II. Luật phá sản Việt Nam năm 2004
1. Sự cần thiết phải ban hành Luật phá sản năm 2004
Ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển của Pháp luật phá sản có những hoàn cảnh lịch sử đặc thù và có lẽ chính những điều đó đã tạo ra những đặc điểm riêng của bộ phận pháp luật này. Có thể khái quát như sau:
Trong thời kỳ Pháp thuộc, cùng với Bộ luật thương mại Pháp, chế định pháp luật về phá sản đã được áp dụng ở Nam Kỳ từ năm 1864 và Bắc Kỳ từ năm 1888.
Năm 1942 triều đình Huế ban hành Bộ luật thương mại áp dụng cho phần lãnh thổ Trung kì từ năm 1944. Đây là một văn bản pháp luật thể hiện rõ sự vay mượn Pháp luật phá sản của Pháp với quan điểm hà khắc trong việc xử lý phá sản, theo đó người vỡ nợ được xem như tội phạm.
Tại miền Nam Việt Nam, dưới chế độ Việt Nam cộng hoà, trước khi có Luật Thương mại riêng năm 1972, các quy định về phá sản mang nặng tính phân tán và thể hiện rõ dấu ấn của pháp luật phá sản của Pháp. Trong luật thương mại năm 1972
với 186 điều quy định về sự khánh tận, phá sản và thanh toán tư pháp, song việc áp dụng còn hết sức hạn chế.
Ở miền Bắc Việt Nam, thời gian từ năm 1945-1975, trong bối cảnh của một nền kinh tế được vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá, tập trung, bao cấp với hai thành phần kinh tế cơ bản là quốc doanh và tập thể, với loại hình chủ thể kinh tế chủ yếu là xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã, hiện tượng phá sản với tư cách là hệ quả của nền kinh tế cạnh tranh đã không tồn tại. Sự vắng bóng các quy định pháp lý về vấn đề phá sản trong hệ thống Luật kinh tế Việt Nam ở giai đoạn này là điều dễ hiểu. Tình hình này mới bắt đầu được cải thiện từ năm 1990 với 2 đạo luật là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân trong đó gần như lần đầu tiên mới có những điều khoản chính thức ghi nhận về kết cục phá sản của doanh nghiệp trong kinh doanh (Điều 24 và Điều 17). Thế nhưng những điều khoản này mới chỉ mang tính dự báo cho một xu thế lập pháp về vấn đề phá sản chứ chưa thật sự có giá trị điều chỉnh trên thực tế. Đến cuối năm 1993, Luật phá sản đầu tiên của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới được ban hành. Luật này có tên gọi là Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993. Luật phá sản Doanh nghiệp được quốc hội chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/1994. Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 bao gồm 6 chương và 52 điều. Việc ban hành Pháp luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 là một sự kiện pháp lý quan trọng đánh dấu nỗ lực cải cách hệ thống pháp luật kinh tế nói riêng cũng như đã phản ánh rõ nét những thay đổi cơ bản trong sự phát triển của nền kinh tế và sự vận hành nền kinh tế của Việt Nam từ sau nửa thập kỉ 80, đặc biệt là từ những năm 90 đến nay.
Sau gần 10 năm áp dụng, những hạn chế của pháp luật này đã lộ rõ. Vì vậy, Luật phá sản mới đã được ban hành, luật này có tên gọi là Luật phá sản năm 2004. Luật phá sản năm 2004 ra đời nhằm khắc phục nhược điểm của Luật phá sản năm 1993. Luật phá sản năm 2004 ra đời ngoài việc dựa trên tinh thần ưu tiên bảo vệ lợi ích của chủ nợ và người lao động vốn là mục đích của Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993, Luật này còn nhằm mục tiêu phục hồi và tái tạo lại doanh nghiệp. Ngoài ra, pháp luật còn góp phần bảo vệ nhà đầu tư, nhà kinh doanh và là công cụ pháp lý để
Nhà nước can thiệp vĩ mô vào nền kinh tế nhất là trong bối cảnh nền kinh tế của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội.