Chế tài bồi thường thiệt hại 56

Một phần của tài liệu Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 62 - 66)

Bồi thường thiệt hại là một hình thức trách nhiệm pháp lý được các bên trong Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế áp dụng phổ biến cả trong trường hợp không thực hiện và thực hiện không đúng hợp đồng. Khi xảy ra việc vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm bồi thường các thiệt hại xảy đến với mình.

Theo Công ước Viên thì tất cả các trường hợp vi phạm hợp đồng bên bị vi phạm đều có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại (điểm b, khoản 1, Điều 45 Công ước Viên). Việc áp dụng Công ước Viên làm văn bản pháp lý để đòi bồi thường thiệt hại áp dụng cho cả hai trường hợp quốc gia của bên mua và bên bán đã là hoặc chưa là thành viên của Công ước Viên, tuy nhiên điều kiện áp dụng khác nhau: đối với trường hợp quốc gia mà bên mua và bên bán có quốc tịch đều là thành viên của Công ước Viên thì các bên được áp dụng quy định của Công ước để yêu cầu bồi thường thiệt hại dù hợp đồng có hoặc không có quy định Công ước là nguồn luật điều chỉnh hợp đồng; trường hợp quốc gia mà các bên có quốc tịch không là thành viên của Công ước Viên thì các bên vẫn có thể viện dẫn Công ước để yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu hợp đồng quy định Công ước là nguồn luật điều chỉnh hợp đồng hoặc các bên viện dẫn đến việc áp dụng Công ước để giải quyết tranh chấp.

Chế tài bồi thường thiệt hại là chế tài được áp dụng phổ biến nhất và hầu hết Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nào cũng quy định trong hợp đồng. Pháp luật của các nước trên Thế giới đều có quy định về chế tài này, điển hình như: Luật Hợp đồng

của Pháp quy định: “người bán hàng phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do hàng kém phẩm chất gây ra” và “người mua được nhận bồi thường những tổn thất trong trường hợp người bán không thực hiện một nghĩa vụ nào của hợp đồng” [20, tr.30]. Pháp luật về thương mại của Cộng hòa liên bang Đức quy định: “Người mua có quyền yêu cầu người bán bồi thường mọi chi phí bỏ ra để mua hàng đó” [20, tr.73]. Pháp luật Hoa Kỳ quy định: “Thương nhân có nghĩa vụ bồi thường tổn thất, sửa chữa, thay thế hàng hoặc đáp ứng một số yêu cầu khác tùy theo sự lựa chọn của người mua nếu hàng hóa mình đã bán không đáp ứng các điều kiện để bảo đảm” [20, tr.126]. Luật hợp đồng

Trung Quốc quy định tại Điều 113: khi một bên trong hợp đồng không thực hiện hoặc thực hiện không tốt nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường.

Pháp luật Việt Nam quy định về chế tài này tại điều 307 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, điều 302 Luật thương mại năm 2005: Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành

vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Thiệt hại được bồi thường: Pháp luật các nước đều có quy định thiệt hại thế nào mới là đối tượng của bồi thường: hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định thiệt hại trực tiếp do hành vi vi phạm hợp đồng mới được bồi thường, những thiệt hại gián tiếp sẽ không được bồi thường:

Theo pháp luật Anh, Điều 50, 51 Luật Bán hàng Anh quy định: những thiệt hại được bồi thường phải là thiệt hại phát sinh trực tiếp từ việc vi phạm hợp đồng, phát sinh một cách tự nhiên từ cách thức thông thường của việc vi phạm hoặc phải được hai bên dự tính trước một cách hợp lý khi ký hợp đồng. Những thiệt hại gián tiếp sẽ không được bồi thường. Ví dụ: Một khách sạn (nguyên đơn) cần mua bàn ghế, hệ thống nồi chuyên dụng của khách sạn 5 sao để thực hiện một hợp đồng có lợi nhuận lớn phục vụ cho đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tham gia hội nghị thượng đỉnh một tuần ở nước sở tại. Họ đã ký hợp đồng với một công ty chuyên cung cấp bàn ghế, nồi xoong chuyên dụng (bị đơn). Trong hợp đồng quy định thời gian giao hàng là 2 tuần. Đến hạn giao hàng bị đơn giao hàng muộn do hàng không có sẵn. Nguyên đơn kiện bị đơn đòi bồi thường hai khoản là lợi nhuận thông thường tính trên lượng khách bình quân của khách sạn trong 1 tuần và lợi nhuận lớn hơn rất nhiều lần từ hợp đồng phục vụ đoàn ngoại giao Hoa Kỳ. Tranh chấp được giải quyết tại Cơ quan tài phán, bị đơn lập luận: bị đơn thừa nhận mình giao hàng muộn nhưng không hề biết gì về hợp đồng mang lại lợi nhuận lớn mà nguyên đơn ký với đoàn ngoại giao. Cơ quan tài phán đã đồng ý với lập luận này của bị đơn và xử cho bị đơn chỉ phải bồi thường khoản thiệt hại thông thường vì thiệt hại đó là “có thể thấy trước một cách hợp lý”.

