Định hướng nâng cao hoạt động môi giới chứng khoán trên thị trường chứng

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán tại công ty cổ phần chứng khoán VPS (Trang 69 - 75)

trường chứng khoán Việt Nam năm 2021.

3.1.1 Bối cảnh trong nước và quốc tế tác động đến hoạt động môi giới của công ty chứng khoán

Tổng quan thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong các năm qua có thể nhận thấy chịu tác động sâu sắc từ những diễn biến phức tạp, đa chiều trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước.

Bối cảnh quốc tế:

Năm 2019, thị trường tài chính quốc tế nói chung và TTCK thế giới nói riêng chịu nhiều tác động trái chiều vừa mang tính tiêu cực, vừa mang tính tích cực. Điển hình như: Sự giằng co trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung; nguy cơ Brexit không đạt được thỏa thuận; những bất ổn về địa chính trị tại một số khu vực và đặc biệt là sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ của các nước lớn trên thế giới… Nếu như, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nguy cơ Brexit không đạt được thỏa thuận cũng như những bất ổn về địa chính trị của một số khu vực trên thế giới năm 2019 được xem là nhân tố tiêu cực tác động đến thị trường tài chính thế giới thì việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ của các nước lớn được đánh giá là nhân tố nâng đỡ TTCK.

Nửa đầu năm 2019, TTCK toàn cầu hầu hết chịu ảnh hưởng tiêu cực của chính sách tiền tệ thắt chặt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và ngân hàng trung ương các nước lớn liên tục tăng lãi suất từ năm 2018. Việc áp dụng chính sách tài chính thắt chặt của các nước lớn trong những năm trước và trong suốt năm 2018 đã dẫn đến xu hướng giảm tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu khi hầu hết các dự báo về mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 đều giảm.

Việc lãi suất đồng USD tăng đã dẫn đến xu hướng rút vốn từ các quỹ đầu tư cổ phiếu để chuyển sang đầu tư vào các quỹ trái phiếu tại Mỹ và các nước lớn. Chính sách tiền tệ thắt chặt khiến giá vốn tăng lên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trong 6 tháng đầu năm hầu hết tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều giảm sút, kéo theo sự giảm sút của TTCK, đặc biệt là thị trường cổ phiếu thế giới.

So với cuối năm 2018, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/12/2019, trên TTCK Mỹ, chỉ số DowJones 30 đạt 28.276,2 điểm - mức cao kỷ lục trong lịch sử và tăng 21,2%, chỉ số S&P500 của Mỹ đạt 3.192,5 điểm, tăng 27,35%; trên TTCK châu Âu, chỉ số Euro Stoxx 50 đạt 3.749,62 điểm, tăng 22,74%, trên thị trường Nhật Bản chỉ số Nikkei 225 đạt 23.934,43 điểm, tăng 11,57%. Do độ mở cửa nền kinh tế ngày càng lớn, mức độ phụ thuộc của thị trường tài chính Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng với thị trường thế giới ngày càng cao, nên việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ của các nước cũng là một trong những nhân tố gián tiếp giúp TTCK Việt Nam trong 6 tháng cuối năm có xu hướng phục hồi tích cực hơn 6 tháng đầu năm 2019.

Năm 2020 có thể coi là một năm khó khăn, thị trường tài chính quốc tế nói chung và TTCK thế giới nói riêng phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng âm tại hầu hết các nước và suy thoái trầm trọng nhất kể từ đại khủng hoảng những năm 30 thế kỷ 20 do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến giá dầu giảm mạnh (giá dầu đầu năm 2020 là 61,17 USD/thùng dầu thô nhưng đến 20/4/2019, giá dầu ngọt nhẹ của hợp đồng tương lai tháng năm giảm xuống mức thấp kỷ lục -40,32 USD/thùng), chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giao thương ngừng trệ.

