Tính linh thời Nam Bắc triều (Lưu Hiệp – Văn tâm điêu long)

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa quan niệm văn học và sáng tác của Cao Bá Quát (Trang 34 - 37)

5. Cấu trúc của đề tài

2.1.1. Tính linh thời Nam Bắc triều (Lưu Hiệp – Văn tâm điêu long)

Sự phát triển của tính linh đầu tiên được bàn đến trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp thời kỳ Nam Tề. Văn tâm điêu long được coi là tác phẩm lý luận văn học kinh điển của Trung Quốc thời kỳ cổ đại. Lưu Hiệp tinh thông phật học nên ở phần lý luận về văn học, quan niệm về tính linh có nhiều yếu tố liên quan đến vấn đề của tâm tính và tư duy.

Văn học Trung Quốc cổ đại đã có nhiều cách tiếp cận và đặt ra vấn đề tính linh. Ngay cùng thời của tác giả Lưu Hiệp cũng có nhiều cách hiểu khác nhau. Nhiều người phân chia tính linh thành tính và linh có nghĩa là thiên tính, tâm tính tự nhiên của con người. Từ tính linh sử dụng trong thể thống nhất gồm hai từ trên có thể xuất hiện từ thời Nam triều trong bối cảnh Phật giáo rất thịnh hành. Phan Ngọc cho rằng “Lưu Hiệp muốn xây dựng một lý luận văn học dựa trên những nguyên lý của Nho giáo. Nhưng ông là người tiếp thu Phật giáo rất sâu sắc cho nên ông sử dụng cơ chế lý luận của Phật giáo” [10, tr.11]. Chữ “văn” ở đây hiểu là văn học, chữ “tâm” có “gốc Phật giáo là bản chất, cái tinh túy” và Văn tâm điêu long có thể hiểu là “bàn tản mạn về bản chất văn học” (Phan Ngọc). Như thế chữ “tâm” được xếp vào vị trí quan trọng trong lý luận văn học Nam triều, trở thành một phần nguồn gốc của văn học. Ở đây, tính linh có sự kết hợp của thuyết Tâm vật cảm ứng giúp tăng

cường, củng cố năng lực sáng tạo của tâm hồn mỗi con người. Lưu Hiệp có nói về vấn đề này như sau: “… chỉ có con người là tham dự được vào sự biến hóa của trời đất, bởi vì người là nơi chung đúc của cái linh thiêng của thiên tính (tính linh)… con người có hoạt động tinh thần (tâm) thì lời nói xuất hiện, lời nói xuất hiện thì văn sáng lên” [10, tr.15-16].

Lưu Hiệp cho rằng tính linh chỉ tâm hồn, tâm linh, là thế giới tinh thần và tình cảm của con người. Tính linh được thể hiện qua việc đề cao chữ tình trong sáng tác thơ ca: “người sẵn có bảy tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dụ), bị sự vật xúc động thì sinh cảm xúc. Cảm xúc (trước sự thật thì) thì nói lên cái chí. Cái đó là tự nhiên” [10, tr.40]. Nguyên văn chữ Hán là “nhân bẩm thất tình, ứng vật tư cảm, cảm vật ngâm thi, mạc phi tự nhiên”. Nghĩa là ông chú ý đến tình cảm, cảm xúc tự nhiên, cùng mối liên hệ giữa thơ ca và hiện thực. Bàn đến chữ tình trong thơ, Lưu Hiệp có nhận xét: “vì nội dung (tình) mà làm thì cốt cho gọn và nói chân thực, vì hình thức (văn) mà viết thì hoa lệ quá đáng mà rắc rối thừa thãi...” [10,tr.99]. Lưu Hiệp đề cao tình trong sáng tác, coi tình là gốc của văn chương vì có như vậy thì lời văn sâu sắc và chân thực. Một mặt Lưu Hiệp đề cao chữ tình nhưng mặt khác phản đối loại văn chạy theo cái đẹp của hình thức, chau chuốt ngôn từ.

