Cuộc tranh luận bất tận về nghệ thuật

Một phần của tài liệu Giả trinh thám trong Tên tôi là Đỏ của Orhan Pamuk (Trang 79 - 101)

6. Đóng góp của luận văn

3.2.Cuộc tranh luận bất tận về nghệ thuật

Sức nặng nghệ thuật thực sự của Tên tôi là Đỏ, như nhiều người đã thừa nhận, đặt trọng tâm ở câu chuyện về cuộc đối mặt và va chạm giữa nền nghệ thuật tiểu họa Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ và nền nghệ thuật hội họa hiện thực Venice. Một bên là cách vẽ không tuân theo luật phối cảnh, vật ở gần hay ở xa đều giữ nguyên vai trò của nó chứ không thay đổi theo tầm nhìn, và đây là nền hội họa không biết đến tranh chân dung. Một bên là cách vẽ tôn trọng đến cùng tỉ lệ thực của vật thể trong không gian và luôn lấy việc miêu tả chân thực diện mạo sống động của con người làm một hứng thú lớn.

Trong hội họa truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ, nhà tiểu họa là thợ vẽ tranh trang trí cho các bản thảo thời đế quốc Ottoman. Họ thường dùng màu sáng, thậm chí dát vàng vào tranh. Tiểu họa Ottoman không vẽ theo luật phối cảnh, mà coi trọng vai trò của nó. Theo họ, việc thay đổi theo đúng tầm nhìn là một tội lỗi. Đó là cách vẽ theo cái nhìn “từ một đỉnh tháp”, giống như cách Thượng đế nhìn xuống thế giới vạn vật từ trên cao. Với người Hồi giáo, chỉ có Allah là Đấng sáng thế, nên chỉ có ngài có quyền được sáng tạo. Nhà tiểu họa là người vẽ lại vạn vật theo cách nhìn của Allah. Mọi sự đi ngược lại sự sáng tạo ngàn đời của Allah đều là báng bổ. Sư phụ Osman là một trong số những người trung thành theo phong cách này. Từ năm này qua năm khác, ông ngắm những bức tranh của bậc thầy Herat và thấm nhuần chúng đến mức có thể nhắm mắt mà cảm nhận tranh. Do giáo luật cấm thờ ngẫu tượng nên hội họa Thổ Nhĩ Kỳ mang tính mô phỏng, ước lệ. Các nhân vật không có hồn cốt, tâm trạng, phong thái riêng. Họ chỉ được nhận ra thông qua trang phục, sắc màu. Từ luật giáo này, sự sáng tạo không đến với các nhà tiểu họa. Đối với họ, vẽ sao cho giống với các bức minh họa của bậc thầy đã là sự sáng tạo rồi. Các bức vẽ luôn có đời sống gắn liền với câu chuyện, để minh họa cho nội dung câu chuyện. Hướng đi này được coi là an toàn vì tôn trọng truyền thống và phù hợp với đạo luật. Osman trung thành tuyệt đối với các chuẩn mực hội họa Herat. Ông “không thích bất cứ thứ gì đổi mới là vì thực tình chẳng có thứ gì mới đáng yêu thích cả” [38, 323]. Zeytin cũng giữ trong mình niềm tin này, nhưng niềm tin của anh ta đã bị đẩy đến mức cực đoan, trở nên cuồng tín, mê muội.

Mỗi bức tranh đều nói lên một câu chuyện. Nếu theo phong cách Herat, câu chuyện nảy nở thành màu sắc, hay nói cách khác, bức vẽ minh họa cho câu chuyện đã có, thì phong cách Venice ngược lại. Người ta xem tranh mà không hề biết câu chuyện từ trước, họ phải cố gắng rút ra một câu chuyện từ

hình ảnh mà bức tranh mang lại. Điều này lạ lẫm với tất cả nhà tiểu họa đã đi theo lối mòn của phong cách Herat, đến độ Enishte “đi ngang một bức tranh treo trên tường một tòa lâu đài và chết lặng”, sư phụ Osman “ghê tởm và căm ghét dữ dội”, còn bốn nhà tiểu họa tài năng thì hoang mang và giết hại nhau.

