6. Bố cục bài tiểu luận
2.2.3. “Năm nguyên tắc hòa bình” của Nehru trong mối quan hệ Trung Ấn
Một khía cạnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ cũng được thể hiện rõ qua mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Thủ tướng Jawaharlal xem việc thiết lập tình hữu nghị và hợp tác với quốc gia láng giềng to lớn này là vô cùng cần thiết. Năm 1949, Ấn Độ công nhân sự thành lập của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như tán thành lập trường của Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan, coi Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) là một bộ phận không thể tách rời của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, Ấn Độ cũng lên tiếng ủng hộ quyền lực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Những hành động thiện chí từ phía Ấn Độ là nền tảng cho tình hữu nghị tốt đẹp của hai nước. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn quan hệ hai nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề Tây Tạng. Cụ thể, trong bối cảnh các cuộc tranh chấp dai dẳng về lãnh thổ giữa hai gã khổng lồ ở Châu Á diễn ra liên miên, liên quan đến các vùng đất Aksai Chin và Nam Tây Tạng; tháng 10 năm 1950, Trung Quốc quyết định đưa quân chiếm đóng Tây Tạng. Hành động động này đã khiến căng thẳng giữa hai nước tăng cao. Trước tình hình đó, thủ tướng J. Nehru một mặt thừa nhận Tây Tạng thuộc chủ quyền của Trung Quốc, mặt khác cũng tỏ ý thương lượng với Trung Quốc nhằm giúp Tây Tạng giành được quyền tự trị. Trước thái độ mềm dẻo của Ấn Độ, Trung
Quốc công khai chỉ trích quốc gia này thuận theo chủ nghĩa thực dân chống lại họ và thẳng thừng yêu cầu chia lại đường biên giới McMahon giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Vấn đề này được giải quyết ổn thỏa nhờ một hiệp định ký kết vào ngày 29 tháng 4 năm 1954, về vấn đề thương mại và định về Thương mại và Bưu kiện giữa Ấn Độ và Tây Tạng (thuộc Trung Quốc). Thủ tướng Nehru đã có chuyến đến thăm Bắc Kinh và thiết lập mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, đồng thời chính quyền Bắc Kinh cũng muốn hòa hảo và có được sự công nhận của Ấn Độ về chủ quyền của mình đối với Tây Tạng. Chính vì vậy, thủ tướng Ấn Độ - Jawaharlal Nehru và thủ tướng Trung Quốc - Chu Ân Lai đã cùng đi đến thống nhất năm nguyên tắc chung sống hòa bình (PanchSheel) là cơ sở cho các hoạt động giao lưu giữa hai nước trong bối cảnh vẫn còn tồn tại nhiều xung đột tiềm ẩn.
Theo tiếng Sanskrit, “Panch” có nghĩa là “năm” và “Sheel” có nghĩa là “nguyên tắc”. Vào thập niên 1950, ở Ấn Độ có một câu nói quen thuộc biểu thị mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ là “Chini-Hindi bhai-bhai” có nghĩa là “Trung Quốc và Ấn Độ là anh em”. Năm nguyên tắc chung sống hòa bình (five principles of peaceful co-existence) đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia, được thừa nhận một cách rộng rãi như những chuẩn tắc trong quan hệ quốc tế. Năm nguyên tắc này bao gồm:
1. Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, 2. Không xâm lược lẫn nhau,
3. Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, 4. Bình đẳng và cùng có lợi, và
