Miễn trách nhiệm do lỗi của bên bị vi phạm 81

Một phần của tài liệu Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 87 - 89)

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, khi một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mà nguyên nhân xuất phát từ lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm được miễn trách nhiệm cho vi phạm hợp đồng đó. Điều 80 Công ước Viên quy định: Một bên không được viện dẫn một sự không thực hiện nghĩa vụ của bên kia trong chừng mực mà sự không thực hiện nghĩa vụ đó là do những hành vi hay sơ suất của chính họ. Theo quy định này của Công ước thì hành vi hoặc sơ suất của một bên làm cho bên kia vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm – tức là hành vi hay sơ suất của bên bị vi phạm sẽ là căn cứ miễn trách

nhiệm cho bên vi phạm. Bộ nguyên tắc UNIDROIT cũng quy định tương tự Công ước Viên về vấn đề này tại Điều 7.1.2: Một bên không thể đòi bồi thường do bên kia không thực hiện hợp đồng trong chừng mực mà việc không thực hiện là một hành vi hay sự sơ suất của chính bên này hoặc do một sự kiện mà bên này phải chịu rủi ro. Pháp luật các nước cũng có quy định tương thích, phù hợp với Công ước Viên, pháp luật quốc tế về miễn trách nhiệm do lỗi của bên bị vi phạm.

Để được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong trường hợp này thì bên vi phạm phải chứng minh được hai điều kiện: thứ nhất, bên vi phạm không có lỗi, sự vi phạm hợp đồng của họ là do hành vi hay sơ suất của bên bị vi phạm – tức là do lỗi của bên bị vi phạm. Thứ hai, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi, sơ xuất của bên bị vi phạm và việc vi phạm hợp đồng, trong đó hành vi hoặc sơ suất của bên bị vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới kết quả vi phạm hợp đồng của bên còn lại. Ví dụ, Hợp đồng xuất khẩu cà phê của Việt Nam với bên nhập khẩu là thương nhân Bỉ. Hợp đồng quy định bên mua phải mở LC thanh toán 100% trước ngày bên bán giao hàng 15 ngày. Đến thời hạn giao hàng, bên mua chỉ mở được 50% LC và bên bán không giao hàng. Tranh chấp xảy ra, dù bên bán không giao hàng theo đúng hạn hợp đồng nhưng việc này là do bên mua không mở LC theo đúng cam kết. Việc không giao hàng của bên bán là do lỗi của bên mua và do đó bên bán không phải chịu trách nhiệm vì không giao hàng.

Pháp luật Việt Nam quy định trường hợp này tương đồng và phù hợp với luật quốc tế: Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 302 khoản 3 quy định: Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền. Và Điều 448 khoản 2 về bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành quy định: Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Thống nhất với quan điểm của Bộ luật dân sự, Luật Thương mại 2005 cũng quy định quyền miễn trách nhiệm này tại Điều 294 khoản 1 điểm c: Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm nếu hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 87 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)