Dưới những tác động tiêu cực trên, năm 2020 cũng là năm ghi nhận sự biến động bất thường của thị trường chứng khoán thế giới. Trong những tháng đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid 19 bùng phát và lan ra toàn cầu, thị trường chứng khoán đã có sự sụt giảm nghiêm trọng.

Để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, các nước đã buộc phải áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng, thông qua các gói hỗi trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỷ USD (Nhật công bố 3 gói kích thích kinh tế lên tới 2.410 tỷ USD, EU đưa ra Quỹ phục hồi trị giá 860 tỷ USD), thực hiện cắt giảm lãi suất và tăng cung tiền của hầu hết các ngân hàng trung ương các nước (theo Quỹ tiền tệ Quốc tế - IMF, tính đến hết tháng 9/2020, tổng quy mô các gói kích thích kinh tế của chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đã công bố lần lượt là 12.000 tỷ USD và 7.500 tỷ USD). Trong năm có tổng cộng 190 lần lãi suất được cắt giảm trên toàn thế giới.

Đây là những nhân tố tác động trực tiếp đến tăng trưởng toàn cầu và các dòng vốn quốc tế cũng như sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán thế giới năm 2020. Nhờ có dòng vốn rẻ, thị trường chứng khoán thế giới đã có bước tăng trưởng ngoạn mục trở lại trong 6 tháng cuối năm 2020 và nhiều thị trường

đạt mức tăng kỷ lục. Chính những tác động của thị trường chứng khoán thế giới những năm vừa rồi đã ảnh hưởng rất lớn đến TTCK Việt Nam.

Bối cảnh Việt Nam

Cùng xu hướng biến động với thị trường chứng khoán thế giới, trong những tháng đầu năm thị trường chứng khoán đã có sự sụt giảm nghiêm trọng và đã xuống điểm đáy khi chỉ số Vn - Index từ xấp xỉ 1.000 điểm cuối năm 2019 xuống chỉ còn 659,21 điểm trong ngày 23/3/2020.

Trên thị trường chứng khoán cơ sở, tại ngày 31/12/2020, chỉ số VN-Index đạt 1.103,87 điểm, tăng 14,9% so với cuối năm 2019 và tăng 67,5% so với thời điểm thị trường xuống đáy ngày 23/3/2020; chỉ số HNX-Index đạt 203,4 điểm, tăng 98,15% so với cuối năm 2019 và phục hồi tới 117,8% so với mức đáy là 93,82 điểm ngày 30/3/2020. UPCOM-Index cũng chốt ở mức 74,45 điểm, tăng hơn 31,6%.

Điều đáng nói là số nhà đầu tư mới, đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước tham gia thị trường tăng kỷ lục khiến năm 2020 trở thành năm của dòng vốn nội.

Năm 2015, tổng số tài khoản của nhà đầu tư là 1,56 triệu tài khoản, đến năm 2019 đạt 2,37 triệu tài khoản tăng 810 nghìn tài khoản so với năm 2015. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong và ngoài nước đã lên đến 2,77 triệu tài khoản, tăng gần 400 nghìn tài khoản so với năm 2019. Như vậy, chỉ trong trong năm 2020, số lượng tài khoản mở mới đã gần bằng một nửa tổng số lượng tài khoản mở mới của cả giai đoạn 2015-2019.

Trong số 400 nghìn tài khoản mở mới trong năm 2020 chỉ có khoảng 2.856 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy sự gia tăng các nhà đầu tư mới - đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước đã góp phần quan trọng giúp thị trường chứng khoán Viêt Nam khôi phục nhanh và mạnh bằng chính nội lực của mình trong bối cảnh khối ngoại bán ròng liên tục do tác động của covid 19.

Chính những tác động này của nền tài chính quốc tế và Việt Nam đã làm thay đổi rất nhiều bộ mặt của hầu hết các công ty chứng khoán tại Việt Nam.

