II. Luật phá sản Việt Nam năm 2004
2. Những nội dung cơ bản của Luật phá sản năm 2004
2.2. Điều kiện để xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản
Như bên trên đã nói, pháp luật của nhiều nước trên thế giới có sự khác nhau trong việc xác định tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Theo Điều2 của LPSDN 1993 thì “Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, sau khi đã áp dụng các biện
pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn”. Theo Điều 3
của Nghị định số 189/CP ngày 23 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật PSDN:“Doanh nghiệp được coi là có dấu hiệu lâm vào tình trạng phá sản nói tại Điều 2 của Luật PSDN nếu kinh doanh thua lỗ hai năm liên tiếp tới mức không trả được các khoản nợ đến hạn, không trả đủ lương cho người lao động theo
thoả ước lao động và hợp đồng lao động trong ba tháng liên tiếp”. Thực tế thi hành
Luật PSDN 1993 cho thấy, khái niệm tình trạng phá sản theo quy định tại Điều 2 Luật này và được cụ thể hoá tại Nghị định số 189/CP là quá chặt chẽ, phức tạp, do đó, đã gây ra rất nhiều khó khăn cho việc mở thủ tục phá sản.
Nhằm khắc phục hạn chế này, Luật Phá sản 2004 đã đưa ra quy định theo hướng đơn giản hoá tiêu chí xác định tình trạng phá sản. Theo Điều 3 của Luật này thì doanh nghiệp, hợp tác xã bị coi là lâm vào tình trạng phá sản khi “không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu”. Như vậy, tiêu chí xác định tình trạng phá sản đã được quy định theo hướng ngắn gọn, đơn giản và đi vào bản chất mà không căn cứ vào thời gian thua lỗ, nguyên nhân của tình trạng thua lỗ cũng như việc doanh nghiệp, hợp tác xã con nợ đã áp dụng các biện pháp để tự cứu mình mà không đạt kết quả hay chưa. Quy định này là một bước tiến bộ của
LPS 2004, phù hợp với thông lệ chung trên thế giới, tạo điều kiện dễ dàng cho việc mở thủ tục phá sản nhanh gọn, cũng như khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản được quy định tại Điều 3 nói trên là căn cứ cho việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản chứ không phải là căn cứ cho việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Khi thấy con nợ không trả được các khoản nợ đến hạn cho mình thì các chủ nợ có quyền làm đơn yêu cầu Toà án giải quyết việc mở thủ tục phá sản. Chủ nợ có quyền làm việc này vì sự ngưng trả nợ là dấu hiệu để suy đoán là con nợ đã lâm vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự suy đoán mà chưa chắc đã là sự thật. Vì vậy, sau khi thụ lý hồ sơ, Toà án cần phải tiến hành nhiều biện pháp để có đủ cơ sở khẳng định rằng, trên thực tế, con nợ đã mất khả năng thanh toán nợ đến hạn và Toà án chỉ ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với nó khi điều đó đã được chứng minh (khoản 5 Điều 24, LPS 2004). Trong trường hợp mở thủ tục phá sản thì công việc tiếp theo của Toà án sẽ là xem xét, đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp, hợp tác xã để quyết định áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi có sự chấp thuận của Hội nghị chủ nợ đối với phương án phục hồi mà con nợ đệ trình. Toà án chỉ ra quyết định áp dụng thủ tục thanh lý hoặc thủ tục tuyên bố phá sản nếu thấy doanh nghiệp, hợp tác xã đã hoàn toàn không có khả năng phục hồi. Vì vậy, không phải mọi doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản đều có chung một kết cục là bị chấm dứt hoạt động, kết thúc sự tồn tại và bị loại khỏi thương trường.