THƯỢNG NGUỒN CHUỖI CUNG ỨNG NGÀNH DỆT MAY XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CĂNG THẲNG BIỂN ĐÔNG
3.2.2.1. Tầm nhìn và chiến lược
Từ những phân tích ở Chương 1 và Chương 2, có thể nhận thấy rằng, ngành dệt may xuất khẩu Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu. Trước hết là, vị trí của ngành trong chuỗi cung ứng toàn cầu còn quá thấp so với các đối thủ cạnh tranh (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, …); do đó, dù ngành dệt may Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục nhưng giá trị gia tăng mà ngành tạo ra vẫn còn rất thấp. Hiện tượng “lệ thuộc” nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc (46% tổng nhu cầu), là một trong số nguyên nhân khiến ngành dệt may Việt Nam chậm phát triển và chỉ dừng lại ở phân khúc cấp thấp của chuỗi cung ứng toàn cầu. Mối quan hệ làm ăn lâu dài và sẵn có, cũng như những lợi thế nhất định mà thị trường Trung Quốc mang lại đã khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nảy sinh tâm lý “bị động”, “ỷ lại” và ngại thay đổi. Một điểm yếu lớn khác của ngành dệt may xuất khẩu Việt Nam là tình trạng “nút thắt cổ chai” ở khâu dệt nhuộm, tụt hậu gần 20 năm so với thế giới do công nghệ còn lạc hậu, yếu kém. Bởi vì quan ngại về vấn đề môi trường nên Chính phủ Việt Nam vẫn còn rất e ngại trong việc mở rộng, phát triển lĩnh vực dệt nhuộm. Tuy nhiên, chính điều này lại tạo ra một trở lực lớn đối với ngành dệt may khi ngành bắt đầu vươn ra thị trường thế giới. Các ngành công nghiệp phụ trợ của ngành dệt may vẫn còn kém phát triển, thiếu liên kết và chưa thực sự hỗ trợ một cách hiệu quả cho dệt may xuất khẩu. Điều này, vô hình chung, lại khiến cho mục tiêu “thoát Trung” trở nên khó khăn hơn.
Xuất phát từ những nhìn nhận trên, nhóm nghiên cứu nhận thấy, để có thể thực hiện tầm nhìn phát triển bền vững trong dài hạn, ngành dệt may xuất khẩu Việt Nam nói chung và các
doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng ngành nói riêng nên xem xét tầm nhìn “Phát triển một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, độc lập và bền vững” bằng cách thực hiện các chiến lược như sau:
i) “Tự chủ” nguồn cung nguyên phụ liệu
ii) Giải quyết “nút thắt cổ chai” trong khâu dệt nhuộm
iii)Nâng cao giá trị gia tăng của hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Giải quyết được 3 điểm mấu chốt này, ngành dệt may Việt Nam sẽ có thể từng bước cải thiện “thượng nguồn” chuỗi cung ứng, xây dựng cho mình một chuỗi cung ứng độc lập và bền vững, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành trong chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần thúc đẩy ngành dệt may trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn hướng xuất khẩu của đất nước theo như mục tiêu đã đề ra.