đặc thù của trách nhiệm pháp lý nói chung, phát sinh trên cơ sở có hành vi vi phạm nghĩa vụ của một bên trong quan hệ nghĩa vụ. Để hiểu rõ về trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cần tìm hiểu trước hết về trách nhiệm pháp lư nói chung:
1.2.1. Khái niệm về trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Khái niệm về trách nhiệm pháp lý:
Trong đời sống xã hội nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng, con người có rất nhiều mối quan hệ. Xuất phát từ quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với tổ chức, giữa cá nhân với nhà nước, giữa nhà nước với tổ chức… giữa các chủ thể này có các quyền và nghĩa vụ với nhau và từ đó thuật ngữ “trách nhiệm” được dùng khá phổ biến. Ví dụ: trong đời sống hàng ngày, bố mẹ có trách nhiệm nuôi dậy con cháu và ngược lại con cháu có bổn phận kính trọng, yêu thương ông bà, cha mẹ; những người đã kết hôn có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện quan hệ một vợ một chồng; hay mỗi công dân trong xã hội đều có nghĩa vụ chấp hành pháp luật. Trách nhiệm hay nghĩa vụ được hiểu theo nhiều cách: Theo từ điển Tiếng Việt,
trách nhiệm được hiểu theo hai cách là: “1. Phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải đảm bảo làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả; 2. Sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, đảm bảo đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu phần hậu quả” [37, tr.1678]. Theo đó, trách
nhiệm được hiểu cả theo hai nghĩa tích cực và tiêu cực. Theo nghĩa tích cực, trách nhiệm là việc một người hay tổ chức phải làm vì lợi ích của người khác hay tổ chức khác. Theo nghĩa tiêu cực, trách nhiệm là hậu quả bất lợi mà chủ thể phải gánh chịu về mình khi không thực hiện nghĩa vụ hay có sự vi phạm. Việc thực hiện trách nhiệm của chủ thể tùy từng trường hợp mà có thể có sự can thiệp của Nhà nước. Nếu trách nhiệm được Nhà nước điều chỉnh bằng quy phạm pháp luật thì trách nhiệm đó trở thành bắt buộc và gọi là trách nhiệm pháp lý.
Sự phát triển chung của xã hội kéo theo sự phát triển của pháp luật, ngày nay pháp luật không chỉ có chức năng bảo vệ các quan hệ xã hội mà còn thúc đẩy sự phát
triển của xã hội theo hướng khách quan. Do đó, đối với các quan hệ trách nhiệm, pháp luật không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện các chế tài xử lý những hành vi vi phạm mà còn tác động đến việc hình thành ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong xã hội thông qua việc quy định những trách nhiệm mà họ phải thực hiện. Thông qua chức năng định hướng, pháp luật mong muốn và đòi hỏi các thành viên trong xã hội ý thức không chỉ chịu trách nhiệm pháp lý đối với những vi phạm pháp luật do mình gây ra mà còn phải tự ý thức về trách nhiệm phải thực hiện như một bổn phận – điều này thể hiện tính tự giác của các cá nhân, tổ chức khi thực hiện các công việc
của mình trước cộng đồng, xã hội. Ví dụ điều 11 Hiến pháp quy định: “Công dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở bằng cách tham gia công việc của Nhà nước và xã hội, có trách nhiệm bảo vệ của công, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, tổ chức đời sống công cộng” [23, Điều 11]. Nếu vi phạm các quy định pháp luật thì cá nhân hoặc tổ
chức phải chịu một hình thức trách nhiệm nhất định đối với Nhà nước và xã hội. Trách nhiệm này thể hiện thái độ phê phán của Nhà nước đối với hành vi có lỗi của người vi phạm, đồng thời người vi phạm phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, trách nhiệm này sẽ được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.
Trách nhiệm pháp lý là hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật, được thực hiện bởi sự tự nguyện của chủ thể vi phạm hoặc bởi sự cưỡng chế của Nhà nước thông qua hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, tòa án, cảnh sát, quân đội. Đối với những hành vi vi phạm pháp luật phải truy cứu trách nhiệm pháp lý, nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế đã được quy định trong bộ phận chế tài của các quy phạm pháp luật đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Tuy vậy, trách nhiệm pháp lý không phải là sự cưỡng chế nhà nước mà chỉ là nghĩa vụ phải gánh chịu và nghĩa vụ đó được đảm bảo thực hiện bởi Nhà nước. Trách nhiệm pháp lý có những đặc điểm cơ bản là: chỉ phát sinh khi có đầy đủ các căn cứ pháp luật quy định; trách nhiệm pháp lý được đảm bảo thực hiện bởi Nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trách nhiệm pháp lý mang lại hậu quả pháp lý bất lợi cho chủ thể bị áp dụng; và trách nhiệm pháp lý có mục đích giáo dục, phòng ngừa các
hành vi vi phạm pháp luật.
Từ những phân tích ở trên có thể đưa ra khái niệm về trách nhiệm pháp lý như sau: trách nhiệm pháp lý là hậu quả bất lợi mà chủ thể vi phạm pháp luật phải gánh chịu do hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác, được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế do pháp luật quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị vi phạm.
Khái niệm về trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế:
Trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và là một dạng cụ thể của trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng được hiểu là việc bên vi phạm hợp đồng phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do hành vi vi phạm của mình đối với bên còn lại của hợp đồng. Vi phạm hợp đồng là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng của bên vi phạm. Đối với bên vi phạm hợp đồng, trách nhiệm này là trách nhiệm vật chất nên thuật ngữ “trách nhiệm vật chất do vi phạm hợp đồng” được sử dụng khá rộng rãi.
Trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng hay trách nhiệm do vi phạm hợp đồng nói chung là một dạng của trách nhiệm pháp lý nên nó mang đầy đủ đặc điểm của trách nhiệm pháp lý. Tuy vậy, do tính chất đặc thù của quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế nên trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có những điểm đặc thù riêng:
Thứ nhất, điều kiện để quy trách nhiệm vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: Cơ sở của trách nhiệm pháp lý nói chung là sự vi phạm pháp luật của chủ thể. Vi phạm pháp luật là hành vi trái với quy định của pháp luật do chủ thể có năng lực pháp luật và năng lực hành vi thực hiện. Cơ sở của trách nhiệm do vi phạm hợp đồng nói chung và Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng. Để quy trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng phải có đủ các yếu tố cấu thành trách nhiệm hay còn gọi là các điều kiện để quy trách nhiệm. Các yếu tố đó là: có sự vi phạm hợp đồng, có thiệt hại tài sản của bên bị vi phạm, có mối quan hệ
nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại tài sản xảy ra, có lỗi của bên vi phạm. Trong các yếu tố trên, việc đầu tiên cần xem xét là có hành vi vi phạm hợp đồng. Để xác định bên nào vi phạm hợp đồng phải xuất phát từ hợp đồng đã được ký kết, nghĩa vụ của các bên để từ đó xác định vi phạm, mức độ vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tiếp theo là phải xác định và chứng minh thiệt hại tài sản của bên bị vi phạm, đó là cơ sở để yêu cầu bên vi phạm hợp đồng bồi thường, tuy nhiên thiệt hại về tài sản mà bên vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường là những thiệt hại trực tiếp do chính vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của bên vi phạm gây ra, các thiệt hại gián tiếp sẽ không được bồi thường.
Thứ hai, về tính chất của trách nhiệm: Trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng
mua bán hàng hóa quốc tế mang tính bắt buộc, cưỡng chế đối với bên vi phạm. Trách nhiệm này là trách nhiệm vật chất vì trong quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế, yếu tố vật chất luôn được các bên đưa lên hàng đầu vì mục đích hợp tác là mục đích kinh doanh nhằm đem lại lợi nhuận cho các bên tham gia. Khi thực hiện hợp đồng, một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ của mình đã được quy định trong hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ đó với bên bị vi phạm. Bên bị vi phạm có quyền áp dụng các chế tài được pháp luật quy định hoặc thừa nhận để yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại cho mình, các chế tài này được đảm bảo thực hiện bởi các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. Việc cưỡng chế này một mặt thể hiện sự phê phán của Nhà nước đối với hành vi vi phạm và người vi phạm pháp luật, một mặt là biện pháp trừng phạt của Nhà nước đối với hành vi vi phạm và buộc bên vi phạm hợp đồng phải khôi phục quyền lợi cho bên bị vi phạm. Theo đó, Bên vi phạm hợp đồng phải gánh chịu những hậu quả vật chất bất lợi là phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bồi hoàn những tổn thất vật chất cho bên bị vi phạm do hành vi vi phạm hợp đồng của mình. Trách nhiệm của bên vi phạm đối với bên bị vi phạm hợp đồng là trách nhiệm kinh tế, dân sự.
Thứ ba, hình thức của trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: có nhiều hình thức trách nhiệm cho bên vi phạm Hợp đồng mua bán hàng
hóa quốc tế như: trả cho bên bị vi phạm tiền phạt vi phạm hợp đồng, tiền bồi thường thiệt hại, buộc bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc hủy hợp đồng do có một bên vi phạm hợp đồng; đồng thời bên vi phạm còn phải gánh chịu những tổn thất về vật chất khác như chi phí để thực hiện đúng hợp đồng, các tổn thất do hợp đồng bị hủy bỏ hay đình chỉ. Ví dụ: bên bán giao hàng kém chất lượng thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải giao hàng khác thay thế theo đúng tiêu chuẩn chất lượng được quy định trong hợp đồng; hay bên bán giao hàng không đủ số lượng thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải giao đủ số lượng hàng đã thỏa thuận; hay như giao hàng không đúng thời hạn gây thiệt hại cho bên mua thì bên bán phải chịu phạt hoặc bồi thường thiệt hại… Tuy có nhiều hình thức trách nhiệm, nhưng các hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng đều có bản chất giống nhau là đều mang tính “trách nhiệm vật chất”. Khi phải gánh chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, bên vi phạm phải gánh chịu hậu quả vật chất bất lợi đối với bên bị vi phạm như: phải trả tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, chi phí ngăn chặn, khắc phục hậu quả. Trách nhiệm vật chất này là nghĩa vụ phải thi hành của bên vi phạm, nếu không tự nguyện thực hiện thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ cưỡng chế thi hành – điều này được thống nhất trong các điều ước quốc tế về mua bán hàng hóa cũng như pháp luật của các quốc gia.
Thứ tư, về thẩm quyền áp dụng: khác với trách nhiệm pháp lý thông thường
là chỉ được quyết định áp dụng bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do yếu tố nước ngoài của hợp đồng mà trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được áp dụng bởi cơ quan tài phán nước ngoài hoặc cơ quan tài phán phi chính phủ như cơ quan trọng tài của quốc gia khác, trọng tài quốc tế… Khi cơ quan tài phán thụ lý vụ việc tranh chấp giữa các bên thì pháp luật được áp dụng để giải quyết tranh chấp có thể là pháp luật của một bên, hoặc pháp luật của nước thứ ba hoặc pháp luật quốc tế về mua bán hàng hóa – điều này là không thể có đối với trách nhiệm pháp lý thông thường vì các trách nhiệm này chỉ được giải quyết bởi nội luật của mỗi quốc gia.