Để hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, không thể không thực hiện các giải pháp pháp lý. Bao gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định pháp luật về quy hoạch khoáng sản và
bảo vệ môi trường:
i) Ban hành quy định hướng dẫn việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong pháp luật và thực tiễn áp dụng. Từ đó sớm xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước
ii)Cần sớm xây dựng và ban hành quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường. Các quy hoạch như quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; quy hoạch đô thị; quy hoạch đất đai đã quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường tuy nhiên vấn đề bảo vệ môi trường trong những quy hoạch này chỉ là thứ yếu. Với thực tế môi trường như hiện nay, cũng như đòi hỏi phát triển bền vững, thiết nghĩ cần sớm ban hành quy định về việc lập quy hoạch bảo vệ môi trường.
Thứ hai, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Tài
nguyên và Môi trường cần tăng cường phối hợp xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đối với các loại khoáng sản cũng như quy chuẩn
kỹ thuật môi trường quốc gia trong khai thác khoáng sản. Đây là việc làm hết sức cần thiết, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản: tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải triệt để tuân thủ quy chuẩn quốc gia trong việc sử dụng máy móc, thiết bị, trong quá trình khai đào, phân loại, làm giàu khoáng sản, trong việc xả thải, gây tiếng ồn, …; cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để đánh giá, kiểm tra hoạt động của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; cộng đồng dân cư căn cứ vào các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để xem xét, xác định độ an toàn trong môi trường nơi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Thứ ba, cần hoàn thiện quy định pháp luật về đánh giá tác động môi
trường, cam kết bảo vệ môi trường theo hướng:
i) Quy định đối thoại giữa chính quyền cấp xã, chủ dự án và cộng đồng dân cư là hoạt động bắt buộc của việc tham vấn cộng đồng trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vì có như vậy, người dân mới thật sự thể hiện được tâm tư, nguyện vọng trực tiếp với chủ dự án và chính quyền địa phương về dự án. Đồng thời, quy định cơ chế đối thoại, xác thực thông tin do chủ dự án đưa ra để đảm bảo công tác đối thoại trong quá trình tham vấn được thực hiện hiệu quả.
ii)Cần sửa đổi quy định về thành phần hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo hướng: Hội đồng thẩm định gồm Chủ tịch Hội đồng (có thể có Phó Chủ tịch hội đồng), Ủy viên thư ký, các Ủy viên phản biện bằng các Ủy viên khác để đảm bảo và tăng cường tính khách quan, công bằng trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
iii) Cần quy định theo hướng kéo dài hơn thời gian tham vấn đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường để đảm bảo người được tham vấn có điều kiện nghiên cứu, cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định. Cụ thể, tôi kiến nghị thời gian trên nên là 30 ngày.
iv) Cần sửa đổi quy định về thời gian trả lời bản cam kết đánh giá tác động môi trường theo hướng: thời gian trả lời cam kết bảo vệ môi trường là 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trường hợp phức tạp có thể gia hạn thêm 3 ngày. Quy định thời gian như trên sẽ tạo điều kiện cho chủ thể có thẩm quyền xem xét kỹ càng hơn các nội dung của bản cam kết bảo vệ môi trường trong của các chủ thể khai thác khoáng sản.
Thứ tư, hoàn thiện quy định về cải tạo, phục hồi môi trường và ký
quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản i) Cần hoàn thiện quy định về phương thức ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng lấy thời gian ký quỹ làm tiêu chí phân định trường hợp ký quỹ một lần hoặc được quyền ký quỹ nhiều lần để đảm bảo công bằng giữa các tổ chức, cá nhân mới được cấp phép khai thác khoáng sản và các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa tiến hành ký quỹ. Đồng thời, quy định phương thức ký quỹ những lần sau chặt chẽ hơn. Tôi xin đưa ra kiến nghị cụ thể:
“ Điều… Phương thức ký quỹ
1. Trường hợp thời gian ký quỹ dưới 03(ba) năm, phải thực hiện ký quỹ một lần. Mức ký quỹ bằng 100% (một trăm phần trăm) số tiền được phê duyệt.
2. Trường hợp thời gian ký quỹ từ 03(ba) năm trở lên thì tổ chức, cá nhân có được phép lựa chọn ký quỹ một lần hoặc nhiều lần. Trường hợp ký quỹ nhiều lần thì thực hiện như sau:
a) Số tiền ký quỹ lần đầu:
- Thời gian ký quỹ dưới 10 (mười) năm thì mức ký quỹ lần đầu bằng 25% (hai mươi lăm phần trăm) tổng số tiền ký quỹ;
- Thời gian ký quỹ từ 10 (mười) năm đến dưới 20 (hai mươi) năm thì mức ký quỹ lần đầu bằng 20% (hai mươi phần trăm) tổng số tiền ký quỹ;
- Thời gian ký quỹ từ 20 (hai mươi) năm trở lên thì mức ký quỹ lần đầu bằng 15% (mười lăm phần trăm) tổng số tiền ký quỹ.
b) Số tiền ký quỹ những lần sau được tính bằng tổng số tiền ký quỹ trừ đi số tiền ký quỹ lần đầu, chia đều cho các năm còn lại của thời gian ký quỹ và nộp mỗi năm một lần kể từ năm thứ hai của thời gian ký quỹ”
ii) Cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Quyết định về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản để quy định cụ thể về: hình thức, cấu trúc, nội dung Đề án cải tạo, phục hồi môi trường; đề án bổ sung; hội đồng thẩm định đề án; đề án bổ sung và nguyên tắc thẩm định của Hội đồng thẩm định; làm rõ mối quan hệ giữa báo đề án cải tạo, phục hồi môi trường (đề án bổ sung) với cáo đánh giá tác động môi trường và đề án đóng cửa mỏ.
Thứ năm, hoàn thiện quy định về hệ thống chế tài đối với vi phạm
pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
Hiện nay, Nghị định được ban hành đã khắc phục được những hạn chế trong quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khait thác khoáng sản. Tuy nhiên, cần hoàn thiện quy định đối với chế tài dân sự và chế tài hình sự để xử lý triệt để, nghiêm Minh vi phạm pháp luật. Cụ thể:
Hướng dẫn chi tiết về việc xác định thiệt hại do suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường gây ra trong hoạt động khai thác khoáng sản để có cơ sở khoa học và pháp lý đầy đủ trong việc đòi bồi thường thiệt hại, bảo vệ được quyền lợi của người bị xâm phạm. Đồng thời, Ban hành văn bản QPPL hướng dẫn đánh giá, xác định mức độ “hậu quả nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng” để có căn cứ xử lý hình sự.