Bên cạnh các giải pháp pháp lý, để hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường cần kết hợp giải pháp pháp lý với các giải pháp sau:
Thứ nhất, chú trọng phát triển nguồn nhân lực thực hiện chức năng
quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và khai thác khoáng sản.
Như đã phân tích ở trên, hiện nay lực lượng quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản của nước ta vẫn còn thiếu và yếu. Vì vậy, trong thời gian tới nhất định phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và khai thác khoáng sản. Tôi xin kiến nghị một số hoạt động như:
- Tăng biên chế cán bộ quản lý môi trường đảm bảo đáp ứng được yêu cầu công tác, đặc biệt là cán bộ môi trường chuyên trách cấp xã. Công tác tuyển chọn cần tiến hành khách quan, chặt chẽ để tuyển chọn được những nguồn nhân lực có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Sử dụng nhiều phương thức để kiểm tra, đánh giá năng lực cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Kết hợp bồi dưỡng cả năng lực chuyên môn với phẩm chất đạo đức cho cán bộ.
- Cần nhanh chóng soạn thảo, ban hành và thực hiện đề án “Xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý, khoa học và trình độ cao” – một trong 18 nhiệm vụ Thủ Tướng giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và đồng chủ trì thực hiện tại Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2011.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo
vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản đã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, thực trạng thực thi pháp luật đã phân tích ở trên cho thấy ý thức pháp luật của cộng đồng dân cư vẫn chưa cao và chưa có sự đồng đều. Do đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản nói riêng thông qua nhiều hình thức, quy mô và hướng tới những đối tượng khác nhau, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân tiến
hành khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có khoáng sản được khai thác
Thứ ba, xây dựng và công bố các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ
sở, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường và khoáng sản.
Công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản sẽ được tăng cường nếu như các chủ thể tuân theo những giới hạn về môi trường, về thiết bị kỹ thuật, phương pháp khai thác. Vì vậy, thiết nghĩ bên cạnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền cần ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia để các chủ thể tự nguyện áp dụng. Đồng thời, các địa phương cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương để cụ thể hóa các quy chuẩn bắt buộc chung của cả nước phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Đồng thời, các tổ chức, doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng cần ban hành những tiêu chuẩn cơ sở để áp dụng trong phạm vi doanh nghiệp. Tin rằng, nếu có các “giới hạn” về môi trường, về các yếu tố trong quá trình khai thác khoáng sản(có tác động đến môi trường) thì công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và sẽ được thực hiện hiệu quả hơn và hạn chế được những trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Thứ tư, lập quy hoạch khoáng sản khả thi hơn. Các cơ quan quản lý
nhà nước có thẩm quyền cần dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững: đảm bảo kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế với sự ổn định chính trị và bảo vệ môi trường. Quy hoạch khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm được tính dự báo, tính ổn định, lập quy hoạch phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược nghiêm túc để định hướng cho công tác khai thác khoáng sản.
Thứ năm, cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản chặt
chẽ. Từ năm 2005 đến năm 2012, các địa phương đã cấp phép khai thác khoáng sản một cách tràn lan, thiếu khoa học, gây nên những hệ lụy không
nhỏ cho kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường và kiểm soát chặt chẽ việc cấp, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản. Cần thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đề án cải tạo, phục hồi môi trường kỹ lưỡng hơn để đảm bảo cấp phép hợp lý.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả hoat động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi
phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản
Các cơ quan có thẩm quyền phải tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện kịp thời và xử lý vi phạm pháp luật triệt để hơn.
Trong công tác xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cần tăng cường sự tham gia của người dân, nhất là trong việc tố giác vi phạm pháp luật môi trường: thông qua các đường dây nóng, các hòm thư, các nhân mối thường xuyên liên lạc.
Cần tăng cường công khai các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong họat động khai thác khoáng sản để cộng đồng được biết nhằm tăng tính răn đe. Hiện nay, trên website của Cục Cảnh sát Môi trường đã có mục công khai các trường hợp vi phạm pháp luật. Thiết nghĩ, trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản nên có nội dung công khai vi phạm pháp luật môi trường (chia theo lĩnh vực bị vi phạm). Đồng thời quán triệt cho các Phòng Tài nguyên và Môi trường đều phải xây dựng website để công khai các trường hợp vi phạm trên địa bàn.
