về các hình thức trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Bên cạnh những điểm giống nhau thì Công ước Viên và pháp luật các quốc gia còn nhiều điểm khác nhau trong quy định về các hình thức trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế:
Về hình thức trách nhiệm: so với Công ước Viên và pháp luật các nước khác, pháp luật Việt Nam nhiều hơn 3 chế tài là tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và phạt vi phạm hợp đồng. Đồng thời pháp luật Việt Nam cũng đưa ra khái niệm các chế tài trong khi Công ước Viên và các nước khác chưa quy định.
Về thiệt hại do vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế các nước quy định không giống nhau, điển hình như luật Dân sự Pháp quy định thiệt hại được hiểu là thiệt hại trực tiếp – thiệt hại phát sinh liền ngay sau đó, thiệt hại gián tiếp là không phải thiệt hại trực tiếp. Pháp luật Anh, Mỹ thì không quy định cụ thể nhưng thiệt hại được bồi thường cũng là thiệt hại trực tiếp nhưng được phản ánh qua án lệ. Pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về vấn đề này.
Chế tài bồi thường thiệt hại thể hiện rõ nét sự khác nhau trong quy định của các nguồn luật: Về điều kiện được bồi thường thì Luật thương mại Việt Nam quy định đủ bốn yếu tố cấu thành là: có hành vi vi phạm, có thiệt hại, có lỗi của bên vi phạm và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại; trong khi Công ước Viên và pháp luật các nước không nêu rõ bốn yếu tố đó. Về nghĩa vụ chứng minh: Luật thương mại Việt Nam quy định nghĩa vụ chứng minh để đòi bồi thường thuộc về bên bị vi phạm, Công ước Viên và pháp luật các nước không yêu cầu bên đòi bồi thường phải chứng minh thiệt hại.
Chế tài phạt vi phạm: Pháp luật Việt Nam quy định rõ về chế tài phạt vi phạm trong khi Công ước Viên và nhiều nước không có chế tài này nhưng cũng không cấm các bên thỏa thuận áp dụng trong hợp đồng.