Thực tế, sự mâu thuẫn này không chỉ diễn ra giữa các nhân vật mà còn ở ngay trong bản thân mỗi người. Orhan Pamuk đã đưa ngòi mổ xẻ những biến đổi tế vi trong tâm tư của các nhà tiểu họa. Dù là người đầu tiên đưa phong cách Tây vực vào đô thành Istanbul, Enishte Kính mến không khỏi có lúc băn khoăn về lựa chọn của mình. “Ta không tin vào mọi thứ họ làm. Việc cố mô phỏng thế giới một cách trực tiếp thông qua hội họa với ta có vẻ đáng hổ thẹn. Ta phẫn nộ về việc đó” [38, 239]. Sống dưới Vương triều Ottoman, ông chịu sự chi phối của tôn giáo và luật pháp, đức tin và luật lệ. Ông hiểu rằng nền hội họa Herat không dễ dàng chấp nhận phong cách mới đi ngược với niềm tin của họ về Thánh Allah, thậm chí báng bổ tôn giáo của họ. Khi đối mặt với tên sát nhân, biết được nguyên nhân cái chết của Zarif, ông trở về với nỗi sợ bị cho là kẻ bắt chước Tây vực. Vừa bị hấp dẫn bởi các bức tranh tả thực, vừa sợ hãi sức mạnh truyền thống, Enishte tìm đến sự đồng tình của người đứng đầu đất nước. Thuyết phục Đức vua làm bộ sách theo phong cách Venice chính là cách ông xóa đi nỗi lo lắng phản bội, củng cố niềm tin vào nền nghệ thuật mới. Trên tất cả nỗi băn khoăn, dằn vặt, Enishte quyết định đi theo phong cách mới này và tin rằng nó sẽ làm thay đổi bộ mặt nền hội họa Thổ Nhĩ Kì. “Những bức tranh họ làm theo phương pháp mới đó có sức cám dỗ không thể chối bỏ. Họ vẽ những gì con mắt nhìn thấy nó. Ngắm tác phẩm của họ, người ta dần nhận ra rằng cách duy nhất để làm sống mãi một khuôn mặt là thông qua phong cách Tây vực. Một ngày nào đó, mọi người sẽ vẽ như họ. Khi đề cập đến hội họa, cả thế giới sẽ nghĩ đến tác phẩm của họ” [38, 240]. Trong giây phút đối mặt với cái chết, chịu sự đe dọa của kẻ sát nhân, lý trí buộc ông

phải ngợi ca phong cách truyền thống, nhưng rồi niềm đam mê và tin tưởng vào phương pháp mới đã đưa ông phủ nhận tương lai của nền hội họa Herat. Bình mực cổ giáng xuống đầu ông khi ông đang say sưa nói về chung cục bi thảm của phong cách truyền thống. Mâu thuẫn không được hòa giải mà càng đẩy xung đột lên cao.

Trong nghệ thuật, Enishte được coi là người đi tiên phong trong việc đưa phong cách Venice vào hội họa Ottoman và có tham vọng kết hợp hai phong cách này với nhau. Ông không quay lưng lại với phong cách Ottoman nhưng rất quan tâm tới phong cách mới của người Tây vực. Ông bị thu hút mạnh mẽ vào ý muốn “xem mình là quan trọng nhất, giống như đặt mình vào trung tâm thế giới” [38, 156]. Những bức tranh của người Venice tạo ra một thứ quyền lực đặc biệt, không chỉ khiến người ta sợ hãi, mà còn khiến họ biết rằng ngay cả việc tồn tại trong thế giới này đã là một sự kiện kì bí. Nhân vật trong tranh là những con người thực sự - những sinh vật bí ẩn. Tranh chân dung theo phong cách Venice chính là một cách nhìn lột trần và mổ xẻ con người, cắt nghĩa và phơi bày con người trước thế giới và trước chính bản thân họ. Vẻ ma thuật trong những bức chân dung khiến những người lần đầu tiếp cận với phong cách Tây vực cảm thấy bất lực và thiếu sót.

Từ nỗi thèm khát được trở nên “ngạo mạn trước Thượng đế”, Enishte Kính mến muốn đưa nghệ thuật minh họa thoát khỏi cái nhìn của Allah. Ông tự nhận mình đã “phản bội ước mơ của những bậc thầy Herat và toàn bộ truyền thống hội họa của họ” [38, 160]. Có giây phút ông thấy tội lỗi khi ôm ấp ước mơ vẽ những bức tranh theo phong cách có thể vi phạm những quy tắc của các bậc thầy Herat. Nhưng nỗi sợ thảng hoặc đó không át đi khao khát được thực hiện cuốn sách mới mẻ mà mọi vật được sống đúng như hiện thực. Ông quyết định thuyết phục Đức vua thực hiện một bản thảo được minh họa theo phong cách hoàn toàn mới – phong cách Tây vực. Ông muốn mọi thứ trở

