Chiến lược “tự chủ” nguồn cung nguyên phụ liệu

Một phần của tài liệu Giải pháp cải thiện thượng nguồn chuỗi cung ứng ngành dệt may xuất khẩu của việt nam trong bối cảnh căng thẳng giữa việt nam và trung quốc về vấn đề biển đông (Trang 44 - 49)

Giải pháp 1: Nâng cao năng lực sản xuất của các vùng trồng bông, cơ sở sản xuất xơ sợi,… trong nước

Theo nghiên cứu của SSI Research, hiện nay tổng nhu cầu về bông của ngành dệt may Việt Nam là 420.000 tấn, trong đó, ngành trồng bông trong nước chỉ có thể đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu sản xuất (6.000 tấn hoặc 1,2%), còn lại phần lớn bông phải được nhập khẩu. Nguyên nhân trước hết là do đặc tính tự nhiên của cây bông là giống cây sống nhờ nước trời nên năng suất không ổn định. Do năng suất mà cây bông mang lại còn thấp nên hiệu quả kinh tế mà người trồng bông đạt được vẫn chưa cao. Về quy mô thì bức tranh ngành trồng bông của Việt Nam vẫn còn rải rác, phân tán, nhỏ lẻ và hạn chế trong hộ nông dân, chứ chưa hề có một vùng trồng bông tập trung lớn để tạo ra lợi thế năng suất theo quy mô. Trong những năm gần đây, giá bông vải lại liên tục biến động và chi phí đầu tư cao nên lợi nhuận mang lại từ cây bông vải không đáp ứng nguyện vọng của người dân. Theo tính toán của người dân, mỗi ha bông vải cần đầu tư giống khoảng 750.000 đồng, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu hơn 10 triệu đồng. Tổng số tiền đầu tư cho mỗi ha cây bông vải khoảng 11 triệu đồng chưa tính công chăm sóc và thu hái. Trong khi đó với giá bông vải như năm 2013 dao động khoảng 13.000 đồng đến 13.500 đồng/kg. Bình quân mỗi ha bông vải thu hoạch được khoảng 1-1,5 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư người trồng bông vải lãi 5 đến 7 triệu đồng/ha.

Từ tình hình trên, có thể thấy rõ rằng vấn đề nâng cao năng lực của ngành trồng bông và phát triển vùng nguyên liệu nội địa bằng cách đầu tư hệ thống tưới tiêu, thủy lợi phù hợp

cho sự phát triển của cây bông, cũng như tập trung cơ giới hóa để tiết kiệm sức lao động và tăng năng suất cho các vụ bông để có thể chủ động về thượng nguồn chuỗi cung ứng là một trong những giải pháp tất yếu và cấp bách trong thời điểm căng thẳng biển Đông hiện nay. Có phát triển được ngành bông vải, trồng dâu và nuôi tằm thì ngành dệt may xuất khẩu Việt Nam mới có thể từng bước tăng tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm nhập siêu và rủi ro cung do lệ thuộc vào nước ngoài.

Nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho ngành dệt may Việt Nam, việc đầu tư phát triển các nhà máy sản xuất sợi có năng suất cao cũng là một bước đi cần thiết. Hiện nay, nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTEX) đã sản xuất được 15.526 tấn sản phẩm các loại và đã ký hợp đồng bán cho khách hàng được 8.613 tấn. Về chất lượng sợi, dù còn một số khuyết điểm nhỏ nhưng nhìn chung trong một số thử nghiệm gần đây, các loại sợi do PVTEX sản xuất hầu như có chất lượng tương đương với các loại sợi sản xuất ở Thái Lan và Trung Quốc.

