Cuộc thi “Big Cộng Đồng” được chính thức phát động đến toàn thể nhân viên Big C vào tháng 4/2011 với mục tiêu kết nối và kêu gọi nhân viên hướng đến các hoạt động xã hội thông qua những dự án do chính nhân viên xây dựng. Tám dự án xuất sắc
nhất nhận được số tiền tài trợ 40.000.000VNĐ/dự án nhằm thực hiện các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cải thiện cuộc sống cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Tinh thần vì cộng đồng được thể hiện mạnh mẽ qua 47 dự án của các cá nhân, tập thể từ các văn phòng, siêu thị Big C trên toàn quốc gửi về tham dự với nhiều kế hoạch, ý tưởng hết sức sáng tạo, nhân văn và thực tiễn. Dù bận rộn với công việc chuyên môn, các nhân viên Big C vẫn cố gắng dành nhiều thời gian tiến hành khảo sát thực tế, lựa chọn đối tượng, hình thức hỗ trợ cũng như nhiều công sức để trình bày dự án một cách chi tiết và thuyết phục. Tinh thần ‘Tương trợ” – một trong năm giá trị của Big C - đã được các nhân viên thể hiện hết sức cụ thể qua cuộc thi.
Tiến trình thực hiện các dự án Big C cộng đồng và kết quả đạt được.
Mỗi một dự án một mà công nhân viên Big C thực hiện đều có những ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cộng đồng. Phải khẳng định một điều là số tiền 40 triệu cho một dự án là không nhiều nhưng nó là một minh chứng chân thực nhất cho những nỗ lực mà Big C cam kết chung tay góp sức với cộng đồng. Một doanh nghiệp hết lòng vì khách hàng một lần nữa tiếp tục ghi tên mình trong danh sách những doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng quả thật là một việc hiếm thấy. Big C không những xóa tan đi những nghi ngờ của cộng đồng về hình ảnh những doanh nghiệp Việt Nam luôn đặt mục tiêu hàng đầu về lợi nhuận mà còn gây ấn tượng mạnh về những hành động đầy ý nghĩa.
Dự án Hệ thống xử lý nước sạch tại thôn Phú Phong, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Làng Phú Phong là một trong những làng của xã Đại Tân, đất đai ở đây hầu hết là đất trũng thấp. Tổng diện tích đất tự nhiên của làng là 144 hecta, phần lớn được sử dụng cho nông nghiệp lúa nước. Được thành lập năm 1996 sau khi tách ra khỏi xã Đại Thắng, Phong Phú có tổng 1507 nhân khẩu, 100% sống bằng nghề nông (tỉ lệ nghèo là 48%). Người dân nơi đây rất khó có điều kiện để tiếp xúc với nước sạch do gần 95% nguồn nước của làng bị nhiễm phèn. Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Theo thống kê của trạm y tế xã, hằng năm có 40% người dân bị bệnh đường ruột, 20% chết vì ung thư do sử dụng nguồn nước kém chất lượng . Ngoài ra việc thiếu nước vào mùa khô và sau những trận lụt lớn làm cho cuộc sống của người dân càng khó khăn hơn”. Phụ nữ phải đi thật xa mới lấy được nước trong những ngày mùa và trẻ em cũng được huy động đi lấy nước giúp gia đình.
Với mong muốn chia sẻ những khó khăn vất vả trong việc tìm kiếm nguồn nước sạch, ban dự án gồm hai thành viên Nguyễn Thị Thu Thủy và Nguyễn Thị Hà Thu Trang đã có đưa ra ý tưởng xây dựng hệ thống xử lý nước sạch cho mười hai hộ dân nghèo không có điều kiện kinh tế để tự mình cải thiện nguồn nước. Việc lựa chọn các hộ gia đình để thực hiện dự án được thực hiện dưới sự phối hợp chặt chẽ giữa những người triển khai và lãnh đạo địa phương của thôn Phú Phong. Các hộ được lựa chọn trước hết phải là những hộ nghèo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và có trẻ em. Sau đó sẽ ưu tiên cho những hộ có phụ nữ góa chồng, nhà nằm trong khu vực bị nhiễm phèn mặn. Và cuối cùng hộ gia đình có người già neo đơn sẽ được ưu tiên tiếp theo.
