3 Số liệu 6 tháng đầu năm 2019 (Bảng tin nợ công số 9)
4.2.2 Hoàn thiện hệ bộ máy quản lý nợ công
Hiện nay, mặc dù Luật quản lý nợ công sửa đổi (2017) đã điều chỉnh bộ máy quản lý nợ công theo hướng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, Luật quản lý nợ công sửa đổi vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong việc tổ chức quản lý nợ công. Vì vậy, Việt Nam vẫn cần tiếp tục khắc phục các hạn chế đó.
Một là, thành lập cơ quan giám sát nợ công độc lập và khách quan trực thuộc Quốc hội. Sự ra đời của cơ quan giám sát nợ công độc lập sẽ giúp việc kiểm soát nợ công trở nên sát sao và chuyên nghiệp hơn, từ đó có những phản ứng kịp thời trước
những biến động liên quan đến nợ công. Các chức năng giám sát quản lý nợ công cần được hợp nhất cho cơ quan giám sát này thay vì để phân tán trong quá nhiều cơ quan khác nhau (Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước). Cơ quan này có thẩm quyền chỉ đạo và giám sát các đơn vị tham gia quản lý nợ công hiện nay và phải có trách nhiệm giải trình một cách công khai tình hình nợ công, đồng thời phát hành và cập nhật báo cáo nợ thường xuyên.
Hai là, phân tách rõ, tránh nhầm lẫn giữa chức năng quản lý nhà nước về nợ công với giám sát nợ công. Chức năng quản lý nhà nước được thể hiện rõ ràng bởi khả năng cho phép, khả năng cấm đoán, khả năng xử phạt, trong khi chức năng giám sát là việc đánh giá, phân tích và đưa ra các khuyến nghị nên nó không cần mang yếu tố quản lý nhà nước. Tuy nhiên, chức năng giám sát lại hết sức quan trọng vì nó là tiền đề, là công cụ để thực hiện việc quản lý nhà nước một cách hiệu quả. Với hoạt động giám sát, cần quy định rõ các cơ quan có thẩm quyền giám sát, nội dung và phương thức giám sát nhằm đảm bảo cho hoạt động giám sát diễn ra hiệu quả.
Ba là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng: phối hợp giữa cơ quan giám sát như Quốc hội, các cơ quan dự báo và cảnh báo như Bộ Kế hoạch và đầu tư, cơ quan điều hành nợ như Bộ Tài chính, các cơ quan quản lý ngành, cơ quan nghiên cứu và các phương tiện thông tin đại chúng.
Bốn là, nâng cao hơn nữa năng lực cán bộ quản lý, giám sát nợ công. Cả cán bộ quản lý và cán bộ giám sát nợ công cần được thường xuyên cập nhật kiến thức, tăng cường năng lực quản lý thông qua đào tạo tại chỗ, đào tạo chuyên sâu trong nước và nước ngoài về chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan, đảm bảo hiệu quả trong công tác tham mưu và xử lý các tình huống phát sinh.