Giải pháp 2: Phát triển vùng nguyên liệu ngoài nước

Sau hơn 30 năm tồn tại từ nông trường đến hộ nông dân, diện tích cây bông vải ở nước ta đã có những năm đạt được 30 nghìn ha, năng suất bình quân 12 tạ/ha, đã đáp ứng được từ 10- 12% nguyên liệu cho ngành dệt may. Nhưng trước sự cạnh tranh gay gắt của các cây màu cùng vụ tận dụng nước trời khác như bắp, đậu nành, diện tích cây bông vải không những không giữ vững mà còn tuột dốc. Việc xây dựng vùng nguyên liệu trong nước như đã nói ở phần Giải pháp 2 là rất quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có một số hạn chế về quỹ đất, đặc điểm đất đai và khí hậu,…để có thể thực sự “tự lực” về nguồn cung bông, xơ sợi. Do đó, một hướng cải thiện mà nhóm nghiên cứu đề ra ở đây là phát triển thêm vùng nguyên liệu ngoài nước, mà cụ thể là Campuchia. Như vậy, ngành dệt may Việt Nam có thể tận dụng được điều kiện thổ nhưỡng phù hợp của nước bạn để nâng cao năng suất bông mà không phải chịu chi phí quá cao về vấn đề vận chuyển do đây là những nước có vị trí địa lý khá gần Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bông Việt Nam chia sẻ: “Campuchia có điều kiện khí hậu và đất đai thuận lợi để phát triển trồng bông hơn các loại cây trồng khác. Đặc biệt, nếu so sánh, thì trồng bông ở Campuchia còn an toàn hơn cả Việt Nam, vì diện tích đất đai ở nước ta quá ít, xu hướng trồng trọt của người nông dân lại thay đổi liên tục”. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), những năm gần đây, các khu vực trồng bông tại Campuchia hầu như không phát triển do thiếu thị trường tiêu thụ và giá bán quá thấp. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng bông của ngành dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cao, diện tích trồng bông trong nước đang

trong giai đoạn khôi phục. Vì vậy, nếu thành công, dự án trồng bông tại Campuchia sẽ giải quyết được một phần lớn nguyên liệu sản xuất cho ngành, giúp các DN chủ động hơn trong sản xuất.

b) Chiến lược giải quyết “nút thắt cổ chai” trong khâu dệt nhuộm

Giải pháp 1: Đầu tư phát triển công nghệ bằng cách thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nhập khẩu công nghệ

Tại hội nghị Việt – Pháp về công nghệ mới dành cho ngành dệt và ngành vải kỹ thuật vào ngày 3 tháng 4 năm 2014 tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội bông sợi Việt Nam (VCOSA) cho biết, đến thời điểm này ngành công nghiệp dệt may xuất khẩu Việt Nam vẫn đang chịu tình trạng “nút thắt cổ chai” tại khâu dệt – nhuộm – hoàn tất. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này chính là sự yếu kém, lạc hậu về công nghệ. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó tổng thư ký Vitas cho hay: “Theo xu hướng mới, yêu cầu thời gian sản xuất phải rất ngắn, hiện nay, có khi vòng thời trang chỉ có 2 tuần/vòng. Nhiều đơn đặt hàng chỉ có 15 ngày, nếu như thiết bị máy móc không tốt sẽ không sản xuất kịp, không ổn định”. Khi xâm nhập vào các thị trường có tiềm năng nhưng yêu cầu cao như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, dệt may Việt Nam phải “chen chân”, và cạnh tranh với nhiều đối thủ khác. Muốn thâm nhập sâu, hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam phải có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, không chỉ chất lượng tốt mà còn phải đạt chuẩn, độ ổn định cao. Tuy nhiên cũng theo ông Ân, rào cản quan trọng trong sản xuất vải ở Việt Nam hiện nay chính là môi trường. Làm vải thì đụng đến nhuộm, nhưng hiện nay hầu hết các địa phương rất e ngại với doanh nghiệp nhuộm, không địa phương nào mặn mà với sản xuất nhuộm có mặt tại địa phương mình bởi lo sợ gây ô nhiễm (xem Sơ đồ 13). Tuy nhiên, ở nhiều nước như Ý, Pháp, Nhật … với công nghệ phát triển tiên tiến và cách quản lý hiệu quả, sản xuất vải vẫn phát triển nhưng không gây ô nhiễm môi trường. Do đó, để có thể tháo gỡ hiệu quả “nút thắt” này, ngành dệt may Việt Nam cần phải đầu tư trang bị công nghệ hiện đại để sản xuất hiệu quả sản phẩm dệt may xuất khẩu và không gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Một trong những biện pháp giúp phát triển công nghệ mà ngành có thể xem xét chính là thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Với lộ trình đàm phán TPP, FTA hiện nay, ngành dệt may Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn và thu hút đầu tư nước ngoài tham gia vào ngành. Ba tháng đầu năm 2014, nhiều dự án lớn trong lĩnh vực này đã được đầu tư như: Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD tại tỉnh Nam Định. Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan, Trung Quốc) đã cam kết đầu tư 50 triệu

