Nhân vật giả trinh thám

Một phần của tài liệu Giả trinh thám trong Tên tôi là Đỏ của Orhan Pamuk (Trang 28 - 35)

6. Đóng góp của luận văn

1.2. Nhân vật giả trinh thám

Có ý kiến cho rằng, tiểu thuyết sống bằng nhân vật. Nói rộng ra, văn học không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là phương tiện để nhà văn khái quát hiện thực bằng hình tượng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về hiện thực đời sống. Bàn về nhân vật, 150 thuật ngữ văn học đưa ra khái niệm: “Nhân vật văn học là hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ” [5, 249]. Với vai trò là những “tấm gương của đời sống”, nhân vật được xem là cốt tử đối với văn học, đặc biệt là tiểu thuyết. Ở thế kỉ XX, nhà văn không có tham vọng giải thích nhân vật mà xây dựng nó từ những mảnh ghép hoặc đơn thuần là phương tiện trung gian chuyển tải một cách nhìn, một quan điểm. Như vậy, dù có quan điểm xây dựng nhân vật phi tâm lý, phi tính

cách, nhân vật phi trung tâm, thì nhân vật vẫn không thể bị thủ tiêu trong truyện kể.

Ở truyện trinh thám, nhân vật thường tồn tại ở kiểu cặp đôi: tội phạm – nạn nhân, tội phạm – thám tử, thám tử - nạn nhân, thám tử - người đồng hành, trong đó cặp đôi thám tử - tội phạm là cơ bản. Mô hình này hình thành từ những sáng tác của Edgar Allan Poe. Diễn biến của truyện trinh thám trở thành hành trình truy đuổi của nhân vật thám tử đối với kẻ phạm tội để tìm ra điều bí ẩn. Các cặp nhân vật trên, trong Tên tôi là Đỏ, đều được xuất hiện. Tuy nhiên, ngoài cặp đôi cơ bản của truyện trinh thám, tác phẩm có những nhân vật ngoài luồng, không tham gia vào cốt truyện vụ án. Chín nhân vật xuất hiện trong các bức tranh, thông qua lời của ông thầy kể chuyện tại quán cà phê, dường như làm loãng cuộc điều tra. Mỗi nhân vật kể về hành trình của mình, về việc tồn tại và thay đổi ra sao trong các bức tranh, tuyệt nhiên không thể làm nhân chứng cho vụ án. Nhân vật kiểu này chiếm dung lượng chín chương, nhưng lời kể của họ không khiến cho vụ án nhanh tới đích, mà làm người đọc bị mất tập trung vào cuộc điều tra.

Trong những nguyên tắc của truyện trinh thám đặt ra đối với nhân vật, duy nhất một thám tử thông minh đưa ra được kết luận của mình thông qua sự phân tích manh mối. Hơn nữa, người ta có thể đưa ra những tiêu chí để xếp loại đẳng cấp thám tử. Thám tử phải nắm bắt thông tin giỏi, biết nghi ngờ trong quá trình tiếp nhận thông tin, kỹ năng quan sát và tìm kiếm hiện trường, kỹ năng phân tích suy luận và khả năng gây đột biến bất ngờ. Những tiêu chí trên áp dụng với nhà thám tử trong tiểu thuyết cổ điển. Trong tiểu thuyết phân vân hồi hộp, thám tử không phải lúc nào cũng có đủ sức mạnh để vượt qua được mọi trở ngại, ngược lại, anh ta luôn có nguy cơ bị rơi vào thất bại. Sang thời kì hậu hiện đại, việc thám tử thành công hay thất bại không còn quan trọng. Hành trình điều tra của anh ta không còn là trọng tâm của câu chuyện.

