5. Cấu trúc của đề tài
2.1.2. Quan niệm về tính lin hở thời Đường (Bạch Cư Dị)
Đến thời Đường tác giả Bạch Cư Dị (772-846) là tác giả tiêu biểu cho tư tưởng hiện thực và nhân dân (Phương Lựu), nhưng chính ông là người tiếp tục phát triển lý luận về tính linh của Lưu Hiệp ở thời đại trước. Ông nhận thức được “tầm quan trọng hàng đầu của tư tưởng tình cảm tác giả, sự thống nhất biện chứng giữa nội dung và hình thức” [51, tr.72]. Những tư tưởng của ông thể hiện tập trung nhất trong tác phẩm Thư gửi Nguyên Chẩn. Đây được coi là sự đúc kết lý luận về thơ ca của bạch Cư Dị.
Bạch Cư Dị có cùng quan niệm với Lưu Hiệp ở chỗ ông cho rằng tính linh trong thơ ca được hiểu là tính tình, đặc biệt đề cao cảm xúc: “đại phàm con người cảm xúc trước sự việc, tất sẽ xúc động trong tình cảm rồi hứng lên ngâm nga mà hình thành nên thơ ca vậy” (đại phàm nhân chi cảm vu sự, tắc tất động vu tình, nhiên hậu hứng vu ta thán, nhi hình vu ca thi hĩ) [15, tr.23]. Nghĩa là Bạch Cư Dị rất chú ý đến việc thơ phải có cảm xúc, làm thơ xuất phát từ tình cảm vì tình cảm là thứ gợi lên những rung động, sự tương liên giữa các đối tượng: “ trên từ bậc thánh hiền, dưới đến kẻ ngu si, nhỏ bé như lợn cá, thần bí như quỷ thần, chủng loại bất đồng nhưng tinh thần tương tự, hình dạng khác biệt nhưng tình cảm tương thông, không một thứ gì nghe được âm thanh mà không đáp ứng, không một thứ gì tiếp nhận được tình cảm mà không rung động” [51, tr.73]. Thơ xuất phát từ tình cảm thì gợi lên được rung cảm, cảm xúc từ con người đến vạn vật trong thế giới, từ bậc thánh hiền đến người phàm bởi điểm chung không gì ngoài chữ tình. Bạch Cư Dị đánh giá cao chữ tình và giá trị của nó trong thơ.
Ông nêu lên một cách toàn diện và sâu sắc: “cái cảm hóa được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa. Với thơ thì gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa” [51, tr.73]. Bạch Cư Dị nhận thấy điều quan trọng nhất ở chỗ tình cảm là gốc trong sáng tạo thơ (thi giả, căn tình, miêu ngôn, hoa thanh, thực nghĩa...). Nếu coi bài thơ gồm nhiều nhân tố tạo thành thì tình cảm tác động đến tâm hồn con người là gốc, là điều đầu tiên được chú ý rồi đến ngôn ngữ, ý nghĩa. Tuy nhiên đó không thuần túy là những tình cảm hay “cảm
xúc hời hợt bản năng mà là nhận thức, lý trí, bằng tư tưởng đã chín muồi nhuần nhuyễn” [17, tr.92]. Ông nói rõ hơn quan niệm của mình “âm có vần, nghĩa có loại, vần hài hòa thì ngôn ngữ lưu loát thì âm thanh dễ vào, nghĩa loại phân minh thì tình hiện rõ, tình hiện rõ thì dễ lay động lòng người, do đó mà bao hàm được mọi cái to lớn, sâu rộng…” [51, tr.73]. Quan niệm trên gần với quan niệm của tác giả Lê Quý Đôn ở Việt Nam sau này. Dẫu quan niệm về những yếu tố tạo nên thơ giữa hai tác giả có khác biệt nhưng điểm gặp nhau giữa họ là coi tình là gốc của thơ và cần thể hiện nó thật chân thành.
Cũng trong Thư gửi Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị nêu ra tầm quan trọng và khó khăn trong sáng tác thơ ca: “tối tập đọc sách, thỉnh thoảng lại làm thơ, không còn thời gian để nghỉ ngơi. Đến nỗi lưỡi thành ung nhọt, khuỷu tay thành chai, đã lớn mà da dẻ dúm dó, chưa già mà tóc bạc răng long, mắt hoa lên như thấy hàng vạn chấm đen di động tựa ruồi bay. Vì khổ học, cố sức làm văn mà nên nông nỗi ấy, nói lên thấy cũng thấy thật đáng thương”. Sự khó khăn, tinh thần rèn luyện khắc khổ trong sáng tác văn chương được Bạch Cư Dị nói đến như một công việc mang tính khổ hạnh cao. Ông thấy rằng thơ văn không chỉ bắt nguồn từ hiện thực mà còn phải phản ánh chân thực cuộc sống, thâm nhập vào cuộc sống để hiểu nó: “văn khen chê mà không chân thực thì việc khuyên răn cũng sẽ thiếu sót... tuy gọt câu rũa chữ mà nào có ích gì”. Ông đòi hỏi làm thơ không chỉ phản ánh chân thực cuộc sống mà yêu cầu cuộc sống ấy phải được đi qua lăng kính tâm hồn của nhà thơ để tác giả cảm thụ về chính cuộc sống ấy mới là điều sâu sắc. Nhìn chung Bạch Cư Dị quan niệm tính linh chính là việc đề cao tình cảm, cảm xúc chân thật và nhấn mạnh giá trị của tình cảm chân thật trong văn chương có sức mạnh cảm hóa lòng người.