Có lúc ông nhấn mạnh thêm “cái hình thức nghệ thuật của văn là để trang sức cho lời nói mà việc thấy được cái gốc ở tình cảm và tư tưởng của nhà văn. Cho nên tình cảm là cái cơ bản của văn chương…” [10, tr.99]. Qua ý kiến trên của Lưu Hiệp còn thể hiện quan niệm về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Người sáng tác nói chung xuất phát từ cảm xúc, tình cảm sau đó lựa chọn các yếu tố thể hiện tình cảm đầy đủ nhất tạo nên những tác phẩm chân thực. Ngược lại tác phẩm chú trọng hình thức (văn) thì không thực, trống rỗng. Tình cảm, cảm xúc tạo bởi cuộc sống đi vào trong văn chương thực chất là nhấn mạnh đến yếu tố thuộc nội dung. Trong đó ông nhấn mạnh vị trí quan trọng hàng đầu của tình cảm. Ông dẫn chứng về Kinh thi, một tác phẩm dân gian tiêu biểu cho việc đề cao tình: “các bài thơ của các nhà thơ trong Kinh thi ngày xưa viết ra làm văn để diễn đạt nội dung tình… sáng tác ra đều là do cái chí khí và cái tâm tư của nhà thơ tràn đầy, buồn bực nên họ mới ngâm vịnh ra để diễn tả tình cảm và tính cách của họ, để khuyên răn những người ở trên” [10, tr.99].

Lưu Hiệp còn đề cập đến tài của nhà văn nhà thơ. Tài ở đây được hiểu theo nghĩa là tài năng: “nói chung gừng và quế đều ở đất mà ra, nhưng cay là do bản tính. Văn chương do học mà có nhưng làm giỏi là ở thiên tư. Cái tài là do từ trong ra, cái lực là do từ ngoài đưa vào. Có người học đầy đủ nhưng trí nông cạn; có người tài nhiều nhưng học nghèo nàn. Người học nghèo nàn thì sự nghiệp gay go khó nhọc; người tài kém thì nhọc mệt ở văn từ và tình cảm. Đó là sự phân biệt khác nhau giữa trong và ngoài… Cái trong và cái ngoài nâng đỡ cho nhau, đó là điều thống nhất từ xưa đến nay” [10, tr.124]. “Tài” là yếu tố quan trọng nhất với mỗi con người cũng như trong sáng tạo văn học. “Tài” ở đây được Lưu Hiệp nhắc đến theo nghĩa nghiêng về cá tính, là “thiên tư” tự nhiên của mỗi con người. Cá tính độc đáo là điều kiện để hình thành phong cách. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên giá trị văn học. Tuy nhiên trong văn học không chỉ dựa vào cá tính và phong cách mà nó phải là tổng hòa của nhiều yếu tố. Nói về điều này Lưu Hiệp khẳng định: “Tình cảm bị xúc động, thì lời nói xuất hiện; cái lẽ đương nhiên đã phát hiện được thì văn hiện ra. Đó là cái việc từ chỗ ẩn (tình cảm, lý tính là hai cái kín) đi ra đến chỗ sáng rõ (ngôn ngữ, văn), nhờ bên trong mà phù hợp với bên ngoài vậy. Nhưng tài năng mỗi người một khác: có người tầm thường, có người ưu tú. Khí lực có người cứng rắn, có kẻ mềm yếu. Sức học có người nông cạn, có kẻ sâu xa. Lối sống có người trang nhã, có kẻ dâm dật. Người ta do chỗ tình cảm và bản tính đào luyện, do sự giáo dục và ảnh hưởng bên ngoài tích lũy lại mà lời văn và sáng tác mỗi người một khác. Cho nên lời văn và lý lẽ tầm thường, hay ưu tú không ai có thể đổi cái tài của mình… Mọi người đều lấy cái tâm của mình làm thầy cho nên đều khác nhau như mặt người” [10, tr.83]. Lưu Hiệp chỉ ra việc rèn luyện, giáo dục và ảnh hưởng từ bên ngoài đến việc hình thành cá tính cá nhân. Nhưng mỗi người có một cá tính riêng, chỉ có những cái thuộc về “tâm” – thế giới tâm hồn độc đáo mới giúp hình thành một phong cách.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa quan niệm văn học và sáng tác của Cao Bá Quát (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)