhưng những di chứng của chiến tranh dường như vẫn còn đâu đó, trong thái độ ác cảm, thù hằn của mọi người đối với vợ con những tên phản bội. Khác với cấu trúc tiểu thuyết theo lịch sử - sự kiện như Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu) hay lịch sử - tâm hồn như Thời xa vắng (Lê Lựu) ra đời trước đó, Chim én bay cũng như tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Nỗi buồn chiến tranh
(Bảo Ninh)... cùng xuất hiện vào nửa cuối những năm 80, ký ức đã trở thành một thành tố quan trọng của cấu trúc tiểu thuyết. Chính kí ức đã tạo nên thời gian tâm lí, tạo sự chiêm nghiệm trong đời sống nhân vật, tạo nên tính đa chiều cho tác phẩm – một trong những yếu tố quan trọng của tư duy tiểu thuyết hiện đại.
Chảy theo dòng hồi tưởng của nhân vật chính, thời gian cốt truyện luôn luôn có sự đan xen giữa thời gian quá khứ và thời gian hiện tại. Các sự kiện không xuất hiện theo trật tự trước sau mà quá khứ đồng hiện trong hiện tại và hiện tại lại ùa về trong quá khứ. Tiểu thuyết mở ra vào thời điểm những ngày đầu năm 1980 khi ý định tìm lại nhà những tên ác ôn mình đã giết chết hơn mười năm về trước thôi thúc mạnh mẽ trong tâm hồn người nữ anh hùng Chim én. Nhưng sau đó, câu chuyện lại gợi về mùa đông năm 1969 và kéo dài
qua những năm tháng chiến tranh từ khi Quy mới mười một tuổi. Nếu như gần bốn trăm trang truyện của Năm 1975, họ đã sống như thế chỉ tập trung miêu tả khung cảnh chiến trận gấp gáp trong khoảng hai tháng trước 30 tháng từ năm 1975 thì tiểu thuyết Chim én bay với thời gian văn bản ngắn hơn nhiều nhưng đã gói gọn biết bao sự kiện trong suốt hơn 10 năm cuộc đời nhân vật chính. Nhà văn đã đảo lộn trật tự biên niên, phá vỡ cấu trúc thời gian tuyến tính để phù hợp với trật tự của hồi ức, của kỷ niệm. Dòng thời gian đồng hiện kết hợp cùng kết cấu tâm lý thích hợp với việc thể hiện thế giới nội tâm người lính ở chiều sâu tư tưởng với nhiều trăn trở, bi kịch. Có thể nói kết cấu theo dòng ký ức là một trong những nét đổi mới của tiểu thuyết, nó chứng tỏ nỗ lực của nhà văn trong việc tìm kiếm phương thức thể hiện hình tượng nhân vật người lính sau chiến tranh.
Mặc dù đã có sự đảo trật tự thời gian nhưng xuyên suốt Chim én bay
vẫn là mạch chuyện về cuộc đời nhân vật nên nó chưa đạt đến sự phức điệu như tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Tác giả đã để cho Quy sống trong thời gian hai chiều: chiều quá khứ và chiều hiện tại. Hai chiều thời gian không rạch ròi mà đan xen, hòa trộn vào nhau thành ra nhân vật như đang sống trong hai thế giới. Sự xáo trộn thời gian trong toàn bộ tiểu thuyết có thể gọi đó là kiểu kết cấu “ thời gian đơn tuyến đảo tuyến”. Nếu như ở
Năm 1975 họ đã sống như thế, kết cấu thời gian theo tuyến tính kết hợp với phần phụ chương chuyển tải quan niệm về chiến tranh của nhà văn nhìn từ hai phía thì đến Chim én bay, kết cấu đơn tuyến đảo tuyến thể hiện thành công lăng kính về chiến tranh quy tụ qua số phận một con người. Nhờ đó, Chim én bay cùng với một số tiểu thuyết cùng thời như Nỗi buồn chiến tranh, Ăn mày dĩ vãng đã tạo tiền đề cho những đổi mới mạnh mẽ trong nghệ thuật kết cấu tiểu thuyết về sau.
