5. Kết cấu đề tài:
2.2.3. Phát triển bền vững về nguồn tài nguyên và môi trường
* Tài nguyên đất đai
Hiện nay, tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện là 9.382,33ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 6.524,07ha, chiếm 69,5% diện tích đất tự nhiên của huyện và 10,52% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Diễn biến sử dụng đất nông nghiệp ở Phù Cừ cụ thể như sau:
Bảng 2.12: Diễn biến sử dụng đất nông nghiệp huyện Phù Cừ
Đơn vị tính: ha
2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 Tổng diện tích 9.382,33 9.382,33 9.382,33 9.382,33 9.382,33 9.382,33 9.382,33 Diện tích đất nông nghiệp 6.549,25 6.547,75 6.547,75 6.527,39 6.525,79 6.524,39 6.524,07 1. Đất trồng trọt 5.880,15 5.832,4 5.805,17 5.721,30 5.719,70 5.718,30 5.692,65 - Đất trồng cây hàng năm 5.799,2 5.751,2 5.723,15 5.433,53 5.431,89 5.430,49 5.404,84 + Lúa 5.541,2 5.493,2 5.464,48 5.177,68 5.176,04 5.174,64 5.149,05 + Cây hàng năm khác 258 258 258,67 255,85 255,85 255,85 255,79 - Đất trồng cây lâu năm 80,95 81,2 82,02 287,77 287,81 287,81 287,81 + Cây ăn quả 5,35 6,1 7,75 217,70 214,44 214,44 214,44 + Cây lâu năm khác 75,6 75,1 74,27 70,07 73,37 73,37 73,37 2. Đất chăn nuôi 669,1 715,35 742,58 804,10 804,10 804,10 804,07 - Đất chăn nuôi gia súc, gia cầm 499,8 503,5 507,7 568,05 572,33 572,33 573,05 - Đất có mặt nước để chăn nuôi
thủy sản 169,3 211,85 234,88 236,05 231,77 231,77 231,02 3. Đất nông nghiệp khác 0 0 0 1,99 1,99 1,99 27,35
(Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Cừ năm 2012)
Đất nông nghiệp chiếm 69,5% diện tích đất tự nhiên của toàn huyện trong đó chia ra cụ thể như sau:
- Đất trồng trọt là 5.692,65ha chiếm 87,25% diện tích đất nông nghiệp; bao gồm: đất trồng cây hàng năm (lúa, cây hàng năm khác) là 5.404,84ha bằng 82,84%, đất trồng cây lâu năm (cây ăn quả, các loại cây lâu năm khác) là 287,81ha bằng 4,41%.
- Đất chăn nuôi là 804,07ha chiếm 12,33% diện tích đất nông nghiệp; bao gồm: đất chăn nuôi gia súc, gia cầm là 573,05ha bằng 8,78%, đất có mặt nước để chăn nuôi thủy sản là 3,55%.
Ngoài ra các loại đất nông nghiệp khác hiện nay còn 27,35ha bằng 0,42% diện tích đất nông nghiệp của toàn huyện.
Qua các số liệu được phân tích ở bảng 2.12 ta thấy hàng năm diện tích đất nông nghiệp có bị thu hẹp lại nhưng rất nhỏ, giai đoạn 2006 – 2010 có biến động tuy nhiên sự biến động cũng không lớn; đặc biệt từ năm 2010 trở đi sự thu hẹp lại là không đáng kể. Từ đó, cho thấy rằng huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đã có những bước chuyển biến trong việc quan tâm đến sản xuất bền vững nông nghiệp, trước mắt là giữ nguyên được hiện trạng diện tích đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Qua phân tích cho thấy, trong những năm gần đây Phù Cừ đã làm tốt công tác quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đã được hạn chế tối đa; một số công trình chuyển đổi đã được kiểm soát chặt chẽ theo đúng Luật đất đai và theo quy hoạch, kế hoạch đã được tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó huyện cũng đã có cơ chế khuyến khích để các hộ nông dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Đối với Phù Cừ, diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là dành cho trồng lúa, vì vậy việc khai thác và sử
dụng đất một cách hiệu quả mà huyện đã áp dụng đó là tích cực thực hiện thâm canh tăng vụ, sử dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bón phân cân đối, sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân hóa học... làm tăng năng suất, giảm chi phí các yếu tố đầu vào và tạo ra giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích cao hơn.