nên “khác biệt và nổi bật”, nhìn vào bức tranh có thể hiểu được người nghệ sĩ và câu chuyện anh ta muốn kể. Và khi tập hợp các nhà tiểu họa tài hoa lại để thực hiện một nhiệm vụ chung là minh họa một cuốn sách vĩ đại theo ý Đức vua, mâu thuẫn giữa họ bắt đấu bộc lộ. Họ sẽ vẽ như thế nào? Theo truyền thống hay theo Phương Tây? Theo cái nhìn của Thượng đế hay cái nhìn của con người? Ở chương 24, Thần Chết kể lại sự xuất hiện của mình trong bức tranh minh họa, nhưng hơn hết là cuộc tranh luận giữa Enishte và một trong bốn nhà tiểu họa bậc thầy. Cuộc tranh luận này thực chất là sự cọ xát của hai quan niệm nghệ thuật chưa tìm được tiếng nói chung. Enishte cho rằng họa sĩ có thể vẽ theo tưởng tượng của họ, nhưng học trò của ông cho rằng cần phải trải nghiệm mới cho ra bức tranh hoàn mĩ. Câu chuyện của Thần Chết, không khác gì hơn là cuộc tranh biện đầy ám chỉ, mơ hồ của hai trường phái nghệ thuật đối lập. Thước đo tài năng của một nhà tiểu họa là khả năng vẽ mọi thứ ở mức độ hoàn hảo hay là đưa vào trong tranh chủ đề mới? Sự sáng tạo ở đề tài hay sự thuần thục ở kĩ nghệ sẽ đánh dấu tên tuổi của bậc thầy vĩ đại? Đến lúc này, chính anh học trò theo phong cách Herat cũng dè dặt đưa ra lời khẳng định. Thần Chết ra đời sau giây phút nhượng bộ của anh học trò. Nhà tiểu họa này đi theo phong cách truyền thống, nên khi vẽ một thứ không có thật, “linh hồn anh ta xao động vì cảm thấy mình bất kính và, lần đầu tiên, anh ta cảm thấy hổ thẹn với những bậc thầy xưa” [38, 182]. Vì thế, Thần Chết cho rằng mình là một sản phẩm của “những cơn hối tiếc”.

Không khó để nhận ra mối mâu thuẫn ngấm ngầm giữa sư phụ Osman và Enishte Kính mến. Mỗi người đều bảo vệ phong cách nghệ thuật của mình. Enishte nghĩ về Osman: “Một số người nói rằng ông đã mù, người khác cho rằng ông đã lẫn. Ta thì cho là ông vừa mù vừa lẫn” [38, 51]. Còn Osman công kích phong cách nghệ thuật mà Enishte theo đuổi: “Trong đám tang của Enishte, kẻ mà linh hồn bị Thượng đế đưa đi quá sớm vì sự ngu ngốc của

chính ông ta, tôi cố quên rằng người quá cố đã từng có lần khiến tôi đau khổ ghê gớm khi buộc tôi bắt chước những bậc thầy châu Âu” [38, 323]. Khi sư phụ Osman – người đại diện cho phong cách truyền thống, nghiên cứu cuốn sách dở dang của Enishte, xung đột trong cách nghĩ của họ được bộc lộ rõ hơn. “Tất cả các người đều biết tôi kinh tởm như thế nào khi lần đầu ghé mắt vào những bức tranh được chuẩn bị cho cuốn sách của Enishte Kính mến. […] Nỗi khao khát vẽ một cội cây đơn giản thế này, như những bậc thầy Venice đã vẽ, được kết hợp ở đây với cách nhìn thế giới từ trên cao của người Ba Tư, và kết quả là một bức tranh khốn khổ không ra Ba Tư cũng chẳng ra Venice. Đây là cách nhìn cây từ bên lề thế giới. Khi cố gắng kết hợp hai phong cách khác biệt, những nhà tiểu họa của tôi và đầu óc nghèo nàn của tên hề đã chết kia đã tạo ra một tác phẩm chẳng hề có chút kĩ năng nào” [38, 345]. Nghe cách sư phụ Osman bình luận về những bức tranh theo phong cách mới đủ thấy sự bất đồng khó có thể hòa hợp giữa hai người đứng đầu hai phong cách hội họa này. Sư phụ Osman không chấp nhận sự có mặt của một phong cách hội họa mới trong xưởng vẽ của mình. Dù là một bậc thầy bao dung, ông vẫn không thể loại bỏ ra khỏi suy nghĩ của mình sự khinh thường phong cách Venice và những người đi theo phong cách này. Sự phản đối của những nhà tiểu họa Ottoman với phong cách nghệ thuật Venice, ở bề mặt, là vì nó vi phạm pháp điển Hồi giáo, nhưng ở bề sâu, là vì nó buộc họ chịu sự tra tấn của việc phải nhìn thẳng vào “bản lai diện mục”, và không có bất cứ tấm màn mờ ảo nào của Thượng đế có thể làm dịu đi ánh sáng gay gắt của sự thật. Họ sợ phải đối diện với cái xấu, cái ác, cái bất toàn trong chính bản thân mình một khi chúng đã bị bóc ra dưới cái nhìn trực diện và trung thực kia.

