Sự phát triển và hoàn thiện của kỹ thuật số đã đưa tới cuộc "cách mạng số hoá" thúc đẩy sự ra đời của "kinh tế số hoá" và "xã hội thông tin" mà giao dịch điện tử là một bộ phận hợp thành. Hiện nay trên thế giới chưa có một định nghĩa
chung nhất về giao dịch điện tử nhưng dường như có sự gặp nhau trong quan niệm về giao dịch điện tử khi giao dịch điện tử được xem là sự trao đổi thông tin, mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ trực tuyến và kết quả của các giao dịch này là hàng hoá, dịch vụ được mua, bán, xuất khẩu hay nhập khẩu.
Giao dịch điện tử có thể được quan niệm là việc sử dụng các phương pháp điện tử để thực hiện các hoạt động giao dịch, trao đổi, nói chính xác hơn, giao dịch điện tử là việc trao đổi thông tin thông qua các phương tiện công nghệ điện tử, mà nói chung là không cần phải in ra giấy trong bất cứ công đoạn nào của toàn bộ quá trình giao dịch.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), giao dịch điện tử là tổng thể các giao dịch trong đó Internet là công cụ chủ yếu được sử dụng để:
- Trao đổi, cung cấp các dịch vụ công;
- Thu thập các thông tin liên quan đến hàng hoá, dịch vụ, đối tác...; - Đặt mua hàng hoá hay dịch vụ và;
- Thực hiện các hoạt động thanh toán.
Một hoạt động giao dịch có hai trong số bốn đặc điểm nêu trên của giao dịch điện tử cũng có thể được coi là giao dịch điện tử.
Ngoài ra Uỷ ban Châu Âu cũng đã đưa ra định nghĩa về giao dịch điện tử. Theo định nghĩa này thì giao dịch điện tử được hiểu là việc thực hiện hoạt động giao dịch, thông tin, mua bán, thương mại qua các phương tiện điện tử. Nó dựa trên việc xử lý và truyền dữ liệu điện tử dưới dạng text, âm thanh và hình ảnh. Giao dịch điện tử trong định nghĩa này bao gồm nhiều hành vi, bao gồm hoạt động mua bán hàng hoá dịch vụ, giao nhận các nội dung kỹ thuật số trên mạng, chuyển tiền điện tử, mua bán cổ phiếu điện tử, vận đơn điện tử, đấu giá thương mại, hợp tác thiết kế, tài nguyên mạng, mua sắm công cộng, tiếp thị trực tiếp với người tiêu dùng, các dịch vụ sau bán hàng...
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì giao dịch điện tử bao gồm việc cung cấp các dịch vụ công từ cơ quan nhà nước, việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD cũng đưa ra một định nghĩa tương tự định nghĩa của WTO, theo đó giao dịch điện tử được định nghĩa là các giao dịch dựa trên truyền dữ liệu qua các mạng truyền thông như Internet.
Điểm đặc trưng cơ bản nhất của giao dịch điện tử là chúng được thực hiện thông qua các phương thức liên lạc hiện đại, mà chủ yếu là qua Internet trong đó kết hợp các hình thức thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, chứng thực điện tử, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử...
Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Nó được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, điện báo, fax và các hình thức tương tự.
Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh, hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền, hoặc kết hợp một cách lôgic với thông điệp dữ liệu. Chữ ký điện tử có giá trị xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.
Hợp đồng điện tử được giao kết bằng các phương tiện điện tử cũng có giá trị pháp lý và cũng được thực hiện như các hợp đồng được giao kết bằng phương tiện văn bản truyền thống.
Điểm đặc trưng khác của giao dịch điện tử trong pháp luật quốc tế là dường như không có giới hạn về không gian địa lý như các giao dịch quốc tế bình thường khác trong pháp luật quốc tế. Do khoảng cách địa lý dường như không tồn tại nên người ta thường nói đến “thế giới phẳng”, thế giới chỉ cách nhau trong khoảng cách của tiếng gõ phím máy tính. Chính vì vậy, vấn đề kiểm soát
hoạt động giao dịch điện tử cũng luôn là vấn đề phức tạp, trở thành điểm tranh luận tại nhiều diễn đàn pháp lý quốc tế khác nhau.
Mặt khác, giao dịch điện tử quốc tế cũng đặt ra hàng loạt đặc thù mà các giao dịch quốc tế thông thường khác không có, đó lag mức độ an toàn của chúng tùy thuộc vào mức độ phát triển khoa học công nghệ của quốc gia cụ thể. Với độ an toàn tùy thuộc vào mức độ phát triển khoa học công nghệ của quốc gia cụ thể như vậy nên điểm đặc thù khác của nó là phải có lá chắn an toàn để chống các tin tặc, chống sự thâm nhập của các đối tượng khác nhau và yêu cầu bảo mật, kể cả bảo mật thông tin cá nhân và bảo mật nội dung giao dịch điện tử quốc tế là cực kỳ cao.
Chủ thể của các giao dịch điện tử khá đa dạng, từ các cơ quan nhà nước khác nhau, đến các tổ chức, cá nhân có quốc tịch khác nhau. Như vậy, chủ thể của chúng có thể là các chủ thể của Công pháp quốc tế và cũng có thể là chủ thể của Tư pháp quốc tế. Chính vì vậy mà một số tác giả ở các nước thường nói, pháp luật giao dịch điện tử quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế là các ngành luật mới của thời đại hội tụ Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế vào dưới một tên gọi chung là pháp luật quốc tế thời kỳ hội nhập quốc tế.
Đối tượng của các giao dịch khá phong phú, rất khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu của các chủ thể, tùy thuộc vào sự phát triển và nắm bắt được các thành tựu của khoa học công nghệ khác nhau.
Đây là một loại hình giao dịch góp phần đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân các nước khác nhau, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tính công khai, minh bạch; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, giúp các cá nhân, tổ chức các nước hiểu biết nhau hơn, tăng cường quan hệ hợp tác tốt hơn, hiệu quả hơn.
Như vậy, giao dịch điện tử là việc thay thế các giao dịch mang tính vật chất thông thường sang các giao dịch được thực hiện thông qua các phương thức liên lạc hiện đại, mà chủ yếu là qua Internet. Bản chất giao dịch điện tử là sự mở rộng, sự kết nối và sự hội nhập giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng.