thành phần
Ở các thuốc tân dược, Thuốc tân dược đơn thành phần trúng thầu là 489 thuốc, sử dụng 444 danh mục, giá trị sử dụng đạt 44,4% thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giá trị sử dụng toàn tỉnh là 55,5%. Trong khi đó thuốc tân dược đa thành phần trúng thầu 127 thuốc, sử dụng 101 thuốc, tỷ lệ giá trị sử dụng đạt 50,3%. Tỷ lệ thực hiện thuốc tân dược đơn thành phần tại Nghệ An năm 2017-2018 là 41,0% thấp hơn nhiều so với Lạng Sơn.
Theo Khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới, chỉ sử dụng thuốc đa thành phần khi chúng có ưu thế vượt trội về hiệu quả, tính an toàn hay tiện lợi hơn so với các thuốc đơn thành phần. Bên cạnh đó, theo chính sách quốc gia về thuốc, nên hạn chế đưa thuốc ở dạng phối hợp vào danh mục thuốc bệnh viện và chỉ sử dụng khi dạng phối hợp thực sự vượt trội so với các thuốc đơn thành phần.
Với số khoản mục chiếm 81,5% và giá trị sử dụng chiếm 77,9% trong các thuốc tân dược cho thấy các thuốc đơn thành phần cần phải được tăng cường sử dụng hơn nữa ở các đơn vị khám, chữa bệnh tỉnh Lạng Sơn.
4.1.8. Thuốc trúng thầu, sử dụng theo hạng bệnh viện
Hiện nay thuốc sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập phần lớn là thuốc được chi trả theo chế độ bảo hiểm y tế. Việc phân hạng bệnh viện quyết định việc sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế theo quy định của
Thông tư số 40/2014/TT-BYT (nay được thay thế bằng Thông tư số 30/2018/TT-BYT). Các bệnh viện được sử dụng thuốc theo các cột tại danh mục thuốc được ban hành kèm theo các thông tư nêu trên.
Nhìn chung tất cả các bệnh viện trên toàn tỉnh có tỷ lệ giá trị sử dụng so với trúng thầu còn thấp, tuy nhiên có thể thấy các bệnh viện hạng I (60,7%), hạng II (54,4%) có tỷ lệ giá trị sử dụng lớn hơn các bệnh viện hạng III (50,1%). Điều đó thể hiện các bệnh viện hạng I và hạng II có kế hoạch dự trù sát với sử dụng hơn so với các bệnh viện hạng III. Tại Nghệ An năm 2017- 2018, bệnh viện hạng I chỉ thực hiện được 42,7%, hạng II thực hiện được 41,8%, hạng III thực hiện được 34,0%. Tỷ lệ thực hiện tính theo hạng bệnh viện tại tỉnh Lạng Sơn có phần cao hơn tại Nghệ An năm 2017-2018.
Có 02 đơn vị là Y tế bộ ngành thuộc Hạng IV, có tham gia đăng ký nhu cầu và sử dụng thuốc trúng thầu theo phân bổ của Sở Y tế, có tỷ lệ giá trị thực hiện so với giá trị trúng thầu thấp là 38,7%. Hai đơn vị này mới tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nên việc dự trù nhu cầu sử dụng thuốc còn chưa sát với thực tế, hạn chế về nhân lực dược khi mỗi đơn vị chỉ có 01 dược sỹ trung học phụ trách.
4.1.9. Cơ cấu danh mục thuốc sử dụng theo A, B, C
Phân tích ABC là một công cụ hữu hiệu trong việc nhận định những vấn đề tồn tại trong sử dụng thuốc cũng như phân bổ ngân sách mua thuốc. Trong danh mục thuốc sử dụng năm 2019 với 80,0% giá trị sử dụng thuốc thì DMT hạng A bao gồm 156 khoản mục tương ứng với 24,0% tổng DMT, hạng B chiếm 15,0% giá trị tương ứng với 26,9% số khoản mục, hạng C chiếm 5,0% giá trị tương ứng với 49,2% số khoản mục. Tỉ lệ này chưa phù hợp theo lý thuyết Pareto (thông thường hạng A chiếm 10-20% tổng số sản phẩm, hạng B chiếm 10-20%, còn lại là hạng C chiếm 60-80%).