Ở đây nảy sinh xung đột giữa Đông và Tây, giữa hai nền văn hóa được biểu hiện cụ thể bằng mâu thuẫn giữa các nhà tiểu họa theo phong cách khác nhau. Các nhà tiểu họa bị giằng xé giữa hai lựa chọn, học theo phong cách

Tây phương, hay tiếp tục đi theo truyền thống, và lựa chọn này còn đẩy lên mức quan trọng hơn vì chúng gắn liền với ý thức tôn giáo. Đỉnh điểm xung đột nghệ thuật này là hai vụ án mạng. Án mạng xảy ra vì họ cho cái nhìn của đối phương là báng bổ và sai lầm. Zeytin giết Zarif vì hai người đã rẽ theo hai hướng khác nhau trên con đường hội họa. Họ không còn chung quan điểm sáng tạo. Zeytin, như sư phụ Osman, giữ niềm tin tuyệt đối vào Allah và nghệ thuật truyền thống, còn Zarif đã nghiêng mình theo lối vẽ mới của người Tây vực, như Enishte. Cái chết thứ hai của Enishte Kính mến cũng không nằm ngoài sự mâu thuẫn trên. Mỗi người đều kiên quyết bảo vệ lý tưởng mà mình theo đuổi và không chấp nhận bất cứ sự cản trở nào. Căn nguyên tội ác của Zeytin chính là sự mâu thuẫn ở quan niệm sáng tác, quan niệm sống. Anh ta giết chết những người anh em của mình bởi “anh muốn vẽ như anh muốn, mà không sợ hãi” [38, 234]. Sự tồn tại của Zarif và Enishte chính là một mối nguy hiểm của phong cách hội họa mà anh ta tôn sùng. Nỗi sợ hãi khiến anh ta tìm đến cách giải quyết mâu thuẫn là giết những người đi theo trường phái đối lập. Cũng như những nạn nhân của mình, Zeytin chỉ là một nhân vật trong cuộc thử nghiệm nghiệt ngã cho sự gặp gỡ Đông – Tây trong nghệ thuật hội họa. Zeytin là một nhân vật – người kể chuyện phức tạp với vô số mâu thuẫn nội tại. Anh ta vừa che giấu thân phận, vừa muốn thu hút sự chú ý, vừa tôn thờ vẻ đẹp mực thước ngàn đời, vừa muốn có phong cách riêng. Trong những đêm lang thang khắp thành phố, anh ta luôn bị dày vò, không chỉ vì tội lỗi của bản thân, mà còn bởi những câu hỏi chưa lời đáp: phong cách có tồn tại được không? Người nghệ sĩ có phong cách có là bậc thầy không? Mang trong mình nỗi lo lắng về ngày phán xét, Zeytin còn hoài nghi chính bản thân mình. Anh ta thấy ngạc nhiên khi những điều mới mẻ trong phương pháp vẽ chân dung, luật phối cảnh của nghệ thuật Tây vực khiến anh ta thấy thú vị. Nhưng sức hấp dẫn từ điều mới lạ đó không đủ để anh ta thay đổi như một số nhà tiểu

họa thân thiết của mình. Anh ta muốn có phong cách nhưng lại sợ hãi khi nghĩ rằng những sáng tạo của mình là một thứ tội lỗi. Mâu thuẫn giữa tài năng sáng tạo và niềm tin tôn giáo giày vò anh ta đến độ anh ta phải tự vùng thoát bằng cách lựa chọn giết chết người bạn, người thầy thân thiết của mình để củng cố niềm tin tôn giáo, hòng mang lại chút thanh thản trong tâm hồn. Lựa chọn cuối cùng của Zeytin là đi theo truyền thống, nhưng đây không phải lựa chọn đơn giản. Trong anh ta diễn ra sự đấu tranh quyết liệt và đau khổ. Anh ta không thể phủ nhận sự hấp dẫn của cuộc sống thực sống động trong các bức tranh theo phong cách Venice. Mặt khác, anh ta tôn thờ cái nhìn của Thượng đế, nên tranh của anh ta phải sao chép sự vật như cách Thượng đế muốn tạo ra. Trái tim anh ta vang lên những luận điệu ngọt ngào về lịch sử vàng son của nền hội họa Herat và năm tháng học việc không thể nào quên của mình. Anh ta kinh hãi chính mình nếu đi ngược truyền thống và cảm quan nghệ sĩ đã hình thành ổn định trong suốt cuộc đời là nghệ thuật đã qua của mình. Ở Zeytin, không phải anh ta chối bỏ ham muốn được in dấu ấn của mình trong mỗi bức vẽ, mà giáo lý tôn giáo và phong cách Herat đã trở thành một xác tín

Một phần của tài liệu Giả trinh thám trong Tên tôi là Đỏ của Orhan Pamuk (Trang 79 - 101)