Tham khảo pháp luật quốc tế về tội phạm khủng bố

Một phần của tài liệu Các tội phạm về khủng bố theo luật hình sự việt nam (Trang 37 - 38)

Về quan niệm của cộng đồng quốc tế đối với tội phạm khủng bố, mặc dù hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chung nhận thức về tính chất nguy hiểm cũng như sự cần thiết hợp tác đấu tranh ngăn ngừa và trừng trị các hành vi khủng bố quốc tế, nhưng một vấn đề tồn tại lớn hiện nay là chưa đưa ra được một khái niệm chung như thế nào là tội phạm khủng bố. Điều này xuất phát từ sự khác nhau về quan niệm pháp lý, đặc điểm lịch sử, vị trí và sự ảnh hưởng của mỗi quốc gia trên thế giới và trong khu vực… và còn xuất phát từ chính tính chất nhạy cảm của vấn đề khủng bố liên quan đến các lợi ích quốc gia và dân tộc của mỗi nước khi đặt vấn đề khủng bố và chống khủng bố. Không loại trừ trường hợp, “chống khủng bố” đã trở thành một chiêu bài lợi dụng để đạt được các tham vọng chính trị cũng như những quyền lợi kinh tế và như thế chống khủng bố có thể trở thành cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia hoặc của khu vực [5]. Có thể tham khảo về tội phạm khủng bố trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cụ thể như sau:

- Công ước La Hay năm 1970 về trấn áp hành vi chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay quy định người trên tàu bay đang bay bị coi là thực hiện tội phạm nếu có một trong các hành vi:

+ Sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc bất kì hình thức đe dọa nào khác để chiếm giữ hoặc kiểm soát tàu bay một cách bất hợp pháp hoặc có ý định thực hiện các hành vi nêu trên;

+ Đồng phạm với người thực hiện hoặc có ý định thực hiện một trong các hành vi nêu trên [42].

- Công ước đa phương năm 1971 về trấn áp hành vi bất hợp pháp xâm phạm an toàn hàng không dân dụng: Điều 1 Công ước quy định một người bị coi là thực hiện tội phạm nếu cố ý thực hiện một trong các hành vi trái pháp luật sau đây:

+ Hành vi bạo lực đối với người trên một tàu bay đang trong chuyến bay nếu hành vi đó chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho sự an toàn của tàu bay đó; hoặc

+ Phá hủy tàu bay đang phục vụ hoặc làm hư hỏng tàu bay đó khiến nó không thể bay được hoặc chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho an toàn của tàu bay trong khi đang trong chuyến bay; hoặc

+ Đặt hoặc chỉ đạo đặt vào tàu bay đang phục vụ, bằng bất kỳ thủ đoạn nào, thiết bị hoặc chất chắc chắn sẽ phá hủy tàu bay đó hoặc để làm hư hỏng tàu bay đó khiến nó không thể bay được hoặc làm hư hỏng tàu bay mà chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho sự an toàn của tàu bay đang trong chuyến bay; hoặc

+ Phá hủy hoặc làm hư hỏng thiết bị không lưu hoặc can thiệp vào hoạt động của các thiết bị đó, nếu hành vi chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho sự an toàn của tàu bay đang trong chuyến bay; hoặc

+ Chuyển thông tin mà người đó biết là không đúng sự thật và do đó gây nguy hiểm cho sự an toàn của tàu bay đang trong chuyến bay.

Cũng theo Công ước một người có ý định thực hiện hoặc là đồng phạm với những người thực hiện hoặc có ý định thực hiện các hành vi nêu trên cũng bị coi là tội phạm [43].

Một phần của tài liệu Các tội phạm về khủng bố theo luật hình sự việt nam (Trang 37 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)