Vì thế, theo hệ quy chiếu của nhân vật thám tử trong truyện trinh thám cổ điển, nhân vật Siyah không đáp ứng yêu cầu của một thám tử. Ngay từ đầu, Siyah xuất hiện không phải làm thám tử điều tra, mà phụ giúp dượng Enishte Kính mến hoàn thiện cuốn sách được Đức vua giao. Khi có nạn nhân đầu tiên - nhà tiểu họa Zarif, các nhân vật hoang mang, nghi ngờ lẫn nhau, nhưng không ai tiến hành điều tra. Tất cả sự phán đoán chỉ diễn ra trong ý nghĩ của họ. Siyah chỉ thực sự đảm nhận vai trò thám tử sau cái chết của Enishte Kính mến, cha của Shekure, người phụ nữ mà chàng đã yêu say đắm suốt mười hai năm qua. Động lực đầu tiên và trực tiếp nhất để chàng dấn thân vào cuộc điều tra chính là trái tim yêu thương mãnh liệt với nàng Shekure. Vì tình yêu ấy, chàng đã dám đương đầu với cả sự sống và cái chết để tìm ra thủ phạm và giành lấy hạnh phúc trọn vẹn cho mình. Siyah không phải là nhà tiểu họa tài ba nhất, cũng không phải là chiến binh dũng cảm nhất, nhưng ở chàng có nét giản dị và chân thành, minh mẫn và nhiệt huyết đủ để đảm đương vai trò của một thám tử. Chàng không cuồng si những trang vẽ minh họa, nhưng chàng hiểu vẻ đẹp ngàn đời của nghệ thuật tiểu họa. Chàng không tham gia chinh chiến, nhưng những bước đi của chàng trong mười hai năm lưu lạc chính là những trải nghiệm quý báu. Ở bảy chương đầu từ khi xuất hiện trong tác phẩm (chương 2 đến chương 33), Siyah gây ấn tượng với độc giả bởi những trang viết về tình yêu với giọng trữ tình thiết tha. Thông qua lời tự bạch khắc khoải, người đọc nhận thấy một Siyah nặng lòng với quê hương và nghệ thuật, ấp ủ một tình yêu trong sáng và ngọt ngào. Chỉ trong năm chương sau (chương 36 đến chương 52), khi xuất hiện thêm một nạn nhân, cuộc điều tra mới thực sự bắt đầu. Như vậy, hơn một nửa chặng hành trình của Siyah trong tác phẩm không phải là phá án. Những câu chuyện của anh ta nằm ngoài trọng tâm công việc của thám tử. Sau này, anh ta tham gia vào cuộc điều tra cũng là bất đắc dĩ. Vai trò thám tử của Siyah cho ta thấy mê cung đang mở ra nhiều

lối, chính bản thân nhân vật quan trọng nhất của cuộc điều tra, ngay từ đầu đã không xác định được vị trí của mình.

Khác với nhân vật thám tử, kẻ phạm tội luôn chủ động che giấu giọng điệu của mình. Nhân vật đeo mặt nạ suốt gần hết tác phẩm, ngoài giây phút tự dằn vặt mình vì hành vi tội lỗi, thì hắn luôn tự tin vào tài năng đánh lạc hướng của mình. Nếu ở truyện trinh thám khác, tội phạm sẽ chỉ xuất hiện ở phút chót khi tấm màn bí ẩn được kéo lên, thì ở đây, ngay từ đầu, người đọc được đối thoại với chính kẻ giết người. Đây là một nhân vật đặc biệt với những chiều kích tâm lý phức tạp và nhiều mâu thuẫn. Lời kể của anh ta đã tự kết án bản thân, lại như tự biện minh cho hành vi của mình. Anh ta che giấu thân phận nhưng lại thách thức độc giả tìm ra mình. Vừa lẩn tránh, anh ta lại vừa muốn được người khác thấu hiểu. Anh ta cũng không ngần ngại đối thoại với độc giả, bộc lộ những giằng xé trong thế giới nội tâm. Thủ phạm đối thoại với độc giả bằng hai giọng trong một con người. Ở cả hai gương mặt kẻ sát nhân và nghệ sĩ tài hoa, độc giả nhận thấy tình yêu nghệ thuật đến mức tôn thờ của anh ta. Vì niềm tin ấy, anh ta có thể sống và cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật. Nhưng khi mất phương hướng, niềm tin của anh ta trở nên mù quáng. Đây chính là động cơ khiến anh ta giết Zarif và Enishte để bảo vệ lý tưởng nghệ thuật mà mình theo đuổi. Xung đột giữa anh ta và nạn nhân xuất hiện khi hố sâu ngăn cách phong cách nghệ thuật Đông – Tây được cố gắng lấp đầy. Sự mê muội đã biến nhân cách của anh ta trượt dài thành tên sát nhân. Một hung thủ thật thà kể chính xác quá trình phạm tội của mình, nhưng điều này không giúp gì cho quá trình điều tra của độc giả. Kẻ sát nhân khôn ngoan che đậy bản chất của mình trong vai trò là một nhà tiểu họa tài hoa, thậm chí còn thách thức những người đi tìm sự thật. Người đọc càng cảm thấy bất ngờ và rợn ngợp trong mê cung mà cặp đôi tội phạm – thám tử tạo ra.

