Năm 1983, Howard Gardner đã đưa ra ý tưởng rằng các loại trí thông minh truyền thống như IQ không thể giải thích đầy đủ khả năng nhận thức của một người. Ông đưa ra ý tưởng về nhiều trí thông minh bao gồm cả trí thông minh giữa các cá nhân với nhau (khả năng hiểu ý định, động lực và mong muốn của người khác) và trí thông minh của mỗi cá nhân (khả năng hiểu bản thân, đánh giá cao cảm xúc, nỗi sợ hãi và động lực của một người). Trí tuệ cảm xúc bắt nguồn từ khái niệm “trí thông minh xã hội” lần đầu tiên được Thorndike xác định vào năm 1920. Thorndike định nghĩa trí thông minh xã hội là “khả năng hiểu và quản lý cảm xúc của đàn ông, phụ nữ và trẻ em – khả năng hành động khôn ngoan trong các mối quan hệ của con người”. Theo sau đó, Gardner (1993) đã đưa trí thông minh xã hội trở thành một trong bảy lĩnh vực trong lý thuyết về đa trí tuệ của mình. Theo Gardner (1993), trí thông minh xã hội bao gồm trí thông minh giữa các cá nhân và trí thông minh nội tâm. Trí thông minh nội tâm liên quan đến trí thông minh của một người trong việc đối phó với bản thân và là khả năng “tượng trưng cho những cảm xúc phức tạp và khác biệt”. Ngược lại, trí thông minh giữa các cá nhân liên quan đến trí thông minh của một người trong việc đối phó với người khác và là khả năng tạo ra sự khác biệt giữa các cá nhân, đặc biệt là trong tâm trạng, tính cách, động lực và ý định của họ.
Những khái niệm đầu tiên về trí tuệ cảm xúc dường như xuất hiện trong một bài báo năm 1964 của Michael Beldoch chỉ ra độ nhạy cảm của cảm xúc. Theo đó, khả năng xác định các biểu hiện cảm xúc phi ngôn ngữ là một đặc tính tương đối ổn định của con người, nó có thể được đo lường và khái quát hóa qua các phương thức giao tiếp cụ thể. Tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc trong cuộc sống nói chung cũng như trong công việc nói riêng đã thu hút được sự chú ý, quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới. Có nhiều quan điểm liên quan đến định nghĩa về trí tuệ cảm xúc dựa trên các cách tiếp cận khác nhau. Theo đó:
minh xã hội liên quan đến khả năng quản lý cảm xúc của chính mình và đánh giá cảm xúc của người khác, để nhận ra sự khác nhau giữa họ và sử dụng thông tin đó để dẫn dắt suy nghĩ và hành động của một người (Salovey và Mayer, 1990). Goleman (1996) giới thiệu trí tuệ cảm xúc như khả năng khuyến khích và đối mặt với sự chán nản trong kiểm soát căng thẳng về mặt tinh thần và củng cố hy vọng.
Tiếp cận theo năng lực cảm xúc, Goleman (1998) định nghĩa trí tuệ cảm xúc là năng lực nhận ra cảm xúc của chính mình và người khác, làm thế nào để tự tạo động lực, làm sao để cảm xúc của bản thân được kiểm soát tốt trong mối quan hệ với người khác. BarOn (1997) lại định nghĩa trí tuệ cảm xúc như là một loạt các năng lực và kỹ năng phi nhận thức ảnh hưởng đến khả năng thành công trong việc đối phó với các yêu cầu và áp lực của môi trường.
Tiếp cận theo đặc điểm thì Petrides và Furnham (2001) cho rằng trí tuệ cảm xúc là sự pha trộn của các đặc điểm như là cảm thấy hạnh phúc, tính đa cảm, tự kiểm soát và hòa đồng. Trí tuệ cảm xúc đặc điểm chỉ đến tri giác của một cá nhân về các khả năng cảm xúc của họ. Định nghĩa này về trí tuệ cảm xúc bao gồm cách sắp đặt hành vi và khả năng tự cảm nhận và được đo bởi báo cáo bản thân (self report).
Như vậy, có rất nhiều tranh luận về định nghĩa của trí tuệ cảm xúc. Nhưng tiên phong rõ ràng về khái niệm này có thể kể đến Salovey và Mayer (1990), nhóm tác giả đã khái niệm hóa được trí tuệ cảm xúc theo các chiều về đánh giá, sử dụng, hiểu và quản lý cảm xúc. Bên cạnh đó, mô hình về trí tuệ cảm xúc này còn được sử dụng làm tiền đề để phát triển ở nhiều nghiên cứu trên nhiều đối tượng khác nhau. Do vậy, trong nghiên cứu này, nhóm đã sử dụng lý thuyết về trí tuệ cảm xúc của Salovey và Mayer (1990), theo đó “trí tuệ cảm xúc là khả năng quản lí, hiểu, đánh giá cảm xúc của chính mình và mọi người, phân biệt những cảm xúc khác nhau và sử dụng thông tin này để dẫn dắt suy nghĩ và hành động”.