Từ khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999 đến nay

Một phần của tài liệu Các tội phạm về khủng bố theo luật hình sự việt nam (Trang 35 - 37)

Từ khi pháp điển hóa luật hình sự lần thứ nhất đến nay, tội khủng bố được quy định tương đối ổn định về mặt hành vi phạm tội và hình phạt (Điều 78 Bộ luật hình sự năm 1985 và Điều 84 Bộ luật hình sự năm 1999). Theo các quy định này, tội phạm khủng bố mang những đặc điểm cơ bản: tội khủng bố là một trong những tội xâm phạm an ninh quốc gia, theo đó dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội này là phải có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân. Hành vi khách quan của tội khủng bố là nhằm xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc những hành vi khác uy hiếp tinh thần con người. Do vậy, những hành vi tuy xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người nhưng không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ không bị coi là tội khủng bố và bị xử lý theo các tội danh tương ứng khác. Tuy nhiên, theo quy định của tội khủng bố trên thì đối tượng tác động chỉ là con người mà không phải là tài sản hoặc các vật khác. Quy định này xuất phát từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và đặc điểm xây dựng pháp luật hình sự của Việt Nam thời gian qua. Nước ta trải qua một thời kỳ dài liên tục đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, với quan hệ ngoại giao chưa được thực sự mở rộng như hiện nay nên sự tác động từ bên ngoài liên quan đến vấn đề khủng bố là không đáng kể.

Có thể nhận thấy rằng quy định về tội khủng bố theo pháp luật của Nhà nước ta khác với quy định về tội khủng bố trong các văn kiện pháp lý quốc tế. Theo Bộ luật hình sự năm 1999 thì tội khủng bố được quy định tại chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Vì vậy, tội khủng bố phải có mục đích

chống chính quyền nhân dân. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống khủng bố cho thấy, vì cho rằng tội phạm khủng bố theo quy định của pháp luật Việt Nam là tội phạm chính trị, nên nhiều nước đã từ chối dẫn độ các đối tượng khủng bố theo yêu cầu của Việt Nam. Đây được coi là một vướng mắc pháp luật của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam trong trường hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố. Mặt khác, đối với những hành vi tài trợ khủng bố như cung cấp tiền, tài sản cho các cá nhân, tổ chức khủng bố nếu bị phát hiện thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm này được nếu không có đủ các dấu hiệu của đồng phạm.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống khủng bố, ngày 19/6/2009, tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật số 33/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự. Theo đó sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân nếu người đó thực hiện hành vi khủng bố vì mục đích chống chính quyền nhân dân. Những trường hợp thực hiện hành vi khủng bố không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân mà nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì sẽ bị xử lý về tội khủng bố theo Điều 230a Bộ luật hình sự. Những trường hợp thực hiện hành vi tài trợ khủng bố nếu không thỏa mãn dấu hiệu đồng phạm của một trong các tội “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” (Điều 84) và “Tội khủng bố” (Điều 230a) thì người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu hình sự về tội tài trợ khủng bố quy định tại Điều 230b Bộ luật hình sự.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm hình sự đối với các hành vi khủng bố của Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta về tội phạm khủng bố. Trong Bộ luật hình sự của Việt Nam có ba điều quy định ba tội danh về khủng bố, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đấu tranh phòng, chống khủng bố

Như vậy, các quy định về tội phạm khủng bố trong Luật hình sự Việt Nam được hình thành từ sớm khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Cho đến nay, quy định về các tội khủng bố trong Luật hình sự Việt Nam ngày càng mở rộng hơn về mặt hành vi và hình phạt, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm khủng bố nói riêng và tội phạm nói chung của Đảng và Nhà nước ta.

Một phần của tài liệu Các tội phạm về khủng bố theo luật hình sự việt nam (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)