Ngoài ra, ngay khi mở trang đầu tiên của tác phẩm, độc giả đã phải rùng mình trước lời kể của một tử thi mang đầy nỗi niềm. Thợ cả Zarif kể lại câu chuyện của mình ở vị trí của một tử thi đứng ở thế giới bên kia hé lộ thân phận nạn nhân và thủ phạm của vụ án sát hại lẫn nhau trong giới tiểu họa. Nhân vật Zarif là nút thắt quan trọng và cũng đầy bất ngờ. Tác phẩm đặt ngay ra cho độc giả một giả định hoàn toàn hoang đường: người đã chết, trong khoảng thời gian ngắn ngủi trượt dần từ mép bờ của sự sống xuống vực sâu của cái chết, anh ta đã tự chia đôi mình thành hai cái “tôi” - một cái “tôi” bình tĩnh quan sát cảnh trạng ghê rợn của cái “tôi” còn lại (bị hòn đá đập vỡ sọ, những chiếc răng rụng như hạt cây vào cái miệng đầy máu, bị chặt đứt đầu, hai bàn chân giãy giụa như chân một con ngựa đang giãy chết...) và lắng nghe trọn vẹn những cảm giác, những suy nghĩ cuối cùng của nó. Đến đây, chúng tôi nhớ tới một tác phẩm Ngày cuối cùng của người bị kết án của Victor Hugo. Cũng là tự sự ở đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, cũng đặt ra giả định hoang đường về một sự chia đôi người kể chuyện thành hai cái “tôi” - một cái “tôi” đang sống trong ngày cuối cùng của đời mình, trước giờ lên đoạn đầu đài, và một cái “tôi” im lặng quan sát để “ghi biên bản tường thuật”. Thế nhưng, tự thuật của người tử tù trong truyện của V. Hugo đã dừng lại ở lúc anh ta chuẩn bị đút đầu vào máy chém, anh ta không bao giờ được tự chứng kiến cảnh lưỡi dao cắt lìa đầu mình như thế nào. So với V.Hugo, sự hoang đường trong tưởng tượng văn chương của Pamuk đã được đẩy đến mức tột cùng. Ngoài nỗi đau đớn và tiếc nuối trước cái chết bất ngờ, nhân vật còn khá hài hước khi kể về nỗi tò mò của mình về kiếp sau. Cũng như thế, tử thi thứ hai, Enishte Kính mến, sau nỗi đau đớn về thể xác, “linh hồn tôi hết sức bình yên, khi đã trở lại với cõi vinh quang trước đây của nó sau nhiều năm chịu đựng khổ đau nơi trần thế” [38, 317]. Nhân vật dành khá nhiều lời kể về cảm giác mới mẻ trong “chuyến hành trình thăng thiên tuyệt vời”. Ông vốn đã biết

điều này qua những trang sách của Gazzali, El Jevziyye về cái chết, nhưng vẫn không khỏi ngỡ ngàng và háo hức được bước vào thế giới mới. Lời kể của hai nạn nhân, cũng là hai nhân chứng duy nhất của vụ án, không hé lộ cho người đọc về thông tin của kẻ giết người, ngoại trừ việc “hắn ở trong số chúng ta”. Cuộc đối thoại với độc giả của hai nạn nhân – nhân chứng này đưa chúng ta theo một hướng khác – hành trình hiểu biết về cõi chết. Khi đã chết, nhân vật bằng lòng chấp nhận giới hạn của cuộc đời, “xin đừng nghĩ rằng tôi vô cùng tức giận tên giết người của tôi hoặc cho rằng tôi nghĩ đến việc trả thù, hay thậm chí linh hồn tôi bất an vì tôi đã bị giết một cách tàn bạo và phản trắc” [38, 317].

