6. Bố cục bài tiểu luận
2.2.1. Sự nghiệp hoạt động ngoại giao của Jawaharlal Nehru
Niềm đam mê của Nehru đối với các hoạt động đối ngoại
Từ sớm, Jawaharlal Nehru đã dành sự quan tâm đặc biệt cho các vấn đề về ngoại giao. Năm 1936, ông được bầu làm chủ tịch Đảng Quốc Đại tại phiên họp Lucknow và bắt đầu thực hiện những nhiệm vụ đầy khó khăn trong quá trình điều hành Quốc hội cũng như hòa giải trật tự lưỡng cực. Vào thời gian này, ông cũng chú ý nhiều đến tình hình chính trị thế giới. Với tư cách là chủ tịch Đảng Quốc Đại, trong năm 1936 đến 1937, ông đã cho thành lập một 'Bộ phận Đối ngoại' trong Ban Bí thư để duy trì liên lạc với các cá nhân, đảng phái ở nước ngoài có xu hướng tán thành đường lối của Ấn Độ. Năm 1937, ông có những chuyến thăm thiện chí tới Miến Điện và Mã Lai. Và vào mùa hè năm 1939, ông đến thăm Ceylon (Sri Lanka) với nỗ lực giảm bớt xích mích giữa những người Ấn Độ di cư và người Sinhalese (người dân bản địa). Năm 1938, trên đường đến châu Âu, Nehru gặp Nahas Pasha, lãnh đạo Đảng Wafd của Ai Cập và cùng thảo luận về cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936 - 1939). Nehru coi đây là cuộc chiến giữa chủ nghĩa dân chủ và chế độ chuyên quyền, đồng thời thể hiện thái độ ủng hộ đối với sự nghiệp đấu tranh vì dân chủ của nhân dân nước bạn. Tháng 8 năm 1939, ông đến thăm Trung Hoa Dân quốc, nhưng phải cắt giảm thời lượng chuyến đi do sự bùng nổ của Thế chiến thứ hai. Có thể thấy, Jawaharlal Nehru vẫn luôn cố gắng tạo dựng mối quan hệ thân thiện với các quốc gia lân cận và trên thế giới. (Anjaria, 2011)
Sau thành công của cuộc đấu tranh giành tự do bằng con đường bất bạo động, Ấn Độ chính thức độc vào ngày 15 tháng 8 năm 1947. Nhiệm vụ to lớn đặt ra lúc bấy giờ là phải làm sao để chèo lái nhà nước non trẻ mới thành lập vượt qua những khó khăn chồng chất. Nhiệm vụ đó thuộc về vị Thủ tướng đầu tiên kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của Ấn Độ mới - Jawaharlal Nehru. Trước mắt, ông cần tìm cách chấn chỉnh lại một Ấn Độ nghèo đói, lạc hậu, bị cô lập sau khoảng thời gian dài chịu đựng sự bóc lột, tàn phá của thực dân Anh. Và với tầm nhìn xa trông rộng, Jawaharlal Nehru không chỉ đưa ra các chính sách
đổi mới cho hoạt động đối nội về chính trị, kinh tế và xã hội; mà còn định hướng rõ ràng về cách thức hợp tác giữa Ấn Độ với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các chiến lược ngoại giao nổi bật do Nehru đề xuất có thể kể đến như là phong trào “Không liên kết”, 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, chính sách kêu gọi đại đoàn kết châu Á,... Những chính sách này đã mang lại cho Ấn Độ nhiều lợi ích trong những năm sau đó.
Đặc điểm các chính sách ngoại giao của Jawaharlal Nehru
Có thể nói tư tưởng và hành động của con người chịu sự tác động nhất định từ các yếu tố lịch sử; văn hóa, truyền thống, đức tin của dân tộc. Ở Ấn Độ, phong trào bất bạo động của Mahatma Gandhi là một ví dụ về việc áp dụng truyền thống yêu chuộng hòa bình vào lĩnh vực chính trị. Đây là con đường đã giúp cho thế giới hiểu rõ về việc thay thế vũ lực bằng đàm phán, thỏa thuận trong đấu tranh và các quan hệ chính trị khác. Gandhi rất đề cao giá trị của quyền con người, phẩm giá cá nhân, và sự bình đẳng xã hội. Kế thừa và phát huy hệ tư tưởng này của Gandhi, J. Nehru đã thành công trong việc vạch ra chiến lược phát triển cho Ấn Độ. Trong tuyên bố tại Hiệp hội phóng viên Liên Hợp Quốc (4/10/1960) ở New York, Nehru nói rằng về cơ bản thì quan điểm của ông bắt nguồn từ những quan điểm cũ mà Gandhi đã để lại. Như vậy, Nehru đã tiếp thu những di sản tinh thần của người đi trước và lựa chọn ủng hộ cho nền hòa bình cũng như các chiến lược ngoại giao hướng đến hòa bình. (Kashyap, 1990, p. 52)
Bên cạnh đó, một môi trường hòa bình là cần thiết để Ấn Độ có thể phát triển kinh tế - xã hội. Trong môi trường chiến tranh và xung đột liên miên, có rất ít cơ hội để Ấn Độ nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài, trừ khi đó là vì mục đích quân sự. Ngược lại, điều mà Ấn Độ mong muốn là sự hỗ trợ về kinh tế, dưới hình thức cho vay và chuyển giao công nghệ. Nehru nhận thấy rằng nền thế giới sẽ không bao giờ thật sự hòa bình nếu vẫn còn sự cạnh tranh quyền lực giữa các siêu cường quốc; đồng thời nếu một số quốc gia vẫn còn là thuộc địa và bị đô hộ, thì khó có thể có hòa bình và hợp tác quốc tế thực sự. Do đó, phi thực dân hóa, tạo dựng kết nối khu vực mà không chịu sự kiểm soát của bất kì khối quân sự nào là điều kiện cần tất yếu để các nước thuộc thế giới thứ ba(Chú thích 1) gìn giữ độc lập và phát triển kinh tế - xã hội. Nehru tin rằng hòa bình là vấn đề của toàn cầu; việc bất ổn định dù ở bất cứ đâu đều có khả năng gây nguy hiểm cho nền độc lập của những nơi khác và dẫn đến xung đột, chiến tranh. Hòa bình là cơ hội bình đẳng cho mọi chủng tộc.
(Kashyap, 1990, p. 54) Điều này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp nước Cộng hòa Ấn Độ, do Quốc hội Lập hiến thông qua vào ngày 26/11/1949 và chính thức có hiệu lực từ ngày 26/01/1950. Hiến pháp đề cập đến sự đảm bảo công lý, quyền tự do, công bằng cho công dân và nỗ lực xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị. (Library of Congress, 2017)
Như vậy, các chiến lược ngoại giao của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Jawaharlal Nehru mang đặc điểm chung là “Hòa bình, trung lập, tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc”. Như một lẽ đương nhiên, đặc điểm này vẫn luôn được kế thừa trong các hoạt động ngoại giao của Ấn Độ từ đó cho đến tận ngày nay.