Với Mỹ, cuộc khủng hoảng tài chính Phố Wall năm 2008 bắt nguồn từ bong bóng bất động sản tan vỡ - tình cảnh khá tương đồng với Việt Nam hiện nay. Cho vay dưới chuẩn tăng mạnh là khởi điểm cho quả bong bóng tại thị trường nhà đất. Các ngân hàng cho vay cầm cố bất động sản mà không quan tâm tới khả năng chi trả của khách. Dư nợ trong mảng này nhảy từ 160 tỷ USD của năm 2001 lên 540 tỷ vào năm 2004 và bùng nổ thành 1.300 tỷ vào năm 2007. Theo ước tính vào cuối quý III năm 2008, hơn một nửa giá trị thị trường nhà đất Mỹ là tiền đi vay với một phần ba các khoản này là nợ khó đòi.
Để giải cứu những tổ chức tín dụng sắp "chết", Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định bơm 700 tỷ USD thông qua chương trình ứng cứu kinh tế-tài chính với tên gọi tắt TARP. Điểm mấu chốt của chương trình là thông qua Đạo luật bình ổn kinh tế khẩn cấp 2008 để cấp quyền cho Bộ Tài chính được mua lại nợ xấu từ các định chế cho vay.
Các loại nợ bao gồm nợ thế chấp, nợ vay mua ô tô, nợ sinh viên và các loại nợ khác. Với việc mua lại nợ xấu của Bộ Tài chính, các nhà cho vay được nhận một lượng lớn tiền mặt, giúp tăng tính thanh khoản, phục hồi hoạt động cho vay và giúp dòng tiền luân chuyển trở lại trong nền kinh tế.
TARP bơm hàng trăm tỷ USD vào hệ thống ngân hàng thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu và đầu tư chiến lược ở các ngân hàng; hỗ trợ ngành bất động sản và ô tô, trong đó có việc mua cổ phần ưu đãi ở General Motors và Chrysler.
Ngân sách của chương trình được huy động từ nhiều nguồn, bao gồm việc phát hành trái phiếu và hối phiếu chính phủ. Bộ Tài chính cũng có kế hoạch in thêm tiền mặt, trong khi một số loại thuế đối với doanh nghiệp và cá nhân bị tăng lên.
Để bù đắp việc tăng thuế, lãi suất được duy trì ở mức thấp cận zero nhằm tạo môi trường thân thiện kinh doanh. Ngoài ra, chương trình còn nhắm tới việc cải thiện niềm tin tiêu dùng, từ đó giúp hàng hóa sản xuất ra được tiêu thụ nhanh hơn, doanh nghiệp xoay vòng đồng vốn nhanh hơn, trả nợ nhanh hơn...
Bên cạnh đó, vào tháng 3/2009 với mục đích thu hút đầu tư 500-1.000 tỷ USD để mua tài sản có vấn đề từ các ngân hàng và khôi phục lại thị trường trong các khoản vay và chứng khoán tài sản tài chính, Quỹ công – tư cho việc mua lại tài sản (PPIP) được thành lập với vốn 75 – 100 tỷ USD từ TARP và các quỹ bổ sung từ các nhà đầu tư tư nhân.
Ngoài chương trình TARP, Chính phủ Mỹ đã có những cuộc ứng cứu “khủng” như:
- Vào tháng 4/2008, Chính phủ Mỹ đã ứng cứu Bear Stearns bằng việc cho JPMorgan Chase vay 29 tỷ USD để mua lại định chế này với giá chỉ 10USD/cổ phiếu.
- Cuối mùa hè năm 2008, Chính phủ Mỹ quyết định chi tới 200 tỷ USD để ứng cứu 2 nhà khổng lồ cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac. Qua đó, chính phủ nắm quyền kiểm soát 2 công ty này, đồng thời bảo đảm 100 tỷ USD tín dụng cho mỗi công ty.
- Vào tháng 9/2008, Chính phủ Mỹ quyết định cho American International Group (AIG) vay 85 tỷ USD.
FED đã mua tổng cộng 47 tỷ USD nợ của Fannie Mae và Freddie Mac; Bộ Tài chính mua 14 tỷ USD cổ phiếu và 71 tỷ USD chứng khoán hỗ trợ bằng tài sản thế chấp của 2 công ty này; FED cũng gia tăng thời hạn các khoản cho vay đối với Fannie Mae và Freddie Mac.
Theo ước tính đến đầu năm 2012, Bộ Tài chính Mỹ đã chi 414,3 tỷ USD trong Chương trình Giải cứu tài sản xấu của TARP và thu về được 331 tỷ USD từ cổ tức, lãi suất, hoạt động chuyển nhượng và các khoản thu khác.
5 năm sau khủng hoảng tài chính, kinh tế Mỹ đã có một số dấu hiệu lạc quan. Tốc độ tăng trưởng năm 2012 là 2,8%, cao hơn thời kỳ tiền khủng hoảng năm 2006 (2,7%). Niềm tin doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong quý II/2013 đã được cải thiện. Thị trường nhà đất ấm dần, chứng khoán cũng liên tiếp lập kỷ lục trong vài tháng gần đây trước các số liệu lạc quan của nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể so với gần 10% cuối năm 2010.