Công tác bảo vệ tài nguyên đất được thực hiện nghiêm ngặt, hàng năm Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đều tiến hành kiểm kê đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, trạm khuyến nông của huyện cũng đã tích cực hướng dẫn, tập huấn cho nông dân các kỹ thuật canh tác có hiệu quả, tránh làm đất bạc màu; khuyến khích nông dân bón phân hợp lý, đúng kỹ thuật; hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao, không xả thải trực tiếp ra môi trường đất; tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi...
Các biện pháp cải tạo đất được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật; hàng năm, các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và tăng cường bón lót bằng các nguồn phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh, phân bắc... để cải tạo và tăng độ phì cho đất. Đa dạng hoá cây trồng nhằm đạt hiệu quả thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích canh tác đồng thời góp phần cải tạo đất bằng cách trả lại độ màu mỡ lâu dài cho đất bạc màu. Trên những vùng đất bạc màu nông dân đã áp dụng các biện pháp trồng xen hoặc luân canh cây trồng chính với các loại cây họ đậu như lạc, đậu tương, đậu xanh... để chúng cố định đạm, giúp cải tạo độ phì nhiêu của đất; che phủ đất, hạn chế sự bốc hơi nước, giữ ẩm cho đất. Tích cực làm thủy lợi nội đồng, hoàn thiện hệ thống kênh mương tưới, tiêu nhằm cải thiện độ phì đất bạc màu, tăng độ ẩm, cải thiện được các đặc tính lý hoá trong đất, làm cho đất tơi xốp, khả năng kết dính tốt, giữ nước tốt, giúp hệ vi sinh vật trong đất hoạt động tốt tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
* Tài nguyên nước
Phù Cừ là huyện có nguồn tài nguyên nước tương đối dồi dào, người dân cũng đã có ý thức sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm như hàng năm đều chủ động đầu tư công sức làm thủy lợi nội đồng, tu sửa các công trình thủy lợi đã xuống cấp để chống thất thoát nước; thực hành các biện pháp tưới tiết kiệm giảm tổn thất nước; tích cực áp dụng các biện pháp chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sử dụng các loại giống cây – con ít cần đến nước; bên cạnh đó toàn huyện đã tích cực áp dụng các biện pháp làm giảm ô nhiễm nguồn nước như không xả thải trực tiếp nước thải ra môi trường, sử dụng các chế phẩm sinh học để không làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước; xây dựng mô hình thành lập các hợp tác xã nông nghiệp để họ có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo vệ và dẫn nước từ các tuyến kênh nguồn vào hệ thống kênh nội đồng. Thông qua hợp đồng với xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi của huyện thực hiện quản lý nguồn ngân sách do Nhà nước hỗ trợ thủy lợi phí cho nhân dân.
Nguồn nước mặt: đây là nguồn nước được khai thác từ 3 con sông Kẻ Sặt, sông Cửu An và sông Luộc với tổng chiều dài chạy qua huyện gần 50km và nhiều sông, ngòi đan xen nhau phục vụ đắc lực cho việc tưới, tiêu toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của huyện cũng như phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Nguồn nước ngầm: nguồn nước ngầm ở Phù Cừ cũng tương đối phong phú, chỉ cần khoan ở độ sâu từ 10 – 15m là có thể lấy nước tương đối hợp vệ sinh phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Tuy nhiên trên thực tế ở huyện Phù Cừ hiện nay, nguồn nước có thể sử dụng ngay là rất hữu hạn và chất lượng nguồn nước đang có xu hướng suy giảm do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ sản xuất nông nghiệp
và nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên nước còn hạn chế, thiếu ý thức tự giác chấp hành pháp luật tài nguyên nước. Tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất tự do, tuỳ tiện vẫn còn phổ biến. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước mặt đối với các công trình thuỷ lợi còn chưa có hướng dẫn rõ ràng. Đối với công tác bảo vệ nguồn nước thực sự khó khăn, nan giải. Do vậy, để sử dụng nguồn nước thực sự tiết kiệm, có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp thì cần phải được quan tâm thực hiện tích cực, thống nhất, đồng bộ kịp thời các giải pháp từ nâng cao nhận thức, ý thức đến các hoạt động cụ thể, từng việc làm cụ thể.
