Ma trận ABC/VEN

Một phần của tài liệu Phân tích danh mục thuốc sử dụng tại trung tâm y tế huyện điện biên, tỉnh điện biên năm 2019 (Trang 60 - 61)

Kết hợp hai phương pháp phân tích ABC và VEN trong ma trận ABC/VEN cho thấy: Tỷ lệ chi phí các thuốc không thiết yếu (N) trong nhóm A và B là 29,02% (AN là 24,03% và BN là 4,99%) cho thấy sự chưa hợp lý trong một số thuốc không thật sự cần thiết. Trung tâm Y tế đã phân bổ lượng lớn ngân sách cho các thuốc AE và AN trong nhóm A (AE chiếm 51,97% GTSD và AN chiếm 24,03% GTSD). Riêng thuốc nhóm E luôn chiếm lượng ngân sách lớn nhất trong cả 3 nhóm A, B, C. Thuốc nhóm BV và CV chiếm lượng ngân sách khá thấp thuốc nhóm BN và CN (BV chiếm 0,13% GTSD và CV chiếm 0,45% GTSD trong khi BN chiếm 4,99% GTSD và CN chiếm 1,36% GTSD). Trung tâm Y tế cần cân đối ngân sách để ưu tiên hơn cho các thuốc nhóm BV và CV so với nhóm BN, CN; đồng thời quản lý chặt chẽ nhóm thuốc AV và AE không để thiếu thuốc cũng không dự trữ tồn kho quá nhiều.

Trong phân tích ma trận ABC/VEN, các nghiên cứu quan tâm chủ yếu đến nhóm thuốc AN là nhóm thuốc không thiết yếu nhưng lại chiếm giá trị sử dụng cao trong danh mục thuốc. Trung tâm Y tế huyện Điện Biên có 15 khoản mục nhóm AN chiếm 3,68% số KM và chiếm 24,03% về GTSD, thấp hơn so với BVĐK huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La năm 2016 (nhóm thuốc AN chiếm 5,4% SKM và 26% GTSD) [22], cao hơn nhiều so với TTYT huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình năm 2018 (nhóm thuốc AN chiếm 13,3% GTSD) [1], BVĐK huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La năm 2018 (nhóm AN gồm 22 khoản mục chiếm 14,89% GTSD [18]. Đối với Trung tâm Y tế có mô hình bệnh tật đa dạng, tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị ngày càng tăng, khi cần tập trung ngân sách cho các thuốc thiết yếu thì tỷ lệ các thuốc AN trên cần phải xem xét lại. Vì vậy, cần thiết tiến hành đi sâu phân tích cụ thể các thuốc nhóm AN.

Phân tích cụ thể các thuốc nhóm AN tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên gồm 15 khoản mục, nhận thấy chủ yếu là các thuốc tăng cường tuần hoàn não, thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp, thuốc có tác dụng bổ

gan, bổ tỳ và thuốc bổ sung Vitamin. Thuốc AN chiếm giá trị sử dụng cao nhất (hơn 1,3 tỷ đồng) là Bổ huyết ích não do Công ty TNHH Nam Dược sản xuất, dùng trong các trường hợp giảm trí nhớ, kém tập trung ở người lớn tuổi, thiểu năng tuần hoàn não, ù tai, chóng mặt, giảm thính lực. Đây là thuốc có hoạt chất được chiết xuất từ đương quy và bạch quả có giá thành cao, việc sử dụng thuốc này cần được xem xét tính kinh tế, đánh giá chi phí – hiệu quả.

Trong danh mục các thuốc AN có các thuốc khác cùng nhóm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cũng chiếm tỷ trọng cao về GTSD như: Thấp khớp nam dược (3,04%), Phalintop (1,75%) và một số thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu khác chiếm từ 0,4 – 1,6% GTSD. Các thuốc này chỉ có tác dụng bổ trợ nhưng lại được dùng nhiều trong kê đơn cho bệnh nhân khám ngoại trú, chiếm GTSD không nhỏ trong danh mục các thuốc AN. Trung tâm Y tế cần lựa chọn thay thế bằng các thuốc có giá thành thấp hơn, hạn chế kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu. Ngoài ra, danh mục các thuốc AN còn có các hoạt chất: Vitamin C thuộc nhóm khoáng chất và vitamin cũng là hoạt chất có tác dụng dược lý chưa rõ ràng, cần phải được xem xét hạn chế sử dụng hoặc xem xét kỹ khi đưa số lượng kế hoạch vào DMT.

Kết quả phân tích sâu hơn về nhóm thuốc AN đã cho thấy một số thuốc không thiết yếu, có xu hướng bị lạm dụng trong Trung tâm Y tế, từ đó gây lãng phí nguồn ngân sách. Để khắc phục tình trạng này, HĐT&ĐT của bệnh viện cần phải phân tích DMT sử dụng hàng năm theo phương pháp ABC, VEN và ma trận ABC/VEN, đặc biệt phân tích các thuốc AN để có định hướng hạn chế sử dụng các thuốc này, hoặc đưa ra họp và đề xuất loại bỏ nếu thực sự không cần thiết.

Một phần của tài liệu Phân tích danh mục thuốc sử dụng tại trung tâm y tế huyện điện biên, tỉnh điện biên năm 2019 (Trang 60 - 61)