- Phân loại hộ và người dân theo 3 loại: tốt, lừng chừng, tham gia khiếu kiện.
3.2.3. Thực hiện dân chủ hoá và công bằng xã hội ở nông thôn ĐBSH
Chúng ta ý thức được rằng không phải cứ kinh tế đi lên, đời sống được cải thiện là an ninh nông thôn được vững chắc, mà bên cạnh việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân là cái gốc của vấn đề thì công bằng xã hội ở nông thôn cũng cần được đặc biệt quan tâm. Bởi vì nông dân có một tập tính rất quan trọng cần chú ý là có thể "đánh nhau khi chia gạo, mời nhau ăn cơm". Để xây dựng nông thôn mới, bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế
để nâng cao mức sống của nhân dân thì cũng phải chú ý đúng mức đến vấn đề dân chủ và công bằng xã hội, một nguyện vọng chính đáng của người dân ở nông thôn từ xưa đến nay.
Các cấp uỷ và chính quyền cần triển khai mạnh mẽ việc thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII). Thông qua thực hiện qui chế dân chủ mà nâng cao vai trò, vị trí của HĐND xã, lắng nghe ý kiến của dân, kiểm tra chặt chẽ việc làm của UBND xã. Mặt khác thông qua việc thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở mà giáo dục nhân dân ý thức tôn trọng pháp luật, khắc phục tình trạng dân kéo đi khiếu kiện ở nhiều cấp, kiềm chế số đối tượng quá khích đi gây rối ở nhiều nơi. Để thực hiện dân chủ và công bằng xã hội, cần chú ý một số vấn đề sau:
- Xây dựng cơ chế khuyến khích nhân dân tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân tham gia bàn bạc, thảo luận và quyết định những vấn đề trọng yếu của địa phương như xây dựng cơ sở hạ tầng ở qui mô như thế nào là thích hợp, đầu tư cái gì là hợp lý và đặc biệt là vấn đề huy động sức dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tâng, dân tham gia kiểm tra, giám sát việc xây dựng. Những vấn đề này thực sự nhạy cảm, nếu không dân chủ hoặc có biểu hiện tham nhũng là những yếu tố phát sinh mâu thuẫn, phức tạp ở nông thôn.
- Cần tạo ra những hình thức tổ chức để nhân dân tham gia phát huy vai trò làm chủ của mình trong việc xây dựng chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân. Dân chủ ở nông thôn không chỉ là dân làm chủ mà phải tạo được không khí dân chủ ngay từ trong nội bộ Đảng, trong sinh hoạt Đảng. Phải dựa vào dân để phát hiện những người có đức, có tài, có năng lực thực tế để giới thiệu gánh vác công việc của Đảng, của Dân ở địa phương. Điều đó đòi hỏi phải tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ngày càng rộng rãi hơn, từ việc chọn, giới thiệu nhân sự cho bộ máy Nhà nước địa phương đến giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước cơ sở.
- Phải đặc biệt quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Để giữ yên lòng dân, đòi hỏi chúng ta không chỉ thực hiện dân chủ hoá mà phải quan tâm đến lợi ích chính đáng của công dân, "việc gì có lợi cho dân thì ta kiên quyết làm, việc gì có hại cho dân thì ta kiên quyết tránh". Phải hết sức tránh việc lãng phí tiền của và công sức của nhân dân; phải kiên quyết xử lý những đối tượng tham nhũng lợi dụng chức trách quyền hạn để làm giàu bất chính từ những đóng góp của người dân hoặc đem đất đai công bán đi để làm giàu bất chính. Phải quan tâm và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề thiết thực liên quan đến bát cơm, manh áo của người dân. Giải quyết kịp thời những kiến nghị của nhân dân, tránh tình trạng đơn thư khiến kiện "kính chuyển" lòng vòng không có người giải quyết dứt điểm gây bất bình trong nhân dân.
Vấn đề công bằng xã hội được đặt ra trở thành yêu cầu bức thiết hiện nay ở nông thôn. Công bằng không có nghĩa là cào bằng mức sống mà là công bằng trong đóng góp và hưởng thụ thành quả mà họ đã đóng góp từ công sức đến tiền bạc; công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi. Bác Hồ đã dạy: Mặc dù dân ta còn nghèo, ăn chưa được ngon, mặc chưa đủ ấm nhưng "không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng" và nhất là sợ lòng dân không yên.