* Môi trường
Với địa hình là một huyện đồng bằng, nông nghiệp là hoạt động sản xuất chính, tuy môi trường sống chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng như ở các khu công nghiệp hoặc như một số địa phương nặng về phát triển làng nghề, nhưng vẫn có nhiều vấn đề mà Phù Cừ cần phải quan tâm như nhận thức và thói quen của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp là vẫn lạm dụng nhiều loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao hoặc xả thải trực tiếp từ các trang trại chăn nuôi ra môi trường. Con người lạm dụng quá nhiều vào những thành quả khoa học kỹ thuật mà loài người mang lại mà quên đi tác hại nghiêm trọng và tiêu cực của việc sử dụng hóa chất quá mức cho phép. Các hoạt động khác của con người cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống như khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi làm đất đai bị xói mòn, cạn kiệt dinh dưỡng; dịch bệnh, dịch hại cây trồng vật nuôi xảy ra thường xuyên như cúm gia cầm, lở mồm long móng... từ thực trạng đó, huyện đã tích cực phát động chiến dịch bảo vệ môi trường, thực hiện một số biện pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước và
không khí, nhưng vẫn đang là một khó khăn, thách thức đối với sự phát triển bền vững nông nghiệp xét ở góc độ môi trường.
- Ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp của huyện không cao, vẫn trong giới hạn cho phép. Một số diện tích canh tác rau có độ hướng kiềm (pH>6,5); hàm lượng chất hữu cơ dao động từ 1,74-7,72% tuỳ theo từng xã. Hàm lượng lân, kali cao (từ 1,7 đến trên 200/100%g đất) dễ gây phú dưỡng hoá nguồn nước mặt. Hàm lượng kim loại nặng không có hoặc thấp, chủ yếu khu vực đất nông nghiệp ở gần nhà máy có hàm lượng kim loại nặng do chất thải của các nhà máy thải trực tiếp ra làm ô nhiễm đất. Hợp chất hữu cơ khó phân huỷ sinh học (tồn dư nông dược) thấp do nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều so với khuyến cáo nhưng do dễ có thời gian phân huỷ ngắn nên không ảnh hưởng đến chất lượng đất, chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng.
- Ô nhiễm môi trường không khí: nói chung môi trường không khí ở đây chưa thực sự đảm bảo, có ở một số khu vực chứa rác thải sinh hoạt của người dân, ở những trang trại chăn nuôi không được thu gom hoặc huỷ đúng cách gây ra mùi hôi làm ô nhiễm không khí.
- Ô nhiễm môi trường nước: nguồn nước mặt tại huyện Phù Cừ chủ yếu bị ô nhiễm bởi các chất dinh dưỡng (N, P), các chất hữu cơ (COD, BOD). Hệ thống sông trục chủ yếu bị ô nhiễm do chất dinh dưỡng (NO2-, NH4+, NO3-) vượt từ 1-5lần, vi sinh vật (coliform) vượt từ 1-13lần. Nước ngầm trên địa bàn huyện có bị ô nhiễm nhưng chưa ở mức nặng. Nhìn chung, mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt ở huyện không cao.
Tóm lại, mức độ ô nhiễm về môi trường trong nông nghiệp không cao, mặc dù vậy huyện cũng đã có nhiều chính sách nhằm hạn chế đến mức thấp nhất mức độ ô nhiễm môi trường để phát triển bền vững nông nghiệp về môi trường.