Chứng khoán SSI, công ty đứng đầu về quy mô vốn điều lệ đồng thời cũng đang nắm giữ thị phần môi giới số 1 trên sàn HoSE, báo lãi cao gấp rưỡi cùng kỳ với 1.566 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Môi trường lãi suất thấp cùng với sự phục hồi của kinh tế trên diện rộng trong nửa sau của năm là động lực chính kéo dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Hàng loạt kỷ lục đã được thiết lập, từ thanh khoản lên tới 14.800 tỷ đồng giá trị giao dịch bình quân phiên đến 63.629 tài khoản mở mới chỉ riêng trong tháng 12/2020. Hai công ty đầu về thị phần trên sàn HoSE là Chứng khoán SSI và HSC ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu môi giới lần lượt 37% và gần 29%.

Không riêng mảng này, hoạt động tự doanh tiếp tục giúp nhiều công ty chứng khoán ghi nhận khoản “hời” lớn, đặc biệt nhờ các giao dịch mua bán chứng khoán hoặc định giá lại tài sản tài chính. Xu hướng tăng của thị trường chứng khoán đã giúp thu nhập tự doanh trong 9 tháng đầu năm tại các công ty chứng khoán tăng 62,3% so với cùng kỳ và bù đắp được các khoản lỗ khi thị trường rơi sâu hồi quý I đầu năm.

Doanh thu môi giới tăng nóng trong năm 2020 nhưng đồng thời cũng có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty chứng khoán. Nhóm 10 công ty chứng khoán đạt thị phần lớn nhất trên sàn HoSE dành được tổng cộng 64,5% thị phần, nhiều hơn gần 2% so với thời điểm một năm trước. Cùng đó, dù hai vị trí đầu về thị phần vẫn không đổi chủ nhưng tỷ lệ phần trăm thị trường do SSI và HSC nắm giữ đều giảm mạnh. Các thứ hạng phía sau cũng ghi nhận thay đổi đáng kể. Tăng trưởng doanh thu môi giới của BSC đạt tới 68%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng của hai công ty chứng khoán này.

Thị phần môi giới chứng khoán chuyển dịch nhiều hơn sang các công ty tập trung vào mảng môi giới bán lẻ như VPS, Vndirect, MBS, BSC, Mirae Asset... Các sản phẩm cung cấp ra thị trường mức phí hấp dẫn và lãi suất cho vay ký quỹ (margin) thấp, đồng thời, có nhiều hơn sản phẩm chứng khoán có thu nhập cố định. Mặt bằng lãi suất giảm cùng áp lực cạnh tranh về giá cũng khiến các công ty chứng khoán phải thay đổi chiến lược với khá nhiều chương trình ưu đãi lãi suất được tung ra.

3.1.2 Yếu tố phát triển chung của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020

Năm 2020 có thể coi là một năm khó khăn, thị trường tài chính quốc tế nói chung và TTCK thế giới nói riêng phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng âm tại hầu hết các nước và suy thoái trầm trọng nhất kể từ đại khủng hoảng những năm 30 thế kỷ 20 do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giao thương ngừng trệ.

Dưới những tác động tiêu cực trên, năm 2020 cũng là năm ghi nhận sự biến động bất thường của thị trường chứng khoán thế giới. Trong những tháng đầu năm 2020, khi

dịch bệnh Covid 19 bùng phát và lan ra toàn cầu, thị trường chứng khoán đã có sự sụt giảm nghiêm trọng. Có thể nói, sự phục hồi mạnh mẽ chưa từng có của thị trường trong năm 2020 là do các nhân tố sau:

Thứ nhất, chủ trương thực hiện mục tiêu kép vừa kiềm chế dịch bệnh vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cùng với việc giữ vững ổn định vĩ mô, đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và các biện pháp chống dịch quyết liệt và hỗ trợ kinh tế hiệu quả đã giúp Viêt Nam trở thành một trong rất ít nền kinh tế có được mức tăng trưởng dương trong năm 2020 với mức tăng trưởng là 2,91%.

