Quản lý chất lượng dòng ngược

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ CHẤT LƯỢNG CHUỖI CUNG ỨNG TẠI CÔNG TY SCAVI HUẾ (Trang 42 - 44)

2. Hoạt động quản trị chất lượng chuỗi cung ứng tại công ty Scavi Huế

2.2.1. Quản lý chất lượng dòng ngược

Quản lý chất lượng dòng ngược bao gồm đánh giá nhà cung cấp và quản lý chất lượng nhà cung cấp. Đây là tập hợp các hoạt động giao tiếp, phối hợp, chia sẻ thông tin, và phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng từ dòng ngược.

Về khía cạnh Đánh giá nhà cung cấp, Scavi thực hiện đồng thời đánh giá năng lực tổng quát cho nhà cung cấp mới và đánh giá chất lượng định kỳ đối với các chủ hàng hiện tại theo một quy trình chính thức, có bảng quy chiếu tiêu chuẩn rõ ràng. Báo cáo hàng tuần, hàng tháng được cập nhật liên tục để đo lường và kiểm soát chất lượng hoạt động của nhà cung cấp dựa trên chỉ số KPIs, trong đó ba tiêu chí đánh giá cơ bản là chất lượng, giá cả và tốc độ, thời gian giao hàng.

Thứ hai, Quản lý chất lượng nhà cung cấp thể hiện nỗ lực nâng cao hiệu suất chất lượng tổng thể thông qua việc thiết lập một quy trình quản lý chất lượng hiệu quả hơn về phía cung cấp. Đây là một thành phần cơ bản trong phương pháp Quản trị chất lượng toàn diện (TQM) truyền thống, ghi nhận thực tế rằng chất lượng nguồn cung sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, và do đó quyết định mức độ hàng tồn kho và chi phí vận hành. Còn theo SCQM, để lựa chọn nhà cung cấp, doanh nghiệp cần đặt ưu tiên hàng đầu vào chỉ số chất lượng vì giá cả hoặc tiến độ. Ngoài ra, sự hỗ

trợ chủ động của nhà cung cấp vào các hoạt động cải tiến chất lượng nội bộ là cần thiết.

Theo kết quả nghiên cứu tại Scavi, chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết trước khi ra quyết định thay đổi nhà cung cấp hoặc lựa chọn đối tác mới mới, tuy nhiên chất lượng phải đi kèm với giá cả hợp lý. Một chỉ số quan trọng khác để tìm kiếm chủ hàng tiềm năng là năng lực trách nhiệm xã hội (CSR). Đây là thước đo công ty giúp kiểm soát chất lượng đầu vào ngay từ ban đầu. Kết quả phỏng vấn còn chỉ ra rằng, nhà cung cấp đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp.

Trong chiến lược tìm nguồn cung ứng của Scavi, khi nhận được đơn đặt hàng và các yêu cầu từ các kênh phân phối, các Buyer (bộ phận Mua hàng) thường phải tính toán các chi phí và các yếu tố liên quan như: chi phí sản xuất (vốn, chi phí về nhân công, bảo trì, nguyên vật liệu, lưu hàng tồn kho, và các chi phí phụ khác), chi phí nhập khẩu vải, và công suất linh hoạt nhằm tính toán và lựa chọn phương án tối ưu nhất để thực hiện gia công hiệu quả. Theo các nghiên cứu trước về SCQM, các doanh nghiệp được đề nghị xem xét đến việc hợp tác với ít nhà cung cấp hơn, cho dù doanh nghiệp phải chi trả nhiều hơn vì điều này giúp doanh nghiệp hoạt động được chắc chắn và đồng bộ hơn, dù ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung ứng vải vóc từ Trung Quốc hiện là thách thức lớn nhất không chỉ đối với Scavi mà cả toàn ngành dệt may, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế đang biến chuyển khó lường dưới tác động mạnh mẽ của Covid 19 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Scavi nhập khẩu một lượng lớn vải dệt từ Trung Quốc qua các năm. Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, các nhà máy dệt Trung Quốc đã phải ngưng hoạt động vài tuần vào đầu năm 2020 khiến cho chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu bị gián đoạn. Đến tháng 3/2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Mỹ và EU, nhiều trung tâm thương mại phải đóng cửa, người dân hạn chế ra đường khiến tình hình tiêu thụ hàng may mặc sụt giảm. Thêm vào đó, các hoạt động luân chuyển hàng hóa gặp khó khăn do các biện pháp kiểm soát dịch đang được áp dụng. Khi nguồn cung nguyên liệu bắt đầu được nối lại thì tình trạng dịch bùng phát ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU đã khiến các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc gặp khó khăn ở đầu ra. Rất nhiều đơn hàng từ các khách hàng lớn ở Mỹ và EU của Scavi đã thông báo giãn hoặc hủy đơn hàng may mặc của Việt Nam. Nhiều đơn hàng bị hoãn thời gian giao hàng, hoặc bị yêu cầu lùi thời gian thanh toán để chờ đợi các tín hiệu phục hồi từ thị trường. Trước tình hình đó, Scavi là một trong số các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đã kịp thời chuyển đổi một phần năng lực sản xuất sang may khẩu trang kháng khuẩn nhờ vào lượng vải tồn kho để may đồ lót. Nhờ đó mà nhà máy vẫn được duy trì vận hành liên tục, không bị ngắc quãng.

Những rủi ro về nhu cầu thị trường, rủi ro chính trị, đặc biệt là rủi ro môi trường khi xảy ra sẽ bộc lộ rõ những điểm yếu trong vận hành sản xuất mà công ty cần khắc phục. Do đó, tăng cường nội địa hoá nguồn cung ứng nguyên vật liệu là ưu tiên hàng

đầu của Scavi trong công tác quản lý dòng ngược. Ngoài ra, nhà quản trị phải có kỹ năng trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, dự báo, sản xuất, thu mua, hậu cần, tiếp thị, bán hàng, cung cấp thông tin..., từ đó thiết lập được mô hình quản lý để tránh các vấn đề phát sinh trong chuỗi. Quản trị rủi ro chuỗi cung ứng là một kỹ năng quan trọng mà chủ doanh nghiệp hoặc các cấp quản lý cần phải trang bị cho mình.

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ CHẤT LƯỢNG CHUỖI CUNG ỨNG TẠI CÔNG TY SCAVI HUẾ (Trang 42 - 44)