Dự án nước sạch cho 12 hộ gia đình ở thôn Phú Phong không chỉ cải thiện tình trạng nước nhiễm mặn ở các hộ này nói riêng mà còn đem đến cho thôn một diện mạo hoàn toàn mới cho cuộc sống nơi đây. Ở đâu điều kiện sống tốt thì ở đó con người mới phát triển bình thường và đóng góp công sức xây dựng quê hương đất nước. Những chiếc bể lọc đã là món quà kinh tế giá trị và món quà tinh thần vô giá cho thôn dân xóm nghèo nơi đây. Một cuộc sống mới bắt đầu với những làn nước mát lạnh ngọt lịm sẽ chắp cánh cho những ước mơ cháy bỏng muốn vươn lên cuộc sống khó khăn, vất vả để đón lấy hạnh phúc cho đời.
Dự án “Tập huấn kỹ năng sống cho thanh thiếu niên khiếm thị (13/8/2011 – 11/9/2011)
Tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 300 trẻ em khiếm thị nằm trong độ tuổi đến trường, phần lớn gia đình các em thuộc diện nghèo khó, ít được học hành, ít được giao tiếp xã hội nên kiến thức, kinh nghiệm sống còn nhiều hạn chế. Vì thế kĩ năng sống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thanh thiếu niên khiếm thị. Hiểu được những khó
khăn đó, dự án này ra đời nhằm trang bị cho 30 thanh thiếu niên khiếm thị ở Trung tâm Giáo dục – Hướng nghiệp trẻ em mù tỉnh Thừa Thiên Huế có những kiến thức cơ bản về kĩ năng sống cần thiết để các em sống độc lập và trở thành người có ích cho xã hội và hòa nhập cộng đồng. Các em sẽ được đào tạo những kỹ năng về nhận thức, giao tiếp, ứng phó, đặt mục tiêu và tìm kiếm việc làm bởi đội ngũ giảng viên đầy tâm huyết đến từ trường Đại học sư phạm Huế. Ngoài ra, dự án còn trao tặng máy ghi âm để giúp các em có điều kiện học tập, nâng cao khả năng hiểu biết và giúp tìm việc làm sau này.
Khóa đào tạo kéo dài trong vòng hơn một tháng từ 13/8/2011 – 11/9/2011 được chia thành 25 buổi học với nội dung phong phú và quan trọng hơn cả là thích hợp cho việc trang bị cho học viên- những người khiếm thính những kỹ năng cơ bản để có một hành trang vững chắc trong quá trình tìm kiếm một công việc phù hợp nhất với điều kiện của họ. Bài giảng bao gồm những bài học cơ bản như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng tự ứng phó. Bên cạnh đó giáo viên cũng lồng vào trong đó những kiến thức thực tiễn thú vị và bổ ích như kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng đặt mục tiêu. Những buổi học cuối cùng là những buổi đi dã ngoại ngoài trời để học viên có thể cùng nhau tự trải nghiệm, chia sẻ và đưa ra những kế hoạch trong cuộc sống sau khi tham dự khóa học này. Kết quả thu được từ dự án thật đáng ghi nhận. Theo thống kê của những người thực hiện dự án thì điểm số của học viên trước và sau khi tham gia khóa học đã có những bước tiến rõ rệt. Cụ thể là với cùng một nội dung kiểm tra kiến thức thì điểm đầu vào chủ yếu dừng lại ở con số 4 thì đến cuối khóa 80% đạt từ điểm 7 trở lên. Đáng chú ý là có một số học viên có chuyển biến tích cực đã đưa điểm của mình từ 3 lên 8, hoặc từ 3 lên 7. Dẫu biết rằng điểm số không quá quan trọng nhưng nó thể hiện được lòng nhiệt tình, quyết tâm muốn tạo dựng kiến thức nền cơ bản vững chắc cho những em học viên có hoàn cảnh bất hạnh của những người thực hiện. Và điều quan trọng nhất là sau khóa học, học viên đã hoàn toàn làm chủ được những kỹ năng cần thiết để có thể tự tin tìm cho mình một công việc thích, trở thành một người có ích cho cộng đồng và cho xã hội.