Trong bối cảnh dịch bệnh được kiềm chế, việc duy trì tốc độ tăng trưởng, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng tăng, lạm phát, tỷ giá lãi suất được kiểm soát trong vùng mục tiêu và thăng dư thương mại tăng cao kỷ lục chính là những nền tảng hỗ trợ cho tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm 2020.

Thứ hai, việc áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng là một trong những nhân tố quan trọng đã góp phần thúc đầy các dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020. Trong năm qua, nhiều biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kích thích tiêu dùng như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí; miễn giảm phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán; thực thi các gói hỗ trợ kinh tế nhằm cung cấp các khoản trợ cấp cho cá nhân, hộ gia đình, đẩy mạnh các chương trình đầu tư công và cắt giảm lãi suất của Chính phủ đã được thực thi.

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần cắt giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn (1,5-2%/năm) và là một trong số các quốc gia có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực, giảm 0,6-1%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng, đặc biệt là chính sách cắt giảm lãi suất của NHNN đã giúp kinh tế phục hồi và thu hút các dòng vốn đầu tư liên tục đổ vào thị trường chứng khoán dẫn đến thanh khoản thị trường tăng cao trong những tháng cuối năm, giúp thị trường phục hồi vững vàng.

Tính riêng trong quý IV/2020, giá trị giao dịch bình quân thị trường cổ phiếu là 11.593 tỷ đồng/phiên, tăng 2,5 lần so với quý I/2020 và đạt mức kỷ lục kể từ khi thành

lập thị trường tới nay. Thanh khoản trên thị trường trái phiếu tiếp tục tăng trưởng mạnh, bình quân đạt trên 10.393 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với năm 2019.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, giao dịch hợp đồng tương lai cũng sôi động, thanh khoản tăng gần 80% so với năm 2019.

Thứ ba, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, cơ quan quản lý nhà nước (UBCK) đã thực thi nhiều biện pháp ứng phó và đã đem lại kết quả khả quan, cụ thể:

(i) Kiên trì chính sách không can thiệp hành chính vào thị trường, chuẩn bị tốt trước mọi tình huống và thực thi các giải pháp kịp thời giúp thị trường hoạt động ổn định

(ii) Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán thông qua triển khai 3 nghị định và 11 thông tư hướng dẫn Luật chứng khoán năm 2019 nhằm tạo khung pháp lý quan trọng cho thị trường vận hành an toàn, minh bạch và hiệu quả

(iii) Tái cấu trúc mạnh mẽ các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tăng cường công tác giám sát, và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán

(iv) Nhận sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng thế giới về nâng hạng thị trường trong khuôn khổ chương trình phát triển thị trường vốn J-CAP. Kết quả là FTSE

Rusell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách chờ xét hạng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Các giải pháp trên đã và đang góp phần tích cực để thị trường phát triển ổn định, bền vững, tạo dựng lòng tin cho nhà đầu tư nhằm thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường.

Thứ tư, tiềm lực doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch (ĐKGD) ngày càng tăng cao và có khả năng chống chịu tốt trước dịch bệnh Covid-19.

Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty niêm yết/ĐKGD, trong đó lợi nhuận của các công ty này bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy vậy nhờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp niêm yết/ĐKGD vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, số lượng công ty báo lãi chiếm 84% tổng số công ty thực hiện báo cáo trong quý III/2020. Đây là nhân tố giúp củng cố niềm tin, kỳ vọng của nhà đầu tư trên thị trường và góp phần không nhỏ vào việc thu hút nhà đầu tư mới tham gia thị trường trong năm 2020.

Có thể nói, 4 nhân tố trên đây chính là 4 trụ cột quan trọng đã nâng đỡ và hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua khó khăn thách thức và tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2020.

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán tại công ty cổ phần chứng khoán VPS (Trang 69 - 75)