Kết quả phân tích danh mục thuốc sử dụng theo phương pháp phân tích ABC cho thấy: Các thuốc hạng A chiếm 78,01% ngân sách gồm 13,24% số khoản mục, thuốc hạng B chiếm 16,04% ngân sách phân bổ cho 19,12% số khoản mục và thuốc hạng C chiếm 5,95% ngân sách phân bổ cho 67,65% số khoản mục. Kết quả phân tích ABC tại BVĐK huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La năm 2016, thuốc hạng A chiếm 79,5% GTSD và 15,2% số KM, thuốc hạng B chiếm 15,4% GTSD và 19,9% số KM, thuốc hạng C chiếm 5,1% GTSD và 64,9% số KM [22], tại TTYT huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình năm 2018 thuốc hạng A chiếm 80% GTSD và 28,9% số KM, thuốc hạng B chiếm 15,1% GTSD và 24,3% số KM, thuốc hạng C chiếm 4,9% GTSD và 46,8% số KM [1]. Theo thông tư 21/2013/TT-BYT ngày 8/8/2013 của Bộ y tế Quy định
Thông thường, sản phẩm hạng A chiếm 10 – 20% tổng số sản phẩm, hạng B chiếm 10 – 20% và còn lại là hạng C chiếm 60 – 80% [7]. Như vậy tỷ lệ thuốc hạng A, hạng B và hạng C của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên hợp lý so với khuyến cáo của Bộ Y tế.
Phân tích cơ cấu các thuốc hạng A theo nhóm TDDL cho thấy, các thuốc hạng A gồm 10 nhóm TDDL, trong đó chiếm giá trị sử dụng nhiều nhất có 5 nhóm TDDL là: Nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn (44,76%), nhóm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu (29,48%), nhóm thuốc tim mạch (8,75%), nhóm hormon và các thuốc tác động vào hệ thống nội tiết (6,01%) và nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt; chống viêm không Steroid; thuốc điều trị gút và các bệnh xương khớp (4,89%). Kết quả này tương đồng với kết quả phân tích nhóm A theo tác dụng dược lý tại bệnh viện đa khoa huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La trong nghiên cứu của Hà Thị Thu Hương năm 2018 với 5 nhóm thuốc đứng đầu là thuốc điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, thuốc tim mạch, thuốc đường tiêu hóa, hormon và các thuốc tác động vào hệ thống nội tiết, dung dịch điều chỉnh nước, điện giải, cân bằng acid - base [18]. Đáng lưu ý trong DMT các thuốc hạng A, có nhóm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu có 14 khoản mục đứng thứ 2 về giá trị sử dụng (29,48%), nhóm khoáng chất và vitamin có 1 khoản mục, đứng thứ 7 về GTSD. Điều này cho thấy Trung tâm Y tế chi nhiều ngân sách cho nhóm khoáng chất và vitamin và nhóm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu với số lượng sử dụng nhiều hoặc giá thành cao. Cả 2 nhóm này đều được xếp vào các thuốc không thiết yếu nhóm N, được sử dụng làm thuốc hỗ trợ trong điều trị. Trung tâm Y tế cần xem xét lại việc sử dụng khoáng chất, vitamin và các thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, lựa chọn các thuốc có giá thành rẻ hơn nhằm tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và để dành ngân sách cho các thuốc khác quan trọng hơn.