Thuyết tính linh thời Minh – Thanh (Viên Mai)

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa quan niệm văn học và sáng tác của Cao Bá Quát (Trang 38 - 43)

5. Cấu trúc của đề tài

2.1.3.Thuyết tính linh thời Minh – Thanh (Viên Mai)

Bước sang thời đại nhà Minh, Lý Chí với thuyết Đồng tâm (trái tim trẻ thơ) rất nổi tiếng, tuy chưa đề cập trực tiếp đến tính linh nhưng bước đầu đề cập yếu tố quan trọng trong thuyết tính linh. Ông chủ chương văn học thể hiện cái “tâm hồn trẻ thơ” (xích tử chi tâm),“đồng tâm” chính là chân thực, chân thực trong tâm, chân thực trong cảm xúc để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị: “kia trái tim trẻ thơ là trái tim chân thực vậy… Nếu để mất trái tim trẻ thơ tức là mất trái tim chân thật và mất

luôn cả người chân thật… Còn như nếu đã lấy cái đạo lý nghe được, thấy được làm cái tâm của mình thì những lời nói ra đều thuộc về cái đạo lý nghe được, thấy được đó mà thôi, không phải là lời nói từ trái tim trẻ thơ. Ngôn từ tuy công phu nhưng đối với ta có ích gì! Há chẳng phải là người nói lời giả, làm việc giả, viết loại văn giả đó sao?... Những áng văn chương hay nhất trong thiên hạ chưa bao giờ lại không nảy sinh ra từ trái tim trẻ thơ cả” [31, tr.106]. Nghĩa là văn học cần viết về “đồng tâm” với bản chất là sự chân thực của tình cảm, xúc cảm tự nhiên của con người, phản đối sự giả tạo, trống rỗng của loại văn đạo lý nho gia.

Cùng với thuyết Đồng tâm của Lý Chí với nội dung đề cao tính tự nhiên, chân thực của cảm xúc thì “tính linh được sử dụng khá nhiều giữa thời Minh (Tiêu Táp, Lý Duy Trinh…) để chỉ tình cảm chân thật của nhà thơ. Từ cái nền chung đó tính linh được đẩy lên thành thuật ngữ, là hạt nhân quan trọng nhất trong lý thuyết thơ của phái Công An” [55, tr.109]. Phái Công An cuối đời Minh đứng đầu là ba anh em họ Viên (Viên Tông Đạo, Viên Hoằng Đạo, Viên Trung Đạo) chủ trương “độc trữ tính linh, bất câu cách sáo” (biểu hiện tính linh của riêng mình, không câu nệ, khuôn sáo). Nội dung thuyết tính linh của phái này là đề cao chân tình, nhấn mạnh việc sáng tác thơ ca thể hiện trực tiếp tâm hồn, bộc lộ tình cảm chân thực của nhà thơ, phản đối việc mô phỏng theo thuyết cách điệu. Theo Nguyễn Thanh Tùng, “sự thịnh hành của thuyết tính linh thời kỳ này có liên quan đến phái Tâm học mà đại biểu là Vương Dương Minh. Họ Vương đề cao chữ “tâm”, gọi nó là “linh minh”… Từ đó, trong phái tâm học một loạt khái niệm tương tự cũng được sử dụng phổ biến như “tinh linh”, “linh cơ”, “linh căn”...” [55, tr.109]. Khái niệm tính linh ở đây là tình cảm, là khả năng nắm bắt và thể hiện tình cảm đó một cách tự nhiên, linh hoạt. Việc sáng tác văn chương thì nhất định phải mô tả tính linh của nhà văn, biểu hiện ở tình cảm chân thực, bộc lộ một cách tự nhiên, phản đối việc bắt chước cổ nhân. Tác phẩm văn học chỉ cần bộc lộ cá tính “chân”, tình cảm “chân”.