Các nhân vật (thám tử - tội phạm – nạn nhân) không tập trung vào việc cốt yếu mà ở vị trí của họ cần phải làm. Cùng với bộ ba nhân vật này, hàng loạt các nhân vật khác, hữu danh và vô danh, mỗi người kể cho ta nghe một câu chuyện riêng của họ. Nàng Shekure xinh đẹp với nỗi đau khổ về cuộc hôn nhân vô vọng và khát khao hạnh phúc luôn rực cháy, thằng bé Orhan lém lỉnh nhìn thế giới bằng ánh mắt trong sáng trẻ thơ, bà mối Esther toan tính, sư phụ Osman uyên bác, Enishte khôn khéo, ba nhà tiểu họa tài năng nhưng đang lúng túng “nhận đường”… Mượn tiếng nói con người, các nhân vật trong bức tranh kể chuyện đời mình. Con chó láu lỉnh kể thân phận kiếp chó, đồng tiền vàng giả và hành trình đi khắp đó đây, cội cây và con ngựa với đời sống trong tranh, Thần chết và sự ra đời của y trong tranh, Satan và những câu chuyện của Kinh Koran, hai nhà khổ tu và thân phận không được thừa nhận, người phụ nữ Ottoman và khát khao về quyền được sống và được yêu… Cái tạo nên sức hấp dẫn của lối viết nhân hóa – tự thuật ở chỗ tác giả cho mỗi chương là một lời tự thuật của một nhân vật, với thái độ riêng biệt của chúng trước cuộc đời đầy bất công phi lý này. Giọng văn lúc khoan thai từ tốn như tác giả đang nhàn tản ngắm cảnh, lúc cay độc khinh thị trước lòng tham lam độc ác, ích kỷ

của con người. Tác giả để nhân vật từ từ hé lộ mình, để phần lại cho người đọc ngẫm nghĩ, suy đóan, theo dõi, phân tích, tổng hợp tâm lý của từng nhân vật qua lời kể của họ, tạo tâm lý căng thẳng hồi hộp, tò mò cho người đọc.

Theo nguyên tắc, một cuốn tiểu thuyết trinh thám không cần thiết phải có nhiều nhân vật không liên quan để tạo “bầu khí quyển” cho câu chuyện. Nhưng ở đây, Pamuk đã cho hai mươi nhân vật lần lượt xuất hiện như một cách “gây nhiễu”. Có những nhân vật xuất hiện một lần, có những nhân vật trở đi trở lại nhưng không ở các chương liên tiếp nhau. Trong số đó, có tới chín nhân vật không liên quan tới vụ án. Các nhân vật của ông đối thoại với người nghe ẩn tàng, hay chính là độc thoại triền miên về những bí mật của nghệ thuật trang trí sách và những chú giải kinh Koran. Như vậy, các nhân vật cần có trong một vụ án đều xuất hiện trong tác phẩm. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là họ không phải lúc nào cũng chăm chú làm tròn nhiệm vụ của mình. Cùng với nhân vật “cốt tử” của truyện trinh thám, các nhân vật “ngoài luồng” phân tán câu chuyện, cắt nhỏ hành trình điều tra phá án, khiến cái khung trinh thám “trổ nhánh” ra nhiều hướng. Các nhân vật như hợp nhau lại để bày bố mê lộ dẫn dụ độc giả qua các kể đầy mê hoặc của mình. Những cái “tôi” đầy tính tự trị và đầy sự tự tin khi nói về mình và nói về thế giới, điều đó làm người đọc hoang mang giữa vòng vây của các chân lí đang lên tiếng.

Cách dẫn truyện này khiến độc giả lúng túng nhưng sau đó, nó đã tạo được hứng thú hiếm có bởi sự mới lạ. Đồng thời, nó giúp độc giả thâm nhập vào đáy sâu nội tâm của từng nhân vật để từ đó tự rút ra những cảm nhận, đánh giá riêng của mình, thậm chí nảy sinh tình cảm với mỗi nhân vật. Cũng nhờ cách kể chuyện ấy, Orhan Pamuk đã duy trì được sự tò mò, căng thẳng và hồi hộp của người đọc đến tận trang sách cuối cùng, thúc đẩy ý muốn cùng tham gia điều tra phá án ở bên trong họ. Nhờ đó, sức hấp dẫn của tác phẩm được nâng lên một tầm cao mới.

Một phần của tài liệu Giả trinh thám trong Tên tôi là Đỏ của Orhan Pamuk (Trang 28 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)