USD để triển khai một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước. Công ty Gain Lucky Limited, thuộc Tập đoàn may Trung Quốc Shenzhou International cam kết đầu tư 140 triệu USD vào TPHCM…Ước tính, cho đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm 82,9% tổng số dự án nước ngoài đăng ký đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh sự lệ thuộc vào Trung Quốc, chính phủ và các hiệp hội lãnh đạo ngành cần phải xem xét kỹ lưỡng danh mục đối tác đầu tư và có những quyết định hợp lý.

Sơ đồ 13: Sơ đồ công nghệ dệt nhuộm và dòng thải

(Nguồn: Tổng cục Môi trường, Đánh giá tác động môi trường dự án Dệt nhuộm, 2011)

Hướng thứ hai mà doanh nghiệp dệt may xuất khẩu Việt Nam có thể xem xét là nhập khẩu công nghệ từ các nước có ngành dệt may phát triển tiên tiến, đặc biệt là Nhật Bản, Bỉ ,

Đức, Ý và các nước châu Âu khác. Các quốc gia này đều có tiếng trong việc xuất khẩu máy móc dệt may chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn công nghệ quốc tế.

Giải pháp 2: Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ

Dệt may là ngành công nghiệp thâm dụng lao động nhiều nhất, chiếm hơn 20% lao động khu vực công nghiệp và gần 5% tổng lực lượng lao động toàn quốc. Tuy nhiên, lao động của ngành thường có tính chất thời vụ, không ổn định, hơn nữa lực lượng cán bộ quản lý của ngành dệt may hiện nay đang có xu hướng già đi và chưa có lớp kế cận. Nguyên nhân phần lớn là do mức thu nhập bình quân của ngành dệt may còn khá thấp so với các ngành khác, điều kiện làm việc và đãi ngộ cũng thiếu hấp dẫn hơn. Đối mặt với tình hình thu nhập như trên, ngành dệt may càng ngày càng không duy trì được nhân lực và mất dần sức hấp dẫn nhân lực so với các ngành nghề khác.

Bên cạnh đó, do yêu cầu về lao động của ngành dệt may tăng rất nhanh nên khả năng đáp ứng của cơ sở đào tạo không theo kịp. Dẫn đến tính trạng tranh giành lao động giữa các doanh nghiệp trong ngành tăng lên đã đến mức báo động. Khi tình trạng đó xảy ra, các doanh nghiệp ngại đào tạo người lao động vì khả năng họ rời bỏ công ty sau khi được đào tạo là quá lớn. Doanh nghiệp không đào tạo, nhân viên cảm thấy không thỏa mãn nhu cầu được học tập của mình lại muốn ra đi tìm nơi khác nhiều hơn.

Ngoài bất cập về số lượng lao động, chất lượng lao động cũng là một bài toán khó đối với ngành dệt may xuất khẩu Việt Nam. Nguồn nhân lực ngành dệt may Việt Nam hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu, với 80% nhân lực chưa qua đào tạo, “thầy nhiều hơn thợ”,…Ông Huỳnh Tấn Lợi - chuyên gia tư vấn ngành dệt may, cho rằng rào cản lớn nhất khi các DN nước ngoài đầu tư vào dệt, nhuộm là sự hạn chế của lực lượng nhân công có tay nghề cao: “Hiện có rất ít trường lớp đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực dệt nhuộm. Đây là điều bất lợi cho Việt Nam, vì chúng ta sẽ không học hỏi được nhiều trình độ quản lý, công nghệ của họ nếu không có nhân công trình độ cao. Vì khi đó, DN nước ngoài sẽ phải đưa nhân công ở bên ngoài vào”.