Bước sang thời đại nhà Thanh, Viên Mai là đại diện tiêu biểu, người đưa thuyết tính linh lên đến đỉnh cao. Thuyết tính linh của Viên Mai “chịu ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng có màu sắc duy vật và dân chủ cuối Minh đầu Thanh và hầu như chỉ tập trung bàn về những vấn đề của thơ, Viên Mai có điều kiện phát huy

mạnh mẽ những quan điểm hợp lý trong các quan niệm về tính linh của những người đi trước” [50, tr.33]. Chính vì vậy Viên Mai là người đưa thuyết tính linh lên độ hoàn thiện.

Viên Mai hiểu tính linh theo nghĩa tính tình chân thật và khẳng định “thơ là tính tình của con người”. Hai chữ “tính tình” được Viên Mai sử dụng rất nhiều trong quan niệm thơ ca của ông. “Tình” hiểu là tình cảm, trạng thái cảm xúc của con người. “Tính” thường được hiểu theo nghĩa nghiêng về cá tính, màu sắc riêng của người sáng tạo. Về điều này tác giả Nguyễn Kim Châu lý giải như sau: “…nếu tình chủ yếu dùng để chỉ những trạng thái cảm xúc, những hỷ nộ ái ố đời thường ai cũng có, thì tính lại dùng để chỉ bản chất, tính cách được hình thành bởi tâm lý riêng và ổn định chi phối mọi ứng xử của cá nhân, tạo nên sự khác biệt, thậm chí độc đáo đến mức có thể xác định một “cái tôi” không hòa lẫn trong đời sống và trong thơ ca” [44, tr.59]. Trong yếu tố tình ông đã lấy “chân” là giá trị cao nhất của nhân sinh để sáng tác. “Chân” là giá trị chuẩn mực tư tưởng lý luận của ông. Vì thế thơ ca có thể thể hiện sự phá bỏ của đạo đức, chỉ cần tính tình “chân” là tác phẩm có giá trị: “đối với thơ văn của người ta, trước hết phải lấy ý chân thực, như trẻ con rủ đôi bím tóc mà vái chào, tự nhiên thấy đẹp, đeo râu vào, làm bộ lom khom thì sẽ làm cho người ta đâm ghét” [18, tr.33]. Đối với một tác phẩm văn học, ông yêu cầu phải biểu hiện tính tình một cách chân thực nhưng phải có sinh khí từ nội tâm con người. Hay tính linh đòi hỏi thơ ca biểu hiện tính tình chân thực từ người sáng tạo: “thơ để nói lên mối tình của ta, cho nên ta muốn làm gì thì làm, không muốn làm thì thôi… Vì thế ba trăm bài thơ trong Kinh thi nói ra đúng như lòng mình, không ghi họ tên, không để ý gì về việc truyền thơ, cũng không có ý gì về việc người sau truyền lại thơ mình, ôi, sở dĩ thơ rất hay là nhờ đấy chăng?” [18, tr.36]. Việc Viên Mai nhấn mạnh người làm văn chương không mất đi tấm lòng tự nhiên gần với thuyết tâm hồn trẻ thơ của Lý Chí ở trên. Tính tình chân thật không chỉ là ngọn nguồn của thơ mà cũng là nội dung chủ yếu mà thơ ca cần miêu tả.

Viên Mai nhấn mạnh đến sự chân thực của tình cảm, cảm xúc nên ông đứng về phía Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị vì họ “dựng lên một ngọn cờ riêng, chính là ở chỗ họ không theo đuôi khuôn giáo của thịnh Đường” và phê phán Vương Sĩ Trinh