Thứ bảy, đảm bảo nguồn tài chính để bảo vệ môi trường trong hoạt
động khai thác khoáng sản
Có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và cơ quan thuế trong việc thông tin về đối tượng có nghĩa vụ tài chính về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, trong việc thu và chuyển giao các khoản thu
Cần có cơ chế giám sát minh bạch, hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng nguồn thu nhằm bảo vệ môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản. Tham gia “sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng – EITI” là một biện pháp giúp thực hiện nhiệm vụ này.
(http://dddn.com.vn/hoat-dong-vcci/quan-tri-tai-nguyen-khoang-san- viet-nam-dang-o-dau-20131008121236799.htm
Nâng cao hiệu quả của quỹ bảo vệ môi trường quốc gia và quỹ bảo vệ môi trường địa phương. Khuyến khích các ngành lập quỹ bảo vệ môi trường của ngành đặc biệt là đối với các loại khoáng sản có khả năng gây ô nhiễm cao khi khai thác như bô xít, titan…
Hiện nay, ở một số quốc gia đã có bảo hiểm môi trường, thiết nghĩ trong thời gian tới, nước ta cũng nên sớm có chế độ bảo hiểm môi trường nhằm đảm bảo và đa dạng hóa nguồn lực tài chính để bảo vệ môi trường
Tăng cường thu hút các dự án, khoản viện trợ về môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản nói riêng; có kế hoạch phân bổ các dự án đầu tư về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản hợp lý
Thứ tám, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trong hoạt
động khai thác khoáng sản
Công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản cần sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và của tất cả cộng đồng. Vì vậy, cần thiết phải xã hội hóa công tác khai thác khoáng sản, đặc biệt là thu hút sự tham gia của cộng đồng thông qua các hình thức như:
- Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến của công chúng trước khi quyết định những vấn đề quan trọng về khai thác khoáng sản như quy hoạch khoáng sản, quyết định các dự án lớn.
- Tăng cường sự tham gia của công chúng trong việc tố giác vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thông qua đường dây nóng, hòm thư, diễn
đàn điện tử.
- Tăng cường khen thưởng các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có trách nhiệm xã hội cao
- Kết hợp sự tham gia của các bên trong công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản như: kêu gọi các tổ chức tín dụng đưa nội dung “khả năng bảo vệ môi trường” vào nội dung thẩm định cấp tín dụng cho các dự án khai thác khoáng sản nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ thể khai thác khoáng sản
Thứ chín, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để bảo
vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Như đã phân tích ở các nội dung trước, khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản nói riêng. Do đó, cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp khai khoáng đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác. Cần nghiên cứu để có giải pháp xử lý chất thải từ khai thác khoáng sản hợp lý nhằm bảo vệ môi trường như xây dựng nhà máy xử lý chất thải, nghiên cứu công nghệ và xây dựng nhà máy để sử dụng công nghệ geopolime, tạo ra những vật liệu mới phục vụ con người từ bùn đỏ. Bùn đỏ trở thành nguyên liệu cho các tổ hợp sản xuất tiếp theo và hàng triệu lít xút được lấy ra từ bùn đỏ bằng ly tâm sẽ trở thành nguyên liệu phục vụ cho con người.
(http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?
tabid=428&CateID=39&ID=130513&Code=FCSR130513)
Cuối cùng, tăng cường hợp tác và học hỏi kinh nghiệm quốc tế về bảo
vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Hiện nay, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là một xu thế tất yếu. Trên thế giới có nhiều quốc gia như Chile, Botswana, Na Uy, Malaysia đã quản lý tốt và cân bằng được mối quan hệ giữa khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường. Do đó, Việt Nam cũng cần tăng cường
hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để áp dụng một cách linh hoạt vào điều kiện nước ta. Trước mắt, cần tham gia “sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng – EITI” và nhóm Hiến chương tài nguyên để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường
(http://dddn.com.vn/hoat-dong-vcci/quan-tri-tai-nguyen-khoang- san-viet-nam-dang-o-dau-20131008121236799.htm)