Pháp luật Trung Quốc: Theo Điều 113 Luật hợp đồng Trung Quốc: một bên vi phạm hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại dù hợp đồng có quy định hay không.

Luật thương mại Việt Nam, điều 302 quy định: thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp và khoản lợi đáng lẽ được hưởng của bên bị vi phạm. Ví dụ: Giám đốc một Công ty A gọi điện yêu cầu hãng taxi chở ông cùng đoàn tùy tùng đi ra nước ngoài ký kết hợp đồng trị giá 2 triệu USD. Do mới vào nghề và chưa thạo đường nên taxi đã đến muộn nên đoàn công tác của Công ty A lỡ chuyến bay và mất luôn cơ hội ký hợp đồng với đối tác nước ngoài. Như vậy Công ty A phải gánh chịu thiệt hại lớn từ việc chậm trễ của người lái xe taxi, và đề nghị cơ quan tài phán buộc hãng taxi phải bồi thường cho công ty A toàn bộ thiệt hại do lỡ chuyến bay và thiệt hại do không ký được hợp đồng. Trường hợp này cơ quan tài phán chỉ chấp nhận cho hãng taxi bồi thường những thiệt hại trực tiếp là chi phí vé máy bay và điện thoại, còn thiệt hại gián tiếp là hợp đồng bị mất của Công ty A không được bồi thường.

Giá trị thiệt hại được bồi thường: vấn đề này pháp luật các quốc gia quy

định có nhiều điểm giống nhau, tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt và được pháp luật thương mại quốc tế thừa nhận:

Theo pháp luật Anh: khi xác định tiền bồi thường bên bị vi phạm nhận được là bao nhiêu tòa án thường áp dụng phương pháp tính toán thiệt hại ước tính nhằm đền bù cho bên bị vi phạm những lợi ích họ đáng được hưởng nếu hợp đồng được thực hiện, ví dụ người mua mua hàng với mục đích bán lại để kiếm lợi nhuận mà người bán không giao hàng thì người mua có quyền kiện đòi chênh lệch giữa tiền mua và tiền bán lại. Giá bán lại là giá thị trường tại thời điểm hàng hóa phải được giao nếu hàng hóa có “thị trường” tức là được mua bán dễ dàng trên thị trường. Nếu hàng hóa không có thị trường thì giá bán lại có thể được xác định thông qua việc bán lại hàng nhưng sẽ kém chính xác hơn. Tùy từng trường hợp mà tòa án sẽ áp dụng phương pháp tính thiệt hại nào cho công bằng.

Theo Luật Hợp đồng Trung Quốc: Điều 113 quy định: Số tiền bồi thường là tương đương với thiệt hại của bên bị vi phạm, bao gồm cả khoản lợi mà đáng lẽ bên bị vi phạm được hưởng nếu không xảy ra việc vi phạm hợp đồng. Tiền bồi thường thiệt hại không thể lớn hơn thiệt hại có thể do việc vi phạm gây ra mà bên vi phạm có thể lường trước hoặc đáng lẽ phải lường trước vào thời điểm ký kết hợp đồng.

Tuy nhiên pháp luật Trung Quốc không quy định giá trị thiệt hại có bao gồm tổn thất gián tiếp, tổn thất tinh thần hay không - điều này dễ dẫn tới trường hợp khi phát sinh tranh chấp bồi thường thiệt hại bên bị vi phạm tính cả những tổn thất không phải do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra vào giá trị thiệt hại, còn bên vi phạm sẽ tìm mọi lý do để chứng minh tổn thất gián tiếp đó không thuộc trách nhiệm của mình. Do đó, trong quá trình ký kết hợp đồng mà có thể có tranh chấp dẫn chiếu đến pháp luật Trung Quốc thì các bên cần chú ý để quy định rõ phạm vi giá trị thiệt hại trong hợp đồng để tránh những thiệt hại không đáng có.

Về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại và nghĩa vụ chứng minh thiệt hại: Pháp luật

Việt Nam quy định về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại tại Điều 305 luật Thương mại như sau: Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được. Đồng thời Điều 304 quy định về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại như sau: Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)