Theo đó có quá nhiều khoản mục các thuốc hạng A (cao hơn 4% so với lý thuyết). Trong khi các thuốc hạng A là các thuốc chiếm nhiều kinh phí sử dụng thuốc. Phân tích cơ cấu các thuốc hạng A theo tác dụng dược lý cho thấy trong 156 thuốc hạng A có đến 26 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu và 02 thuốc nhóm vitamin và khoáng chất. Kết quả này tương đồng với một số tỉnh như tại Nghệ An năm 2017 có 30 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu, 06 thuốc vitamin và khoáng chất trong danh mục thuốc hạng A [9]. Con số này tại Bắc Giang năm 2017 là 42 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu, 03 thuốc vitamin và khoáng chất. Xét theo tỷ lệ giá trị sử dụng trong nhóm A thì tại Lạng Sơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu chiếm 10,9% giá trị nhóm A, Bắc Giang là 10,3%, Nghệ An là 9,36%. Thuốc Vitamin và khoáng chất tại Lạng Sơn chiếm giá trị sử dụng trong nhóm A (2,2%) cao hơn 2 tỉnh so sánh là Bắc Giang (0,8%) [8] và Nghệ An (1,81%) [9]. Như vậy kết quả này cho thấy các đơn vị có dấu hiệu lạm dụng sử dụng thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và vitamin. Trong thời gian tới để tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc các đơn vị cần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc điều trị, giảm sử dụng các thuốc nhóm N.
Tương tự khi tiến hành khảo sát trong 10 thuốc có giá trị sử dụng lớn nhất trong nhóm A (chiếm 31,0% giá trị của nhóm A) thấy có 02 thuốc kháng sinh (02 thuốc nhóm Cephalosporin), có 02 thuốc hormon và các thuốc tác động vào hệ thống nội tiết (cụ thể là 01 corticoid và Insulin), 01 thuốc tác dụng đối với máu và 02 thuốc tim mạch, 01 dịch truyền, 01 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu và 01 thuốc Vitamin.
Việc giành nhiều kinh phí sử dụng cho nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn là hợp lý do nhu cầu điều trị một tỉ lệ lớn các bệnh nhiễm trùng trong mô hình bệnh tật của Việt Nam nói chung, cũng như mô hình bệnh tật của các đơn vị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng.
Tuy nhiên trong 10 thuốc này đáng lưu ý là 01 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu (Hồng hoa, Đương quy, Sinh địa,…) và 01 thuốc Vitamin
(Vitamin B1+ Vitamin B6 + Vitamin B12) có giá trị sử dụng trong nhóm A tương ứng là 1,7% và 1,8 %. So sánh tại Bắc Giang năm 2017 [8] thuốc Hồng hoa, Đương quy, Sinh địa,…chiếm giá trị 1,5% trong nhóm A. Việc giành nhiều kinh phí để mua các thuốc bổ trợ, thuốc mà tác dụng điều trị không rõ ràng là một trong các biểu hiện gây lãng phí nguồn kinh phí giành cho thuốc trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, tự chủ của các đơn vị, các đơn vị cần cân nhắc kiểm soát sử dụng các thuốc AN tại danh mục thuốc một cách quyết liệt.
4.1.10. Vấn đề sử dụng thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin
Trong tình hình vi khuẩn đề kháng kháng sinh ngày càng gia tăng hiện nay thì nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn là nhóm có giá trị sử dụng đứng đầu tại các đơn vị y tế trên cả nước nói chung và trên địa bàn Lạng Sơn nói riêng. Tại Lạng Sơn năm 2019, giá trị sử dụng nhóm kháng sinh chiếm 33,25% tổng giá trị sử dụng thuốc. Trong đó Cephalosporin là nhóm được sử dụng nhiều nhất chiếm 24% số khoản mục và 45,25% giá trị sử dụng trong nhóm kháng sinh, tiếp theo là nhóm Penicillin chiếm 20% số khoản mục tương ứng với 26,03% giá trị.
Trong các Cephalosporin, thì Cephalosporin thế hệ 3 và Cephalosporin thế hệ 3 kết hợp beta-lactamase chiếm tỉ lệ giá trị sử dụng là 47,7% trong các kháng sinh nhóm Cephalosporin. Đối chiếu với Nghệ An năm 2017, các Cephalosporin thế hệ 3 và Cephalosporin thế hệ 3 kết hợp beta-lactamase chiếm tỷ lệ 44,5% [9]. Việc sử dụng nhiều thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin như hiện nay là một trong những nguyên nhân dẫn tới ngày càng gia tăng vi khuẩn kháng thuốc.