Phát triển nhân lực ngành dệt may xuất khẩu Việt Nam trước hết là phải tập trung xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, công nhân lành nghề thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo nâng cao, cập nhật kiến thức, công nghệ mới; đào tạo cơ bản; bồi dưỡng trong nước. Cụ thể như sau:

- Cán bộ quản lý

Nhà quản lý trong tình hình kinh tế mới phải được trang bị một hệ thống kiến thức đầy đủ, bài bản và cập nhật về nền kinh tế nói chung, tình hình ngành nói riêng, và các kiến thức, kỹ năng quản lý, kinh doanh có liên quan.

Cần có một đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, có khả năng đáp ứng xu hướng và yêu cầu thời trang của các thị trường mục tiêu, đồng thời cũng am hiểu sản xuất để có thể gắn kết chặt chẽ khâu thiết kế và khâu sản xuất.

- Công nhân lao động: Đội ngũ công nhân lao động phải có tay nghề vững vàng, có kiến thức bài bản về khoa học – công nghệ tiên tiến, có khả năng sử dụng và sáng tạo công nghệ mới.

Để có thể thực hiện được mục tiêu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị như sau:

Trước hết, muốn hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phổ biến sâu rộng và có sức sống lâu dài, thì đối tượng thực hiện không ai khác chính là bản thân doanh nghiệp dệt may. Do đó, công tác đầu tiên và quan trọng nhất là đào tạo các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp dệt may, giúp họ nhận thức được vai trò và phương thức phát triển lực lượng nhân lực đủ sức đáp ứng yêu cầu của thị trường. Từng doanh nghiệp dệt may phải chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo theo các bước:

+ Dự báo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực + Xác định kế hoạch đào tạo

+ Tổ chức thực hiện + Xác định kinh phí + Đánh giá hiệu quả

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xây dựng các chính sách động viên khuyến khích công nhân tự nâng cao tay nghề, ví dụ như chế độ lương thưởng, nâng cao chất lượng khâu tuyển dụng đầu vào,….

Thứ hai, đầu tư củng cố và phát triển hệ thống các trường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may theo những kiến thức và xu thế cập nhật, đặc biệt là các cơ sở đào tạo ngay trong doanh nghiệp ở nhiều cấp độ khác nhau. Đồng thời, Chính phủ tạo cơ hội doanh nghiệp có thể gửi cán bộ, công nhân của mình tham gia các chuyến khảo sát, học hỏi ở trong và ngoài nước để mở rộng tầm nhìn và nâng cao tay nghề. Việc sử dụng các chuyên gia nhằm tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp thường xuyên cũng đáng được quan tâm.

Thứ ba, tiến hành kiểm tra, đánh giá và nhận xét hiệu quả đào tạo thường xuyên nhằm đo lường hiệu quả, lợi ích của công tác đào tạo, đồng thời thu thập những phản hồi liên tục để có thể xác định phương pháp sửa đổi và hoàn thiện hơn cho giai đoạn sau. Các cách thăm dò ý kiến mà doanh nghiệp có thể thực hiện là: điều tra ý kiến của những người có nguyện vọng tham gia đào tạo, lấy ý kiến của những người đã tham gia hoặc đã hoàn thành khá đào tạo, trao đổi trực tiếp / gián tiếp với cán bộ quản lý về hành vi và thái độ của người tham gia đào tạo, trực tiếp quan sát người tham gia đào tạo thực hành, giải quyết vấn đề,…

Một phần của tài liệu Giải pháp cải thiện thượng nguồn chuỗi cung ứng ngành dệt may xuất khẩu của việt nam trong bối cảnh căng thẳng giữa việt nam và trung quốc về vấn đề biển đông (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(62 trang)
w