rằng: “Sĩ Trinh cốt ở chỗ trau truốt mà không chú ý vào tính tình, xem ông ta đến chỗ nào cũng làm thơ, trong thơ thế nào cũng dùng điển, đủ tưởng tượng mà biết rằng những điều mừng, giận, buồn, vui của ông ta không chân thật” [18, tr.39]. Ở thời đại của Viên Mai phổ biến quan niệm cách điệu, phục cổ, nệ cổ chú trọng hình thức sáo rỗng mà thiếu tính chân thực của cảm xúc và cá tính theo công thức “văn tất Tiền Hán, thơ tất Thịnh Đường”. Chính vì vậy ông kịch liệt phê phán thuyết cách điệu: “xưa nay những người tài phận thấp kém thường hay nói cách điệu (tức cách luật và âm điệu) mà không hiểu phong thú. Vì sao vậy? Vì cách điệu là một thứ khung rỗng tuếch, còn phong thú thì chuyên miêu tả tính linh của con người… Có tính tình tức có cách luật, cách luật không ngoài ở tính tình” [18, tr.14]. Theo ông, “cách” chỉ là sự hợp quy cách về mặt thể thơ, “điệu” là những vấn đề thuộc gieo vần, thanh điệu còn nội dung quan trọng nhất là chữ tình bên trong đó. Cho nên “ba trăm bài thơ ở Kinh thi, phần nửa đều là câu nói ngôn tình của những người lao khổ hoặc những người đàn bà nhớ thương, buột miệng nói ra, nào có ai bày cách luật cho họ mà những người nghiên cứu cách điệu đời nay có ai vượt được ra ngoài phạm vi ấy không?” [18, tr.15]. Có sự trùng lặp ngẫu nhiên hay cố ý từ Lưu Hiệp, Bạch Cư Dị và Viên Mai trong lý luận của họ ở chỗ đều nêu lên dẫn chứng để ca ngợi thơ ca trong Kinh thi nhưng điểm gặp gỡ giữa họ chính là việc đề cao tình cảm, cảm xúc (ngôn tình) trong đó. Viên Mai mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình rằng “tôi làm thơ vốn không thích dùng điệp vần, họa vần hoặc dùng vần của người xưa vì cho rằng làm thơ cốt tả tính tình”.

Ông đưa ra quan niệm “có tính tình thì sẽ có niêm luật, cách luật, cách luật không nằm ngoài tính tình” muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung (tính tình) hơn hình thức (cách luật). Ông thẳng thắn chỉ ra căn bệnh thơ đương thời: “một là nhồi nhét sách vở, điển cố vào làm cho đầy rẫy hơi chết mà tự khoe là sâu rộng. Hai là lời lẽ chẳng có gì dồi dào, súc tích buột miệng nói ra mà tự khoe là thẳng thắn. Ba là gần đây lại có người nghiên cứu về thanh điệu, khuyên bằng điểm trắc để làm thi phả hoặc là răn chê các thể gọi là “phong yêu, hạc tất hiệp vần, song thanh” để cho nghiêm ngặt rồi hớn hở khoe khoang rằng đó là bí quyết riêng mà mình nắm được” [18, tr.188]. Ông không phủ nhận ý nghĩa học tập từ cổ nhân

nhưng đòi hỏi sự chọn lọc sáng tạo: “người có thể thu nhận được tinh hoa của mọi nhà và nhả ra được cặn bã của họ thì ắt sẽ vứt bỏ được mọi điều xấu”.

Sau sự chân thực tình cảm, cảm xúc Viên mai cho rằng thơ ca cần có sự sáng tạo dựa vào tính cách, cá tính. Đây là một phương diện quan trọng trong thuyết tính linh của Viên Mai. Việc Viên Mai đặc biệt chú trọng tới cá tính được xem như hệ quả của việc nhấn mạnh chân tình. Ông cho rằng “tác thi bất khả dĩ vô ngã” (làm thơ không thể không có cái tôi): “làm thơ không nên không có bản ngã, không có bản ngã thì cái tệ bắt chước, phô diễn sẽ rất lớn, vì thế Hàn Dũ có câu “lời thơ của người xưa tất phải tự mình làm ra”. Tổ Dinh người Bắc Ngụy có nói “làm văn chương phải tự mình làm ra nề nếp, làm thành phong cốt riêng của một nhà, không nên nhờ vả vào người khác” [18, tr.75]. “Bản ngã” theo cách dịch của tác giả Nguyễn Đức Vân là cái tôi với hàm nghĩa chỉ cá tính, sự cảm thụ độc đáo cùng ngôn ngữ mang màu sắc riêng để làm nổi bật phong cách của nhà thơ. Cá tính của mỗi nhà thơ ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến nội dung và phương thức nghệ thuật vì nó tạo nên sự độc đáo cho thơ. Tác giả Nguyễn Khắc Phi cho rằng “luận điểm về cái tôi được đưa ra nhằm phê phán quan điểm phục cổ của Thẩm Đức Tiềm: “tính tình và cảnh ngộ, ai cũng có cái tôi ở trong đó, không thể theo hình dạng cổ nhân mà bắt chước, không thể sợ cổ nhân mà bắt chước theo. Vì thể hiện cái tôi nên văn học hiển nhiên phải có cá tính”[50, tr.33].