5. Cùng chung sống hòa bình.
Vào tháng 06 năm 1954, Năm nguyên tắc này cũng được đề cập trong thông cáo chung giữa thủ tướng Chu Ân Lai và Jawaharlal Nehru và được đưa vào nhiều văn kiện quốc tế khác. Thậm chí ngay từ trước đó, PanchSheel đã được pháp điển hòa lần đầu tiên ở phần đề dẫn của Hiệp định 1954 nêu trên, và được được thông qua tại Hội nghị Colombo (4/1954) để trở thành nguyên tắc nền tảng cho Phong trào Không liên kết được chính thức thành lập vào tháng 9/1961 tại Belgrade (Nam Tư cũ). Nehru đã tự hào phát biểu trong buổi hội nghị Colombo rằng: “Nếu những nguyên tắc này được công nhận trong mối quan hệ chung của tất cả các nước, thì thực sự sẽ không có bất kỳ xung đột nào và chắc chắn không có chiến tranh”. Sau đó, 5 nguyên tắc chung sống hòa bình cũng góp
mặt trong tuyên bố của Hội nghị Á-Phi (18 đến 24/4/1955) tại Bandung (Indonesia) và có ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ hữu nghị giữa các nước tham gia. (Nguyễn Thành Trung, Năm nguyên tắc chung sống hòa bình, 2015)
Mặc dù có sự tồn tại của Năm nguyên tắc chung sống hòa bình nhưng khác biệt vẫn còn tồn tại giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước vào năm 1962. Kể từ năm 1953, quan hệ Liên Xô - Trung Quốc dần xuất hiện rạn nứt. Đến năm 1955, chứng kiến quan hệ khăng khít giữa Ấn Độ và Liên Xô qua các cuộc viếng thăm liên tiếp của các lãnh đạo cấp cao hai nước, Trung Quốc nhận thấy đó là mối đe dọa lớn đến vị thế và sức ảnh hưởng của nước này ở châu Á. Điều này khiến Trung Quốc có những thay đổi trong chiến lược ngoại giao với Ấn Độ. Tháng 12/1957, Trung Quốc thiết lập một bản đồ mới nhằm xác định lại đường biên giới với Ấn Độ. Đến tháng 7/1958, thủ tướng Chu Ân Lai chính thức lên tiếng phủ nhận đường biên giới McMahon (chú thích 4) trong gửi thư cho thủ tướng J. Nehru và và đòi quyền làm chủ trên một vùng lãnh thổ rộng khoảng 90.000 km đang thuộc chủ quyền Ấn Độ. Ngày 25/8/1959, với lý do đàn áp cuộc đấu tranh đòi độc lập của Tây tạng, Trung Quốc đem quân lấn sân sang biên giới phía Đông của Ấn Độ. (Lê Thế Cường, 2011, trang 45). Ba tháng sau đó, ngày 7/11/1959, Trung Quốc đẩy mạnh sức ép quân sự, mở con đường chiến lược nối liền Tân Cương với Tây Tạng, cắt qua lãnh thổ Kashmir và sáp nhập một vùng khoảng 36.000 km ở Aksin Chin (ngày nay thuộc Tân cương và Tây Tạng) vào lãnh thổ Trung Quốc. Từ năm 1959 đến 1962, mâu thuẫn biên giới Ấn - Trung căng thẳng đến đỉnh điểm và không còn kiểm soát được nữa. Trong giai đoạn này, hợp tác quân sự và thương mại Xô - Ấn thặt chặt hơn, càng khiến Trung Quốc có cơ sở để cho rằng Liên Xô ủng hộ Ấn Độ và cảm nhận được sự uy hiếp quyền lực sâu sắc. Sau nhiều cuộc hội đàm thất bại, ngày 20/10/1962, Trung Quốc đơn phương phát động cuộc chiến tranh quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới Ấn Độ. Cuộc chiến chỉ mới kéo dài một tháng, Trung Quốc đã tiến sâu vào lãnh thổ Ấn Độ với vị trí cách đường McMahon từ 80km đến 100km. Ngày 21/11/1962, Trung Quốc tuyên bố ngừng bắn và rút về đóng quân tại đường kiểm soát ngày 7/11/1959. Thực tế, với ưu thế về quân sự cùng với sự chủ quan của Nehru về “bức tường thành Himalaya không thể công phá", Trung Quốc giành thắng lợi áp đảo đối với
Ấn Độ. Từ đó, “Đường kiểm soát ngày 7/11/1959” trở thành biên giới thật sự giữa hai nước đến tận ngày nay (Lê Thế Cường, 2011, trang 47).
Mối quan hệ Trung - Ấn vẫn luôn trong tình trạng căng thẳng kể từ cuộc chiến năm 1962. Để đối phó với mối nguy hại lớn từ “gã khổng lồ” phương Bắc, Ấn Độ thực hiện chiến lược tăng cường hợp tác với Liên Xô và dần cải thiện mối quan hệ với Mỹ, đồng thời cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cho quân sự đặc biệt ở những vùng biên giới giáp với Trung Quốc.
Mặc dù không thể duy trì hòa bình lâu dài, song, năm nguyên tắc chung sống hòa bình vẫn được đánh giá là một nền tảng quan trọng cho quan hệ giữa các quốc gia. Tháng 06 năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp định, Thủ tướng Ôn Gia Bảo (nhiệm kỳ 2003 đến 2013) của Trung Quốc đọc diễn văn ca ngợi công lao của Chu Ân Lai và Nehru vì sự đóng góp to lớn của họ cho quan hệ ngoại giao giữa các nước trên thế giới. (Nguyễn Thành Trung, Năm nguyên tắc chung sống hòa bình, 2015)
Nói tóm lại, Jawaharlal Nehru luôn là nhân vật gắn liền với các chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ông chính là vị kiến trúc sư tài ba thiết kế nên chiến lược ngoại giao độc đáo của Ấn Độ, đưa quốc gia này vượt qua giai đoạn khó khăn trong những buổi đầu giành độc lập để tiếp tục phát triển và trở thành một trong những cường quốc có sức ảnh hưởng lớn hiện nay.