3 Số liệu 6 tháng đầu năm 2019 (Bảng tin nợ công số 9)
4.2.3 Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện quản lý nợ công
4.2.3.1 Giải pháp hoàn thiện quản lý nợ ngoại tệ
Thứ nhất, để hạn chế rủi ro thanh toán cho các khoản nợ ngoại tệ, chính phủ cần thiết lập một cơ chế sao cho khi vay bằng ngoại tệ thì phải có các khoản thu ngoại tệ tương ứng đảm bảo có thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong tương lai. Điều đó đồng nghĩa với việc ngay khi đi vay ngoại tệ, chính phủ ngay lập tức phải lên kế hoạch tạo ra hay phân phối các khoản thu ngoại tệ nhằm mục đích trả nợ. Chính phủ cũng cần có các chính sách khuyến khích hoạt động xuất khẩu vì đây là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của một quốc gia. Song song với đó là việc duy trì dự trữ ngoại hối ở mức hợp lý, điều này không những tạo nền tảng thanh khoản vững chắc cho chính phủ mà còn có tác dụng củng cố lòng tin của các chủ nợ và các nhà đầu tư vào khả năng thanh toán của Việt Nam.
Thứ hai,để hạn chế rủi ro tỷ giá, các cơ quan quản lý nợ của Việt Nam có thể sử dụng các công cụ phái sinh, như hợp đồng kỳ hạn (forwards), hợp đồng quyền chọn (options) trên thị trường giống như cách mà các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn thường dùng để bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Đây là một chiến lược có tính đánh đổi giữa rủi ro và chi phí, bởi các công cụ bảo hiểm sẽ giúp hạn chế tác động của rủi ro nhưng đi kèm với nó cũng là các khoản phí bảo hiểm không nhỏ. Vậy nên, việc đánh giá đúng mực về rủi ro tỷ giá mà chính phủ đang gặp phải để sử dụng bảo hiểm một cách hiệu quả có vai trò quan trọng trong phương án này.
Một cách khác có thể được sử dụng để giảm thiểu rủi ro tỷ giá đó là thiết lập một cơ chế tỷ giá hối đoái cố định hoặc điều chỉnh theo rổ các đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn trong nợ ngoại tệ (giống cơ chế tỷ giá trung tâm đang được NHNN áp dụng). Tuy nhiên, việc duy trì một cơ chế tỷ giá cũng có thể gây tốn kém hoặc ảnh hưởng tới việc theo đuổi các mục tiêu kinh tế khác của chính phủ.
4.2.3.2 Giải pháp quản lý nợ ngắn hạn
Vay ngắn hạn có thể hấp dẫn chính phủ bởi lãi suất thấp hơn so với vay dài hạn, song nó sẽ đem lại rủi ro thanh khoản và rủi ro tái tài trợ.Đây tiếp tục lại là vấn
đề đánh đổi giữa rủi ro và chi phí. Những giải pháp sau đây có thể giúp chính phủ quản lý nợ ngắn hạn hiệu quả hơn:
Thứ nhất, chính phủ có thể làm giảm cả rủi ro tái tài trợ và chi phí vay nợ bằng cách phát hành nợ hợp lý. Cụ thể, từng gói cho vay phải được phát hành theo những phân khúc khác nhau của thị trường trái phiếu, phù hợp với khẩu vị của từng nhóm nhà đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ đang tìm cách dịch chuyển vào phía trong góc tọa độ trong đồ thị đánh đổi chi phí và rủi ro.
Thứ hai, cơ quan quản lý nợ nên nghiên cứu để tìm ra một cơ cấu nợ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tối ưu để đảm bảo phát huy tối đa lợi ích mà nợ đem lại, trên cơ sở kiểm soát rủi ro ở mức độ an toàn. Nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng quá cao sẽ tạo ra áp lực trả nợ hàng năm rất lớn. Khi tỷ lệ nợ ngắn hạn/Tổng nợ công tăng cao, chính phủ cần có kế hoạch giải quyết dứt khoát, tránh để rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Chính phủ cũng cần tránh các phương án giải quyết nợ ngắn hạn thiếu triệt để như vay nợ mới để trả nợ cũ (đảo nợ).
4.2.3.3 Giải pháp quản lý nợ của các doanh nghiệp nhà nước.
Nợ của khu vực DNNN là gánh nặng tiềm ẩn đối với nợ công và cần phải được quản lý chặt chẽ. Sau đây là một số khuyến nghị giúp tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý nợ của các DNNN:
Thứ nhất, Chính phủ cần tăng cường trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của người đại diện vốn nhà nước trong các DNNN bằng các quy định cụ thể. Áp dụng các chuẩn mực tài chính kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với các DNNN.Báo cáo tài chính của các DNNN cũng cần được công khai cho công chúng như các doanh nghiệp niêm yết.Tình hình nợ của các DNNN cần phải được báo cáo thường xuyên để chính phủ có thể đánh giá kịp thời những rủi ro tiềm ẩn đối với nợ công.
Thứ hai, Chính phủ cần đánh giá toàn diện về hiệu quả của các DNNN theo các tiêu chí về doanh thu, lợi nhuận, công nghệ, khả năng tạo việc làm cho nền kinh tế, đóng góp cho ngân sách,… Các tiêu chí này phải được công bố công khai minh bạch, làm cơ sở cho các quyết định hỗ trợ của chính phủ.
Thứ ba, Chính phủ cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể nhằm giảm dần số lượng và tỉ trọng các DNNN thông qua quá trình cổ phần hóa triệt để. Hoạt động cổ phần hóa các DNNN không những giúp ngân sách có một nguồn thu lớn mà còn giúp đào thải bớt các DNNN hoạt động yếu kém, tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân.