Có nhiều tranh luận và định nghĩa dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau về trí tuệ cảm xúc, các định nghĩa cũng thường được các nhà nghiên cứu thay đổi, biến hóa và phát triển để phù hợp với những hoàn cảnh nghiên cứu. Các mô hình về trí tuệ cảm xúc chính của các nhà nghiên cứu cũng được xác định là:
Mô hình về khả năng trí tuệ cảm xúc
Mô hình của Salovey và Mayer (1990)
Salovey và Mayer cho rằng trí tuệ cảm xúc như khả năng của một loại trí tuệ. Sau đó, định nghĩa về trí tuệ cảm xúc được sửa đổi thành: “khả năng nhận thức cảm xúc, tiếp cận và tạo ra cảm xúc để hỗ trợ suy nghĩ, hiểu cảm xúc và kiến thức cảm xúc và điều chỉnh phản xạ cảm xúc để thúc đẩy tăng trưởng cảm xúc và trí tuệ”
Quan điểm của mô hình này cho rằng khả năng trí tuệ cảm xúc là các nguồn thông tin hữu dụng thông qua môi trường và xã hội được sử dụng để giúp ai đó. Mô hình của Salovey và Mayer đề xuất về việc các cá nhân có thể thay đổi trong khả năng của họ để xử lý một xúc cảm tự nhiên và xử lý cảm xúc để nhận được những thông tin sâu rộng hơn. Mô hình của Mayer và Salovey đã khái niệm hóa trí tuệ cảm xúc bao gồm bốn chiều khác nhau:
- Khả năng xác định và nhận biết cảm xúc, đánh giá và thể hiện đúng cảm xúc trong bản thân (Tự đánh giá cảm xúc – SEA).
- Khả năng sử dụng cảm xúc để tạo điều kiện cho suy nghĩ, tạo thuận lợi cho công việc và các hoạt động (Sử dụng cảm xúc – UOE).
- Khả năng hiểu cảm xúc, khả năng này được nhận ra với việc có thể đánh giá và hiểu cảm xúc ở người khác (Hiểu cảm xúc – OEA).
- Khả năng quản lý cảm xúc của bản thân và cảm xúc của người khác hay còn gọi là điều tiết cảm xúc trong bản thân (Quản lý cảm xúc – ROE).
Mô hình về năng lực trí tuệ cảm xúc
Mô hình của Daniel Goleman (1998)
Mô hình hỗn hợp mô tả trí tuệ cảm xúc bao gồm các năng lực tâm lý và các phẩm chất nhân cách. Theo Goleman (1998) thì việc sở hữu năng lực cảm xúc không phải là bẩm sinh bởi lẽ nó có thể được trau dồi và phát triển. Mỗi một người khi sinh ra đều sở hữu một trí tuệ cảm xúc đặc trưng cho việc phát triển cảm xúc. Theo đó năm thành phần của trí tuệ cảm xúc là:
- Tự nhận thức (self – awareness): Khả năng nhận biết và hiểu về tâm trạng và cảm xúc cùng cách vận hành nó cũng như những ảnh hưởng của nó đối với người khác.
- Tự điều chỉnh (self – regulation): Khả năng kiểm soát hoặc thay đổi các tác nhân gây ảnh hưởng tới tâm trạng, xu hướng phán đoán và suy nghĩ trước khi hành động.
- Tạo động lực (internal motivation): Niềm đam mê làm việc vì những lý do bên trong vượt xa tiền bạc và địa vị.
- Đồng cảm (empathy): Khả năng hiểu cảm xúc của người khác. Một kỹ năng trong việc đối xử với mọi người theo phản ứng cảm xúc của họ.
- Kỹ năng xã hội (social skills): Thành thạo trong việc quản lý các mối quan hệ và xây dựng mạng lưới xã hội, khả năng tìm thấy điểm chung và xây dựng các mối quan hệ.
Mô hình của Rauven Baron (2004)
Đây là lý thuyết về trí thông minh được xây dựng dựa trên đặc tính cá nhân và khả năng nhận thức. Bao gồm 5 chỉ số năng lực chính là:
- Nội tâm (intrapersonal): Năng lực tự nhận biết bản thân, năng lực tự khẳng định, quyết đoán, độc lập và tự thực hiện.
- Kết nối con người (interpersonal): Đồng cảm, trách nhiệm xã hội và quan hệ. - Quản lý căng thẳng (stress management): Chịu đựng căng thẳng và kiểm soát
các xung đột xảy ra.
- Khả năng thích ứng (adaptability): Đánh giá đúng thực tiễn, linh hoạt và giải quyết vấn đề.
- Thang đo tâm trạng chung (general mood scale): lạc quan và hạnh phúc. Mô hình trí tuệ cảm xúc về tính cách
Mô hình của Petrides và Furnham (2001)
Trí tuệ cảm xúc đã được Petrides và Furnham (2001) đưa ra với mười lăm đặc điểm chia làm 4 nhóm bao gồm: tính đa cảm, tự kiểm soát, hòa đồng và hạnh phúc:
- Tính đa cảm (emotionality): Nhận thức được cảm xúc hay là hiểu rõ được cảm xúc của chính bản thân mình cũng như những người xung quanh; sự đồng cảm, cảm nhận được nhu cầu và ý muốn của người khác; biểu đạt cảm xúc một cách chính xác và đạt được hiệu quả theo ý muốn; duy trì và phát triển các mối quan hệ xung quanh.
- Tự kiểm soát (self – control): Kiểm soát cảm xúc và điều chỉnh trạng thái; điều tiết cảm xúc giúp giải quyết những căng thẳng; kiểm soát tính nóng vội, bốc đồng, không vững lập trường; điều chỉnh bản thân thích nghi với môi trường và điều kiện khác.
- Hòa đồng (sociality): Thái độ quyết đoán, ngay thẳng và sẵn sàng đòi lại quyền lợi cá nhân; có ảnh hưởng lên cảm xúc của người khác; nâng cao nhận thức xung quanh bằng khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân và cách thể hiện nó. - Hạnh phúc (well – being): Tính tự trọng thể hiện qua sự thành công và tự tin; tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống; sự hài lòng sẵn có với hoàn cảnh hiện tại; hành động có ý thức, mong muốn từ bên trong.
Qua các mô hình trên, có thể nhận thấy các nghiên cứu được đưa ra đã khái niệm hóa trí tuệ cảm xúc dựa vào những yếu tố biểu đạt khác nhau trong một tổng thể. Mỗi một mô hình đều cho thấy từng nhóm cảm xúc và khả năng là riêng biệt nhưng có mối liên hệ bổ trợ cho nhau và thể hiện được tính đặc trưng của trí tuệ cảm xúc. Ở đề tài này, dựa trên cách tiếp cận về lý thuyết cũng như mô hình, nhóm nghiên cứu sử dụng mô hình về trí tuệ cảm xúc Salovey và Mayer (1990) để làm cơ sở xác định. Bởi lẽ đây là mô hình được sử dụng phổ biến làm tiền đề xây dựng thang đo và làm cơ sở cho nhiều nghiên cứu (Schutte và cộng sự, 1998; Mayer và cộng sự, 1999; Wong và Law, 2002; Fernández-Berrocal và cộng sự, 2004;…)