3.3 Ngôn ngữ
Ngôn ngữ của tiểu thuyết chính là “ ngôi nhà” để cho thế giới tiểu thuyết tồn tại, nó không chỉ là kỹ xảo, không chỉ là hình thức. Ngôn ngữ của tiểu thuyết không thuần túy là một thứ vỏ bọc bên ngoài. Ngôn ngữ và nội dung cùng tồn tại song song, không thể tách rời. “Ngôn ngữ hiện diện không chỉ với tư cách là phương tiện để miêu tả cái thực tại ngoài ngôn ngữ, mà còn với tư cách là đối tượng của sự miêu tả” [6, tr.235]. Bakhtin đã chỉ ra rằng, với tiểu thuyết “ Tác giả không chỉ mô tả cái ngôn ngữ ấy mà còn nói bằng ngôn ngữ ấy” [60, tr.84]. So với ngôn ngữ thơ ca, ngôn ngữ tiểu thuyết có phạm vi hoạt động tự do và linh hoạt hơn.
Đổi mới tiểu thuyết hậu chiến không dừng lại ở việc đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, về hiện thực mà nó còn kéo theo cả sự đổi mới về mặt hình thức, trong đó có ngôn ngữ. Nằm trong mạch vận động chung của tiểu thuyết hậu chiến, ngôn ngữ tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân đã chuyển dần từ ngôn ngữ trang trọng, chuẩn mực của tiểu thuyết sử thi sang ngôn ngữ đời thường, đậm tính khẩu ngữ, thông tục. Điều này thể hiện qua ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ người kể chuyện.
3.3.1 Ngôn ngữ ngƣời kể chuyện
Thống nhất với ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ người kể chuyện trong tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân cũng chân thực và gần gũi đời thường.
Do vẫn chịu ảnh hưởng của tư duy sử thi từ tiểu thuyết chiến tranh trước năm 1975, thêm vào đó các sáng tác vẫn lấy bối cảnh chính là nơi chiến trường đầy bom đạn nên ngôn ngữ tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân sử dựng đậm đặc các từ ngữ chuyên ngành. Có lẽ những năm tháng trải nghiệm cuộc đời quân ngũ, là người trong cuộc, trực tiếp chiến đấu cùng với đơn vị, nên ngôn ngữ tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân đã đạt đến độ chính xác và sinh động, nhất là khi đề cập đến những lĩnh vực chuyên môn khiến người đọc tin cậy ở độ
chân thực của nó. Những từ ngữ như mìn clây-mo, cây ru lô, đại liên, lựu đạn, pháo cối, khẩu ĐKZ, khẩu 12 ly 8, đạn B40, nốc la ve, dạn AR 15… kết hợp với các từ chỉ kí hiệu như D3, L.19, cao điểm 174, A.37… gợi ra không khí thời chiến đầy mưa bom, bão đạn.
Một điểm đặc biệt nữa trong cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Trí Huân là nhà văn hay sử dụng những từ chỉ thời gian chính xác như: 5 giờ kém 15 ngày mồng 2 tháng 3, 15 phút, hồi bảy ba, ngày 28 tháng 2, mùa đông năm 1969, nửa giờ, hơn một giờ, 5 giờ sang, 7 giờ tối…tạo ấn tượng về không khí gấp gáp, khẩn trương của cuộc chiến đang tiến sát đến ngày chiến thắng. Ngoài ra, tác giả còn kết hợp cùng các tính từ mạnh mẽ như: đạn rít, máu xối, xẻng bập ngọt vào lòng đất, ánh sáng một chiếc đèn pin quất qua, quất lại, pháo thúc, ngẩng phắt lên, đỏ loét, vụt đến… nhất là trong những đoạn văn miêu tả cảnh bom đạn “ những tiếng rít tiếp theo bám đôi nhau, nhập vào nhau, và lát sau chỉ còn nghe tiếng đạn nổ choáng óc, mảnh đạn rít vè vè, rơi