Ông quan niệm thơ phải chân thực nhưng cũng phải sống động. Tính linh cần phải chân thực thì cũng cần một sự biểu hiện linh hoạt. Viên Mai nói: “nếu ngòi bút linh hoạt thì việc viết trung, hiếu, tiết, nghĩa vẫn có sinh khí, nếu ngòi bút cứng đờ thì vịnh có cái phòng khuê nhỏ vẫn thiếu tình tứ” tức là phải có sự chân thực của tình, có cá tính của tác giả nhưng rất cần sáng tạo riêng để tạo phong vị tươi mới, phong phú tạo nên bài thơ hay. Ông nói về điều này thật hình tượng: “bàn tay con gấu, bào thai con báo là thức ăn rất quý, nếu mà ăn tươi nuốt sống thì không bằng rau, măng; mẫu đơn, thược dược là loài hoa rất đẹp, nếu cắt giấy ra mà làm thì không bằng hoa quỳ, hoa liễu. Vị ăn cho tươi, phong phú phải cho thật, người ta có biết điều đó sau mới có thể nói đến thơ” [18, tr.23].

Qua những phần đã trình bày ở trên chúng ta thấy rằng lý thuyết tính linh xuất hiện ở Trung Quốc khá sớm. Theo Nguyễn Thanh Tùng “về mặt khái niệm, từ “tính linh” đã xuất hiện từ lâu ở Trung hoa (ít ra là ở trong thiên nhạc chí (thượng) sách Tấn thư… Thuyết tính linh nảy nở ở thời Minh và chín muồi vào thời Thanh” [39, tr.141-142]. Cũng theo tác giả này trích dẫn theo sách Hán ngữ đại từ điển để giải thích về tính linh theo 4 nghĩa: 1. thế giới nội tâm con người chỉ tinh thần, tư tưởng, tình cảm; 2. chỉ tính tình; 3. chỉ trí tuệ, sự thông minh; 4. liên quan đến thuyết tính linh của Viên Hoằng Đạo, Viên Mai. Hai tác giả Trung Quốc là Vương Vận Hy và Cố Dịch Sinh cho rằng tính linh chủ yếu là việc bộc lộ tình cảm chân thực của cá nhân một cách tự nhiên, thú vị, là sự kết hợp của tính tình với sự nhạy cảm (“tính” là tính tình, tình cảm; “linh” ý nói đến sự nhạy cảm). Tác giả Phương Lựu cho tính linh là “tính tình và linh cảm”. Nhìn chung nội dung của thuyết tính linh là đề cao sự chân thực của tình cảm, cảm xúc trong tâm hồn nhà thơ và sự sáng tạo, độc đáo trong phong cách. Nói riêng về thuyết tính linh của Viên Mai, người đưa lý thuyết này hoàn thiện, ông đề cao tính linh là đề cao sự chân thực của tình cảm, cảm xúc; có cá tính và sự sáng tạo của tác giả; phê phán các thuyết thần vận, thuyết cách điệu chủ trương phục cổ, nệ cổ, mô phỏng, chú trọng hình thức mà không liên quan tình cảm người làm văn làm thơ. Lý thuyết này tiếp tục ảnh hưởng đến quan niệm văn học Việt Nam.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa quan niệm văn học và sáng tác của Cao Bá Quát (Trang 38 - 43)